Hậu quả và hướng điều trị phì đại tuyến tiền liệt hiệu quả

Tuyến tiền liệt (TTL) thường phát triển ở tuổi dậy thì, đến khoảng 20-25 tuổi thì bắt đầu ổn định. Tuy nhiên, đến sau 40 tuổi, TTL thường có khuynh hướng phát triển bất thường, được gọi là phì đại lành tính TTL hay u xơ TTL. Tuy bệnh lành tính nhưng lại gây khó chịu cho người bệnh và nếu để kéo dài dễ dẫn đến ác tính. Do vậy, việc điều trị sớm là rất cần thiết để nâng cao chất lượng sống và dự phòng biến chứng của bệnh.

Sự phì đại của tuyến gây ra một số triệu chứng rối loạn về tiểu tiện. Đây không phải là bệnh lý ác tính mà là sự phì đại lành tính của TTL. U xơ TTL nhìn chung thường bắt đầu vào độ tuổi trung niên ở người đàn ông, tiến triển từ từ và thường chỉ gây ra triệu chứng sau 50 tuổi.


Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, có trên 50% nam giới ở độ tuổi từ 60 - 70 tuổi bị u xơ TTL, tỷ lệ này lên đến 88% ở những người 80 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh và mức độ trầm trọng của bệnh thường gia tăng theo độ tuổi.

Hậu quả do bệnh gây nên

Nếu u to, chèn ép vào đường niệu đạo gây nên các triệu chứng tắc nghẽn đường tiểu, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống của người bệnh (đây chính là lý do chủ yếu để bệnh nhân tìm đến với thầy thuốc). Khi u xơ gây chèn ép, ứ trệ nước tiểu sẽ gây nên một số hậu quả: dễ bị viêm đường tiết niệu nguy hiểm hơn nếu viêm nhiễm này di ngược lên trên gây viêm đài - bể thận là một bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu rất nặng. Nếu ứ trệ nặng và kéo dài có thể dẫn đến suy thận mạn tính

Chuyển thành ung thư TTL, nếu ung thư TTL được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ dễ dàng và tiên lượng sống sẽ tốt; nếu để muộn, xuất hiện di căn ung thư sang các cơ quan khác thì tiên lượng sẽ xấu hơn rất nhiều. Chính vì vậy, bệnh nhân cần được khám xét kiểm tra định kỳ nhằm phát hiện sớm ung thư (nếu có) để có thể điều trị kịp thời.

Điều trị như thế nào?

Không phải tất cả các bệnh nhân bị u xơ TTL đều phải điều trị. Những người không bị ảnh hưởng nhiều bởi các triệu chứng của u xơ TTL thì thường không điều trị nhưng phải được kiểm tra định kỳ để xem tình trạng bệnh có trở nên xấu đi hay không, đặc biệt cần xét nghiệm PSA để xem có bị ung thư TTL hay không mà xử trí kịp thời. Lựa chọn phương pháp điều trị như thế nào tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu là dựa vào các dấu hiệu lâm sàng (tức là mức độ ảnh hưởng đến tiểu tiện) và khối lượng của TTL.

Thuốc nào để chữa bệnh?

Với những người có triệu chứng rối loạn về tiểu tiện, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày thì trước mắt phải điều trị bằng nội khoa. Các thuốc được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là thuộc nhóm ức chế alpha 1 có tác dụng làm giãn cơ trơn thành mạch, TTL và cổ bàng quang giúp làm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn niệu đạo do phì đại TTL. Ví dụ alfuzosin (Xatral), terazosin (Hytrin), doxazosin, prazosin và tamsulosin. Các thuốc ức chế alpha 1 không làm “tiêu” khối u mà chỉ giúp cho tiểu tiện dễ dàng do cổ bàng quang và niệu đạo dễ mở rộng khi đi tiểu.

Thuốc này cũng làm giãn một số cơ vòng khác trong cơ thể và gây tác dụng phụ như giảm huyết áp Ngoài ra, còn một số thuốc khác như các thuốc kháng androgen như ức chế men 5-alpha-reductase như finasteride (procascar) và dutasteride thường được dùng phối hợp với thuốc trên để làm giảm triệu chứng. Tác dụng phụ của thuốc bao gồm giảm ham muốn tình dục các vấn đề về cương dương hay phóng tinh.

Ngoài ra, có thể sử dụng một số loại dược thảo trong nước đã được nghiên cứu có tác dụng chữa u xơ TTL, trong số đó, loại lá cây được sử dụng phổ biến nhất trong nhân dân là lá cây trinh nữ hoàng cung (có thể dùng lá sắc uống như uống nước trà hàng ngày hoặc sử dụng viên nén đã được bào chế sẵn).

Các phương pháp khác

Điều trị bằng ngoại khoa hầu như là để giảm triệu chứng. Hiện nay, phổ biến nhất là áp dụng phương pháp cắt bỏ TTL bằng nội soi qua đường niệu đạo Khi TTL quá to, không sử dụng được bằng phương pháp cắt nội soi thì phải mổ bóc u xơ TTL. Ở phương pháp này, bác sĩ rạch một đường ở bụng hay giữa bìu và hậu môn để bóc bỏ toàn bộ TTL.

Ngoài ra, có nhiều biện pháp hỗ trợ điều trị khác không dùng thuốc cũng được chứng minh có hiệu quả và hỗ trợ trong điều trị như: ngâm nước ấm toàn bộ vùng chậu hông kết hợp xoa bóp phía ngoài hàng ngày. Uống đầy đủ nước, nhất là mùa hè nhưng luôn nhớ là ưu tiên uống vào ban ngày; sau 19 giờ, nên hạn chế uống nước hoặc ăn các loại đồ ăn nhiều nước (vì nhiều người uống cả vào buổi tối gây đi tiểu nhiều cả đêm, làm mất ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe).

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật