Những thói quen của cha mẹ ảnh hưởng xấu đến con cái

Cha mẹ cũng nên ‘nói tạm biệt’ với những thói quen không lành mạnh dưới đây để tránh ảnh hưởng đến quá trình hình thành tính cách của trẻ.

1. Tự chê bai bản thân mình

Trong xã hội hiện nay, ngoại hình được coi trọng hơn trước kia nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đề cao nó đến mức phải buồn rầu về vẻ ngoài của mình. Nhiều bà mẹ thường xuyên tự chê bai cơ thể mình mà không biết rằng điều đó có thể gây ảnh hưởng đến con cái, đặc biệt là những bé gái.

Qua những gì bạn nói, trẻ cũng có thể thấy tự ti về bản thân, sau đó dễ bị cuốn theo những biện pháp giữ dáng không lành mạnh như ăn kiêng lạm dụng thuốc giảm cân… Vì vậy, thay vì suốt ngày than thở, bạn nên áp dụng chế độ dinh dưỡngtập luyện hợp lý để đạt được vóc dáng như mơ ước, đồng thời hướng con mình có thói quen chăm sóc sức khỏe ngay từ nhỏ.

2. Tìm đến đồ ăn mỗi khi stress

Nếu bạn ỷ lại vào thức ăn để xoa dịu bản thân khi stress thói quen xấu đó có thể ngấm ngầm ‘di truyền’ sang con trẻ. Các em nhỏ sẽ hiểu lầm rằng ăn uống là cách khiến bản thân cảm thấy tốt hơn, từ đó sẽ tìm đến đồ ăn mỗi khi buồn chán hoặc thất vọng. Theo các nghiên cứu, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh béo phì ngày càng phổ biến trên thế giới.

Bạn nên cho trẻ thấy có những cách tốt hơn để giải tỏa stress như tâm sự với người thân, bạn bè hay đơn giản là đi dạo. Hãy tự mình thực hiện trước, dần dần bé sẽ làm theo bạn. Cũng như những thói quen xấu thói quen tốt hoàn toàn có thể được di truyền.

Cách ăn uống theo cảm xúc sẽ 'di truyền' sang trẻ (Ảnh: Internet)

Cách ăn uống theo cảm xúc sẽ 'di truyền' sang trẻ (Ảnh: Internet)

3. Lạm dụng các thiết bị công nghệ

Nhiều bố mẹ cấm con cái sử dụng điện thoại hoặc xem TV trong bữa ăn nhưng chính bản thân mình lại ngang nhiên làm những điều đó trước mặt con. Làm như vậy trẻ sẽ thấy rất vô lý và mang tâm lý ‘không phục’.

Hãy nhớ rằng: ‘Hành động có ảnh hưởng mạnh hơn lời nói’. Bạn có thể đặt ra quy tắc cho các thành viên trong gia đình về việc sử dụng các thiết bị công nghệ, ví dụ như một ngày chỉ nên xem TV bao nhiêu giờ, không sử dụng điện thoại trước khi ngủ... Nhưng điều quan trọng nhất là cha mẹ cũng phải nghiêm túc thực hiện những quy định ấy để làm gương cho trẻ noi theo.

4. Uống rượu để giải tỏa tinh thần

Trở về nhà sau một ngày làm việc tồi tệ, một số người tìm đến rượu bia và thức uống có cồn khác để giải tỏa stress Nếu việc này diễn ra thường xuyên và để trẻ nhìn thấy, các bé sẽ tưởng rằng rượu bia là một cách tốt để giảm bớt căng thẳng và vực dậy tinh thần

Điều này cũng tương tự với việc lạm dụng cà phê vì muốn nạp thêm năng lượng, giữ mình tỉnh táo để làm việc. Thay vào đó, hãy dạy cho trẻ những cách lành mạnh hơn để giảm stress và bổ sung năng lượng. Tập thể dục thiền định hoặc tham gia các hoạt động tập thể vui chơi ngoài trời là những ý hay mà bạn nên thử.

5. Biến tất cả mọi thứ thành những cuộc thi

Khuyến khích con thi đua với những đứa trẻ khác (hàng xóm, bạn học cùng lớp, anh chị em ruột) có thể tạo thêm động lực cho trẻ cố gắng nhưng cũng có khi lại phản tác dụng. Bởi lẽ nếu lúc nào cũng ép mình vào những cuộc thi, trẻ sẽ thường xuyên phải chịu áp lực lớn. Trong quá trình ganh đua với người khác, nếu không được cha mẹ giúp đỡ định hướng, nhiều bé có khả năng sẽ hình thành nên tính ích kỉ, hiếu thắng, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

Cha mẹ nên hướng con mình tập trung vào việc hoàn thiện bản thân, thử thách chính mình qua từng giai đoạn, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để ngày càng tiến bộ. Hãy cùng con tìm ra một môn thể thao hoặc nghệ thuật mà trẻ đam mê, khuyến khích con theo đuổi. Hãy giúp trẻ hiểu rằng trong cuộc sống điều quan trọng không phải là ta giỏi hơn ai, mà là ta mỗi ngày vẫn luôn nỗ lực để trở nên tốt hơn nữa.

6. Thường xuyên tranh luận và cãi vã

Những cuộc tranh cãi nảy lửa không phải là cách hay để giải quyết mâu thuẫn. Bạn dạy bé phải bình tĩnh khi xảy ra bất đồng nhưng chính bản thân mình lại thường xuyên to tiếng trong những trường hợp như vậy? Nếu đúng thế, bạn cần thay đổi ngay. Hãy học cách kiềm chế cơn giận, trao đổi quan điểm với đối phương trong không khí ‘hòa bình’.

Nếu đôi bên không thể thống nhất ý kiến thì hãy tạm dừng tranh luận, tìm cơ hội nói chuyện sau, tránh đẩy mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khiến cả hai đều nổi nóng. Các bậc cha mẹ làm tốt điều đó thì mới thuyết phục được con mình làm theo. Bạn phải nhớ, muốn dạy con tốt phải luôn lấy mình làm gương.

Cha mẹ nên biết kiểm soát cơn giận trước mặt con trẻ (Ảnh: Internet)

Cha mẹ nên biết kiểm soát cơn giận trước mặt con trẻ (Ảnh: Internet)

7. Nói xấu sau lưng

Hành vi nói xấu ai đó sau lưng họ có thể là một dấu hiệu của sự thiếu tự trọng. Nói xấu người khác không đem lại cho ta ích lợi gì, thậm chí nó còn nuôi dưỡng lòng đố kị trong mỗi chúng ta, khiến ta trở nên nhỏ nhen, hẹp hòi. Vì thế nếu bạn có thói quen này, hãy dừng ngay lại trước khi ảnh hưởng đến con cái.

8. Dễ dãi với chính mình

Nếu bạn phát hiện mình hành xử một cách tiêu cực khi ở gần con, đừng lơ nó đi và hy vọng trẻ không để ý. Hãy coi đó như một ví dụ thực tế để dạy dỗ con cái. Hãy tự chỉ ra lỗi lầm, nhận sai và nhắc nhở bản thân sửa đổi. Bạn cũng có thể nhờ trẻ ‘bắt lỗi’ giúp mình.

Điều đó khiến các bé có ý thức hơn trong quá trình loại bỏ những thói quen xấu và hình thành nên những thói quen lành mạnh Các nghiên cứu cho thấy, hiệu quả giáo dục được nâng cao một cách rõ rệt khi các thành viên trong gia đình hỗ trợ lẫn nhau.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật