Sai lầm thường gặp khi dùng thuốc ở người bệnh hen phế quản

Người bệnh hen thường mắc những sai lầm gì khi dùng thuốc điều trị bệnh và cách khắc phục thế nào?

Mặc dù được bác sĩ điều trị hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ cách uống hay sử dụng bình xịt điều trị hen nhưng nhiều người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi vẫn thực hiện sai lầm cho bệnh hen không được kiểm soát, trường hợp nặng còn phải vào viện cấp cứu. Vậy, người bệnh hen thường mắc những sai lầm gì khi dùng thuốc điều trị bệnh và cách khắc phục thế nào?

Sai một ly đi một dặm

Ông Trần Văn B., (55 tuổi, nhà ở TP. Bắc Ninh) bị nhiễm khuẩn hô hấp do siêu vi nhưng khi điều trị bệnh, ông thấy mình bị khó thở có tiếng cò cử mà người ngoài cũng nghe thấy. Ông nghĩ đó là do bệnh hô hấp đang chữa trị nên gắng sức vượt qua. Nhưng tình trạng khó thở ngày càng tăng dần, nhiều khi ông phải tỳ tay vào thành giường để thở, mệt nhọc, toát mồ hôi tiếng nói bị ngắt quãng.

Lo lắng cho sức khỏe của bố, các con ông B. đã khuyên ông nên đến bệnh viện khám. Sau khi được thăm khám kỹ càng kết hợp một số xét nghiệm cần thiết, ông B. được chẩn đoán mắc hen phế quản tiên phát và được bác sĩ cho dùng thuốc trị hen hẹn tái khám sau một tháng.

Khi dùng thuốc ông B. thấy khó thở giảm nhiều, đôi lúc ông còn cảm thấy mình như chưa bao giờ bị bệnh. Tuy nhiên, vì lo lắng cho sức khỏe và nhớ lời dặn dùng thuốc đều đặn của bác sĩ, ông chưa bao giờ quên một liều thuốc nào, ông cũng không quên tái khám sau khi uống thuốc một tháng. Nhận thấy ông B. đã kiểm soát tốt bệnh hen nhưng vẫn cần duy trì liều dự phòng nên bác sĩ tiếp tục kê đơn thuốc cho ông sử dụng.

Về nhà, ông B. rất thắc mắc vì sao bác sĩ vẫn kê thuốc trong khi ông đã cảm thấy sức khỏe hồi phục rồi, không cần phải uống thuốc nữa. Nghĩ sao làm vậy, ông không uống thuốc dự phòng nữa. Nhưng cách đây vài hôm, cậu con trai út của ông đang làm việc tại Khu công nghiệp Quế Võ bị nghỉ việc tạm thời khiến ông lo lắng và lên cơn hen kịch phát phải vào viện cấp cứu, suýt nữa thì nguy hiểm đến tính mạng.

Và sai lầm thường gặp…

Theo ThS.BS. Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính bệnh viện Phổi Trung ương, bỏ dở điều trị là sai lầm thường gặp nhất của người bệnh hen đang trong quá trình điều trị. Trường hợp của ông B. cũng vậy. Nếu ông uống thuốc thường xuyên theo đúng chỉ định của bác sĩ để kiểm soát bệnh thì khi gặp những vẫn đề phải lo lắng, bệnh hen sẽ không có điều kiện phát tác và gây nguy hiểm.

Theo thống kê, có khoảng 20-30% bệnh nhân tái khám lần một theo hẹn trong đợt điều trị hen và rất ít bệnh nhân tái khám lần hai, lần ba. Nguyên nhân chính là do bệnh nhân khi thấy dễ chịu thường trì hoãn tái khám, không nhớ mình đang có bệnh cần phải tuân thủ điều trị nghiêm ngặt. Trong khi đó, tái khám là một yêu cầu bắt buộc đối với người bị hen bởi bác sĩ sẽ kiểm tra, đánh giá tình trạng bệnh cũng như sức khỏe toàn thân để điều chỉnh đơn thuốc cho phù hợp. 

Sai lầm thứ hai mà người bệnh hen thường mắc là sử dụng thuốc không đúng kỹ thuật. Sai lầm này sẽ khiến bệnh hen không được kiểm soát tốt mặc dù họ rất tuân thủ điều trị. Hiện nay, để điều trị hen phế quản lựa chọn đầu tiên là sử dụng thuốc corticoid dạng phun hít tại chỗ. Đối với dạng hít có thể dùng khí dung nhưng phải là khí dung loại hạt nhỏ để thuốc có thể đi sâu vào tận phế quản (dạng hạt to thường dùng cho cac bệnh lý viêm nhiễm vùng mũi họng). Đối với thuốc dạng phun xịt thì cần thực hiện đúng 6 bước sau, bởi nếu sai ở bất kỳ bước nào đều làm cho thuốc không đạt hiệu quả tối đa.

Bước 1: Lắc đều bình xịt

Bước 2: Xịt kiểm tra ra ngoài không khí

Bước 3: Thở sâu để loại bỏ hết không khí trong phổi

Bước 4: Miệng ngậm kín đầu phun

Bước 5: Hít càng sâu càng tốt và phun thuốc

Bước 6: Bỏ bình xịt ra và ngưng thở trong vài giây.

Sai lầm thứ ba ở người bệnh hen khi điều trị là không chú ý đến môi trường sống quanh mình. ThS.BS. Thành cho biết, nhiều trường hợp người bệnh hen tái khám rất đều đặn, kỹ thuật dùng thuốc đúng nhưng bệnh hen vẫn không được kiểm soát tốt. Sau khi tìm hiểu kỹ về tác nhân gây hen thì được biết, hàng xóm của bệnh nhân thường xuyên sử dụng than tổ ong để nấu phở bán. Trong khi đó, bệnh hen phế quản thường nặng hơn khi tiếp xúc với dị nguyên như môi trường khói bụi phấn hoa, thuộc da hóa chất mùi than tổ ong... Do vậy, nếu người bệnh hen sống trong môi trường có dị nguyên thì cách tốt nhất là chuyển nơi ở để tránh tiếp xúc.

Sai lầm thứ tư là người bệnh hen không nói cho bác sĩ điều trị biết những bệnh lý mình đang mắc phải. BS. Thành cho biết, một số loại thuốc thường dùng để chữa bệnh mạn tính ở người cao tuổi có thể gây kích phát cơn hen hoặc làm triệu chứng hen nặng thêm như thuốc aspirin và các thuốc kháng viêm điều trị viêm khớp giảm đau thuốc ức chế beta điều trị tăng huyết áp và bệnh tim hoặc thuốc nhỏ mắt có chứa chất ức chế beta điều trị glaucome... Do vậy, người bệnh hen cần thông báo cho bác sĩ các bệnh lý đi kèm cũng như các thuốc đang sử dụng để được tư vấn và lựa chọn thuốc phù hợp.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật