Thuốc chống dị ứng kháng histamin H1: Cảnh giác khi sử dụng kết hợp thuốc

Mùa xuân là mùa cơ thể chúng ta dễ bị dị ứng. Ngoài bụi và phấn hoa thì thực phẩm, côn trùng đốt, thậm chí việc sử dụng thuốc chữa bệnh... cũng là những nguyên nhân gây nên tình trạng này.

Các thuốc kháng histamin H1 gồm hai nhóm:

Nhóm thế hệ cũ

Nằm trong nhóm này là các thuốc như chlopheniramin, alimemazin, promethazin, cycloheptadin... khi sử dụng các thuốc này ở liều điều trị, thuốc vào được não, ức chế hệ thần kinh (làm giảm sự tập trung, sự nhanh nhẹn, gây ngủ) nên không thể dùng khi đang lao động học tập đặc biệt khi đang vận hành máy móc. Thuốc lại thải trừ nhanh nên phải dùng nhiều lần trong ngày. Nhóm thuốc này được xem là tương đối an toàn nhưng vẫn có một số tác dụng phụ:

Do ức chế hệ thần kinh trung ương thuốc làm chậm sự phát triển trí tuệ của trẻ nhỏ. Riêng các thuốc alimemazin promethazin còn làm suy hô hấp làm ngừng thở lúc ngủ, dẫn đến tử vong đột ngột, gây nguy hiểm cho trẻ em bị mất nước suy dinh dưỡng hoặc mắc các bệnh kèm theo (đặc biệt có hội chứng Reye). Do vậy, không được dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi. Chỉ dùng liều có hiệu quả thấp nhất và không dùng phối hợp với các thuốc có tiềm năng ức chế hô hấp với trẻ trên 2 tuổi.

Cũng do thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương nên chúng làm tăng độc tính của rượu (không dùng rượu khi dùng thuốc), làm nặng thêm tác dụng của các thuốc làm trầm suy hệ thần kinh trung ương như thuốc an thần (seduxen), thuốc ngủ (barbituric), thuốc làm giảm ho giảm đau thuộc nhóm opium (morphin, methadon). Đối với các thuốc trên không nên hoặc phải rất thận trọng nếu phải phối hợp. Thuốc gây nên các hiện tượng kháng cholinergic nên gia tăng tác dụng của nhóm thuốc chống Parkinson kháng cholinegic, gia tăng tác dụng của atropin, làm giãn đồng tử (không nên dùng cho người glaucoma góc đóng) làm rối loạn bí tiểu tiện (không nên dùng cho người phì đại tuyến tiền liệt).

Với người cao tuổi, thuốc có thể gây lú lẫn hay kích thích tâm thần, gây táo bón (cần dùng liều thấp so với người trung niên và không dùng kéo dài).

Khi tiêm với liều cao, thuốc có thể gây tụt huyết áp giảm trương lực cơ Thuốc bài tiết qua sữa gây hại cho trẻ bú (không được dùng cho người đang cho con bú). Một số thuốc gây hại thai (không dùng cho người có thai nhất là thời kỳ đầu).

Nhóm thế hệ mới

Cetirizin, loratidin, acrivastin, fexofenadin, terfenadin, astemizol... là những thuốc nằm trong nhóm thế hệ mới, có hai ưu điểm: với liều điều trị, rất ít vào não hoặc vào não nhưng có ái lực kém với thụ thể màng não nên không ức chế hệ thần kinh trung ương, có thể dùng được cho người đang lao động học tập hay đang vận hành máy móc. Thuốc thải trừ chậm nên mỗi ngày chỉ cần dùng một lần. Tuy ít có tác dụng phụ gây ra do ức chế hệ thần kinh trung ương nhưng lại có những tác dụng phụ khác, độc hơn nhóm thế hệ cũ.

Cụ thể, một số thuốc trong nhóm gây ra hiện tượng “xoắn đỉnh”. Điển hình là terfenadin, astemizol. Với người khoẻ mạnh khi dùng liều thông thường, chúng chuyển hoá hoàn toàn thành chất trung gian không có hại, nhưng với người có suy giảm chức năng gan thận hoặc người đang dùng các thuốc khác làm chậm sự chuyển hoá thải trừ của chúng (như ketoconazol, intraconazol erythromycin clarithromycin) thì nồng độ thuốc chống dị ứng trong máu tăng cao, dễ gây ra hiện tượng xoắn đỉnh dẫn đến tử vong. Ngoài ra, chúng gây tương tác với nhiều thuốc khác đáng kể nhất là tương tác với các thuốc tim mạch gây ra loạn nhịp tim Hai thuốc này đã bị một số nước cấm dùng. Ở nước ta trước đây là terfenadin và gần đây nhất là astemizol đã bị loại khỏi danh mục lưu hành.

Các thuốc còn lại như cetirizin, acrivastin, loratidin tuy chưa thấy gây xoắn đỉnh nhưng cũng phải rất thận trọng khi dùng cho người có chức năng gan thận suy giảm.

Thuốc cũng gây nên hiện tượng kháng cholinergic, gây hại thai, bài tiết qua sữa... như các thuốc thuộc thế hệ cũ nhưng ở mức cao hơn, kéo dài hơn (do thuốc chậm thải trừ) nên phải có những thận trọng tương ứng. Với trẻ em, không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, riêng loratidin, cetirizin không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi.

Trên thị trường có nhiều biệt dược chống dị ứng dạng đơn độc hoặc dạng phối hợp trong các thuốc hạ nhiệt chữa ho chữa cảm cúm thuộc diện không bắt buộc bán theo đơn. Do chưa nắm được thành phần và tác hại của kháng histamin H1 trong biệt dược nên nhiều người bệnh dùng còn chưa đúng, phổ biến nhất là dùng kéo dài, dùng trùng lặp gây quá liều, dùng cho trẻ em dưới tuổi quy định, dùng liều cao cho người già chưa có những thận trọng đúng mức với các trường hợp đã khuyến cáo. Cần chú ý khắc phục điều này.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật