Nói giọng thực quản - Cơ hội cho người bệnh ung thư thanh quản

Thanh quản là bộ phận chính của cơ quan phát âm, khi bị ung thư và đòi hỏi phải cắt bỏ toàn bộ thanh quản để cứu sống bệnh nhân đồng nghĩa với việc người bệnh mất đi tiếng nói mà tạo hóa ban tặng. Nhu cầu bức thiết ngay sau đó là làm sao trả lại tiếng nói cho người bệnh để họ có một cuộc sống mới không tàn phế.

Lời nói và các bộ phận cấu thành lời nói

Lời nói được hình thành bởi sự tham gia của rất nhiều bộ phận trong cơ thể. Từ vỏ não, lời nói nội tâm được chuyển xuống bộ phận phát âm gồm phổi thanh quản họng, mũi xoang, lưỡi, môi và răng

Cơ quan phát âm hình thành lời nói qua 3 giai đoạn: Tạo âm thanh (do sự rung của dây thanh - một bộ phận của thanh quản), cộng hưởng (họng, mũi, xoang) và phân tích âm tiết (lưỡi, môi răng mũi) - tạo ra các phụ âm, nguyên âm rồi tạo thành từ, câu.

Cơ sở của giọng nói thực quản

Bệnh nhân bị mất cơ quan phát ra tiếng thanh nhưng vẫn còn lại hai trong ba bộ phận phát âm. Mục đích của việc tái tạo phát âm sau cắt thanh quản toàn phần là tìm ra những nguồn phát ra tiếng thanh nhân tạo thay thế và vẫn sử dụng những bộ phận còn lại của bộ máy phát âm.

Những năm ngay sau khi thực hiện thành công phẫu thuật thanh quản các nhà phẫu thuật thanh quản thông báo một điều ngạc nhiên là một số bệnh nhân sau khi cắt thanh quản toàn phần vẫn có khả năng nói được. Phải đến một vài năm, điều bí ẩn này mới được Seaman giải đáp: ở các bệnh nhân này phần thực quản cổ có thể hoạt động như một thanh quản mới. Nếu khi ta ợ hơi không khí còn lại phần trên dạ dày và thực quản bật ra sẽ nghe thấy một tiếng “kêu” bất thường. Bệnh nhân sau khi cắt thanh quản toàn phần sẽ lấy nguồn hơi từ phần dạ dày và thực quản như là nơi dự trữ không khí thay thế vai trò của phổi trong quá trình tạo thanh. Từ cơ sở đó, giọng thực quản (Esophagus voice) đã ra đời.

Sự chuyển động của cột khí trong thực quản làm rung cơ thắt họng thực quản (hoạt động như thanh quản giả). Sau đó âm thanh phát ra được biến đổi do hệ thống cấu âm và cộng hưởng trên thanh môn như bình thường. Chất lượng giọng của người nói giọng thực quản yếu hơn bình thường vì mỗi lần lấy hơi chỉ được khoảng 15ml, ít hơn người bình thường gần 100 lần, nên chỉ nói được rất ngắn.

Nếp niêm mạc của màng thực quản hoạt động như một dây thanh giả sau khi thanh quản bị cắt bỏ toàn bộ. Lúc này luồng hơi đóng vai trò chủ đạo. Việc tạo ra nguyên âm và phụ âm là do quá trình luyện tập của người tập phát âm để phối hợp nhuần nhuyễn sự dừng lại đột ngột hoặc điều chỉnh tốc độ luồng không khí đi từ thực quản lên tạo rung nếp niêm mạc ở miệng thực quản mà thành chứ không do sự điều khiển của các cơ đóng mở thanh quản như trước.

Vậy điều cốt yếu là phải làm sao dự trữ được nhiều hơi trong dạ dày và thực quản, kết hợp với điều khiển luồng hơi khi đi qua nếp niêm mạc của họng thực quản thành thói quen sau khi được luyện tập.

Phương pháp này rất hiệu quả, không yêu cầu phẫu thuật hoặc cần vật liệu nhân tạo và không gây biến chứng nguy hiểm. Khi nói chuyện rất tự nhiên do không cần phải bịt lỗ thở đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế của mọi người nên được 92% bệnh nhân sau cắt thanh quản toàn phần lựa chọn.

Phương pháp để tạo ra giọng thực quản

1. Luyện tập thể dục là bài tập đầu tiên giúp cho các cơ thành bụng cơ hoành thật khỏe bằng phương pháp thở bụng.

2. Tạo ra luồng hơi:

- Há miệng lấy không khí vào mồm.

- Ngậm miệng để giữ không khí.

- Nuốt không khí trong miệng vào thực quản và dạ dày.

- Đẩy khối không khí vừa nuốt vào ra ngoài để tạo tiếng “ợ”. Đây là nguồn thanh cơ bản của những người nói giọng thực quản.

Việc phối hợp giữa các thầy thuốc lâm sàng và các nhà ngôn ngữ học đã tìm hiểu được đặc điểm giọng thực quản thể hiện tốt được nguyên âm A, U, các phụ âm tắc, phụ âm xát và phụ âm rung. Những nguyên âm và phụ âm này cấu tạo nên trên 70% các âm tiết trong tiếng Việt vì thế những người nói giọng thực quản có được thuận lợi ngay từ giai đoạn đầu.

Tiếng rè của dịch dạ dày lẫn trong không khí làm tiếng bệnh nhân nói giọng thực quản phát âm ra có độ ồn khá lớn. Do đó để giảm thiểu tiếng rè này, các bác sĩ tai mũi họng phải kết hợp với một số thuốc giảm xuất tiết và tập thở bụng làm sao cho lượng không khí vào có thể tích lớn nhất và dồn ngay luồng hơi ra khi chưa vào đến dạ dày

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật