Xử trí và điều trị dứt điểm căn bệnh viêm tắc vòi nhĩ

Viêm vòi nhĩ thường là hậu quả của nhiễm khuẩn vùng mũi họng, hệ thống mũi xoang có liên quan mật thiết với vòm mũi họng mà vòi nhĩ định vị ngay thành bên vòm mũi họng, vì vậy, nhiễm khuẩn của mũi và xoang cạnh mũi có thể liên quan đến vòi nhĩ, ảnh hưởng chức năng vòi nhĩ gây hậu quả ù tai, nặng tai,  nghe kém và viêm tai giữa.

Vì sao vòi nhĩ hay bị viêm tắc?

Vòi nhĩ có chức năng sinh lý là đảm bảo sự cân bằng khí áp giữa trong và ngoài màng nhĩ, dẫn lưu dịch tiết ở tai giữa ra ngoài, duy trì hoạt động của hệ thống truyền âm và ngăn chặn nhiễm khuẩn ngược dòng từ họng mũi lên tai giữa.

Ở người lớn, vòi nhĩ dài trung bình 3,6cm, miệng lỗ vòi cao 8mm, rộng 5mm và thường đóng, do đó ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn và tăng cường sự dẫn lưu dịch. Ở người lớn, vòi nhĩ sẽ mở ra khi ho hắt hơi hoặc nuốt. Những hoạt động này cho phép không khí từ bên ngoài vào tai giữa hoặc từ tai giữa ra bên ngoài để cân bằng áp suất môi trường bên ngòai với áp suất trong hòm nhĩ. 

trẻ em vòi nhĩ thường thẳng, ngắn, nằm ngang và hơi mở. Vi khuẩn có thể dễ dàng di chuyển từ mũi hầu vào tai giữa thông qua vòi nhĩ, gây nhiễm khuẩn. Vì vòi nhĩ nằm ngang nên chất dịch rất khó thoát ra khỏi tai giữa. Trong khi đó, ở trẻ còn bú vòi nhĩ gần như nằm ngang, không có eo, rất thông thoáng.

Khi viêm mũi họng niêm mạc vùng mũi họng sưng nề trong đó niêm mạc gần cửa vào vòi nhĩ cũng sưng lên gây tắc vòi nhĩ. Nặng hơn nữa vi khuẩn từ mũi họng vào vòi nhĩ làm viêm vòi nhĩ lúc này không chỉ cửa vòi nhĩ bị tắc mà cả chiều dài của vòi nhĩ đều bị viêm tắc. Nếu không điều trị bệnh sẽ tiến sâu hơn gây viêm tai giữa

Ai dễ mắc?

Bệnh lý viêm tắc vòi nhĩ cũng hay xảy ra vào mùa đông xuân kéo theo việc tăng tần xuất trẻ bị viêm tai giữa trong mùa này cao hơn bình thường. Nguyên nhân do khi thời thiết trở lạnh là môi trường vô cùng thuận lợi cho các loại vi khuẩn và virut gây bệnh hoạt động mạnh trong khi sức đề kháng của trẻ lại yếu. Trẻ rất dễ bị các loại virut, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.

Một trong các bệnh thường gặp nhất là bệnh về đường hô hấp nói chung và viêm họng nói riêng do họng, xoang là điểm giao nhau giữa đường ăn, đường thở nên rất thuận lợi để các yếu tố gây bệnh xâm nhập vào khiến cho trẻ dễ mắc. Ở trẻ còn bú mẹ, tư thế nằm ngửa là yếu tố thuận lợi cho dịch chảy vào tai giữa vì vậy ở trẻ sơ sinh không nên bế ngửa nhiều. Khi xì mũi, khóc, lặn hoặc khi đi máy bay lên xuống có thể tạo nên áp lực dương cao ở vòm mũi họng gây dịch từ vòm mũi họng chảy ngược vào tai giữa.

Vòi nhĩ bình thường thì xẹp lại và không hoạt động do đó có áp lực âm nhẹ ở trong tai giữa. Khi vòi nhĩ hoạt động bình thường có sự giãn ra một cách chủ động từng lúc ngắt quãng đã duy trì cân bằng áp lực của tai giữa với môi trường xung quanh. Khi vòi nhĩ không được giãn ra đủ, khi vòi nhĩ xẹp hoặc tắc thì sẽ gây áp lực âm trong tai giữa.

Xử trí như thế nào?

Duy trì sự thông thoáng của vòi nhĩ là rất quan trọng. Chính vì vậy, cần hạn chế bị viêm nhiễm cũng như mắc các bệnh lý tai mũi họng, vì khi bị viêm mũi họng, nếu thấy có ù tai nghe kém tức là đã có thể bị viêm tắc vòi nhĩ. Nếu mắc các bệnh lý tai mũi họng cần được điều trị dứt điểm. Tùy trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị cho phù hợp như: dùng kháng sinh (nếu thấy có nhiễm khuẩn), kháng viêm, tiêu nhày.

Có thể sử dụng thêm thuốc chống sung huyết niêm mạc mũi để làm thông mũi và giảm sưng phù sung huyết ở cửa vòi nhĩ, góp phần làm thông vòi nhĩ. Cần nhỏ, xịt nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc nước biển sâu giúp dịch nhầy dày che lấp cửa vòi cũng cần được làm loãng để trôi đi.

Lưu ý, bệnh nhân chỉ hỉ mũi khi mũi thông. Nếu mũi đang nghẹt mà cố sức hỉ sẽ làm dịch bẩn ngược lên vòi mang theo vi khuẩn vào hòm nhĩ gây viêm tai giữa Ngoài việc sử dụng thuốc theo đúng đơn của bác sĩ  thì người bệnh cần tái khám đúng hẹn và làm theo lời bác sĩ dặn về chế độ ăn uống và sinh hoạt... để bệnh nhanh khỏi.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật