Cảnh báo nhiều trường hợp ngộ độc, tử vong do ăn nấm rừng

Nhiều trường hợp cả gia đình ăn nấm bị ngộ độc, chủ quan không đi khám dẫn đến tử vong thương tâm. Các bác sỹ cảnh báo người dân cần cẩn trọng khi chọn nấm.

9 người dân tại xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La vừa phải cấp cứu vào bệnh viện do ăn nấm rừng.

Được biết, số nấm mà các nạn nhân sử dụng trong bữa ăn trưa ngày 5/6, được anh Hạng Seo Lưu (xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) về thăm người thân tại bản Po Mậu, xã Co Mạ, hái từ rừng Co Mạ về để nấu canh cho mọi người ăn.

Trong số 9 người nhập viện cấp cứu sau khi ăn nấm, chị Vừ Thị Ly (24 tuổi) trú tại bản Po Mậu là người có biểu hiện ngộ độc đầu tiên. Chị Ly cho biết: 'Khoảng 11h trưa hôm 5/6, mọi người trong gia đinh nghỉ làm nương để dùng bữa trưa tại lán. Bữa ăn gồm cơm rau cải và một bát canh nấm. Sau khi ăn xong khoảng 20 - 30 phút chị thấy trong người khó chịu, kèm nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng. Thấy không ổn nên chồng liền chở lên Trạm y tế xã Co Mạ để khám. Sau khi được thăm khám, cán bộ nói bị ngộ độc phải xuống bệnh viện huyện và tỉnh cấp cứu'.

Bác sĩ Lương Bảo Chung Khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, đang kiểm tra sức khỏe cho mẹ con em Phố. Ảnh: VOV.

Bác sĩ Lương Bảo Chung Khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, đang kiểm tra sức khỏe cho mẹ con em Phố. Ảnh: VOV.

Sau khi được cấp cứu truyền dịch thải độc kịp thời sức khoẻ các nạn nhân đã ổn định.

Ông Lương Bảo Chung, bác sĩ Khoa hồi sức tích cực chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, cho biết: 'Bệnh viện tiếp nhận các bệnh nhân trong tình trạng da xanh tái niêm mạc hồng nhạt đau bụng quanh rốn. Trong số các bệnh nhân có 3 trẻ em còn hiện tượng nôn bệnh viện đã khẩn trương tiến hành cấp cứu các nạn nhân, truyền dịch thải độc bằng phương pháp tăng cường bài niệu và theo dõi thêm tình hình sức khỏe trong thời gian tiếp theo. Tính đến chiều nay 6/6 sức khỏe các bệnh nhân đã ổn định'.

Trước đó, vào chiều 4/5, Khoa hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận 5 bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nấm lạ trong rừng. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, chị Bàn Thị Hai cùng các con vào rừng hái được nhiều nấm tươi. Sau khi nấu nấm cho cả gia đình cùng ăn, khoảng 30 phút sau cả 5 người đều có biểu hiện ngộ độc, với triệu chứng như: Đau thắt bụng, đầu chóang váng, liên tục nôn ra thức ăn lẫn dịch tiêu hóa

Nạn nhân ngộ độc nấm có 2 cháu bé được cứu chữa kịp thời. Ảnh: BQN.

Nạn nhân ngộ độc nấm có 2 cháu bé được cứu chữa kịp thời. Ảnh: BQN.

Do được người dân chuyển tới Trung tâm Y tế cấp cứu kịp thời, tình trạng của 5 bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy hiểm và dần ổn định. Bệnh nhân đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không còn triệu chứng đau bụng đau đầu Hiện các bệnh nhân này vẫn phải tiếp tục nằm tại Trung tâm Y tế nhằm để theo dõi, đề phòng biến chứng.

Chủ quan dẫn đến tử vong

Chiều 2/4, ông Hoàng Tiến Việt, Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cho biết, liên quan đến 4 bệnh nhân trong cùng 1 gia đình nhập viện vì ngộ độc nấm rạng sáng 29/3, đến thời điểm hiện tại đã có 2 người tử vong 1 người đang được gia đình đưa xuống bệnh viện ở Hà Nội điều trị, người còn lại tình trạng sức khỏe yếu, bệnh viện đang thay huyết tương, chưa thể đưa xuống bệnh viện ở Hà Nội.

Sau khi được cấp cứu, truyền dịch thải độc kịp thời sức khoẻ các nạn nhân đã ổn định. Ảnh: VOV.

Sau khi được cấp cứu, truyền dịch thải độc kịp thời sức khoẻ các nạn nhân đã ổn định. Ảnh: VOV.

Danh tính 4 nạn nhân gồm: Sùng Diêu Hồng (SN 1966), Thào Thị Vá (SN 1970, vợ ông Hồng), Sùng Văn Hoành (SN 1990, con trai ông Hồng) và Ly Thị Pà (SN 1995, con dâu ông Hồng) cùng trú tại xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Trong đó, bà Vá và anh Hoành đã tử vong.

Được biết ngày 28/3, ông Hồng vào rừng hái nấm về nấu canh cho cả nhà ăn bữa trưa. Đến chiều, cả 4 người đều có biểu hiện đau đầu chóng mặt buồn nôn và đi ngoài. Tuy nhiên do chủ quan, rạng sáng 29/3, người thân mới đưa cả 4 người đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cấp cứu. Nguyên nhân ban đầu được xác định do ngộ độc nấm.

Cách nhận biết nấm độc

Theo TS. BS Nguyễn Tiến Dũng, công tác tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nhiều người cho rằng nấm có màu sắc sặc sỡ là nấm độc nhưng không biết rằng nấm trắng cũng vẫn có thể độc. “Trung tâm tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp ăn phải loại nấm màu trắng; khi ăn rất ngọt, mềm nhưng lại là loại nấm cực độc. Có gia đình 9 người ăn thì đến 8 người tử vong do nấm trắng đó”, TS Dũng cung cấp thông tin.

Mùa xuân thời tiết ấm, ẩm là điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển. Đây cũng là thời điểm xảy ra các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc tại nhiều tỉnh miền núi phía bắc và một số vùng ở Tây nguyên. Tại trung tâm chống độc, số ca ngộ độc nấm thường tăng cao vào dịp đầu năm, nhiều ca nặng gây suy đa tạng, tỷ lệ tử vong cao (có thể lên đến 50%).

BS Dũng cũng lưu ý, đừng trông chờ vào sự lựa chọn của côn trùng để hái nấm ăn. Thật sai lầm khi cho rằng “cứ loại nấm côn trùng ăn được thì người cũng ăn được”. Thực tế có bệnh nhân thấy nấm đó có con kiến đến ăn, nghĩ không độc nên yên tâm sử dụng. Nhưng ăn xong thì tử vong. “Các loại nấm độc đều bị kiến, ốc sên, sâu bọ ăn nên không thể dựa vào chúng để chọn nấm cho người”, BS Dũng nhấn mạnh.

Cẩn trọng với nấm hoang dại

ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách trung tâm chống độc, lưu ý thêm: người dân tuyệt đối không nên lên rừng hái nấm hoang dại ăn kể cả nấm màu trắng trông có vẻ an toàn. Đặc biệt, không hái nấm non chưa xòe hết mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm, khó nhận dạng nấm. “Ngay với nấm tươi, được xác định là loại ăn được cũng nên chế biến nấu ăn ngay. Nếu để ôi, dập nát lại là điều kiện hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Tuyệt đối không ăn nấm đã bị thối rữa ôi thiu”, BS Nguyên cho hay.

Các BS hướng dẫn, khi có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn nấm (tê môi đau đầu đau bụng ), nếu bệnh nhân còn tỉnh táo và chưa nôn thì cần móc họng hoặc uống nhiều nước rồi móc họng gây nôn và khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu từ lúc ăn đến khi có biểu hiện ngộ độc dưới 6 giờ thì bệnh nhân có thể điều trị tại trạm y tế xã, bệnh viện huyện. Nếu hơn 6 giờ cần phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện tỉnh, nơi có điều kiện lọc máu

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật