Bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân và vắc-xin phòng bệnh hiệu quả

Hàng năm, vào mùa đông xuân với tiết trời lạnh và ẩm ướt, những bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm lại có cơ hội phát triển và có nguy cơ bùng phát thành dịch. Tuy nhiên, tất cả những bệnh này đều có vắc-xin phòng bệnh rất hiệu quả và nếu mọi người quan tâm đầy đủ tới việc chủ động phòng bệnh bằng vắc-xin thì nguy cơ dịch bệnh sẽ được giảm thiểu ở mức thấp nhất.

Bệnh nhiễm khuẩn não mô cầu

Bệnh nhiễm khuẩn não mô cầu hay còn gọi là bệnh viêm màng não do não mô cầu sở dĩ được đề cập tới trước tiên vì đây là bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao nhất. Trước khi có kháng sinh tỷ lệ tử vong của bệnh này lên tới 50%, hiện đã có nhiều kháng sinh điều trị đặc hiệu nhưng tỷ lệ tử vong vẫn vào khoảng 5-15%. Sau điều trị, khoảng 15-20% trường hợp để lại các dị tật về thính giác thị giác và những di chứng về thần kinh, vận động. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tỷ lệ người lành mang khuẩn tại các vùng lưu hành lại rất cao nên dễ lây lan trong cộng đồng. Đây là bệnh do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra với nhiều týp huyết thanh gây bệnh phổ biến là A, B, C, Y, W135... Ở Việt Nam và các nước châu Á, typ huyết thanh A và C là hai týp gây bệnh chính.

Tuy là bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng chống chủ động được bằng việc tiêm vắc-xin. Hiện có nhiều loại vắc-xin phòng nhiễm khuẩn não mô cầu hiệu quả. Ở Việt Nam đang lưu hành vắc-xin não mô cầu A+C là vắc-xin chống lại hai týp huyết thanh của vi khuẩn gây bệnh phù hợp với sự phân bố của các týp gây bệnh chính ở nước ta. Vắc-xin có hiệu quả cao và an toàn với trên 90% số người được tiêm có kháng thể bảo vệ. Các phản ứng thường gặp sau tiêm là đỏ đau nơi tiêm, sốt nhẹ và tự khỏi sau 24 giờ. Các phản ứng nặng hoặc toàn thân rất hiếm gặp. Vắc-xin được tiêm liều 0,5ml đường bắp hoặc dưới da. Lứa tuổi tiêm từ 2 tuổi trở lên. Sau mũi tiêm đầu 3 năm cần tiêm nhắc mũi 2 để nâng cao hiệu giá kháng thể bảo vệ. Các đối tượng cần tiêm là trẻ em và thanh thiếu niên, những tập thể đông người như trường học, doanh trại tân binh...

Bệnh cúm

Đây là bệnh nhiễm virut cấp tính do virut cúm thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra. Virút cúm gồm 3 týp huyết thanh A, B, C có khả năng gây bệnh cho người. Týp B và C thường chỉ gây nên các vụ dịch nhỏ (týp B) hoặc tản phát (týp C). Virút cúm týp A gây bệnh cho cả người và động vật và luôn là hiểm hoạ đe doạ sức khoẻ con người do khả năng lây lan nhanh trên diện rộng, độc lực cao và khả năng biến chủng không lường. Cho tới nay, người ta đã phát hiện được 16 kháng nguyên H (từ H1 đến H16) và 9 kháng nguyên N (từ N1 đến N9). Sự kết hợp giữa các kháng nguyên H và N của virut cúm đã tạo ra 144 phân týp khác nhau của virut cúm týp A như A/H1N1, A/ H2N3, A/H5N1, H7N9...

Cúm là bệnh lây theo đường hô hấp với tốc độ lây lan rất nhanh do vậy rất dễ bùng phát thành dịch. Trong lịch sử phát triển của con người, cúm cùng với dịch hạch là hai bệnh đã để lại những thảm họa cho nhân loại với những vụ dịch làm chết hàng triệu đến hàng chục triệu người. Có thể chia ra các chủng cúm của động vật và các chủng cúm của người.

Các chủng cúm của động vật chỉ lưu hành trong các quần thể động vật như gà, chim, lợn... song có thể truyền và gây bệnh cho người một cách ngẫu nhiên trong những điều kiện hiện chưa được hiểu biết đầy đủ. Tuy nhiên, với độc lực cao và khả năng biến chủng không thể lường trước của các chủng virut cúm này nên vẫn hiện hữu nguy cơ xảy ra đại dịch cúm ở người một khi các chủng cúm của động vật như A/H7N7, A/H5N1, A/H7N9... biến đổi di truyền để có thể truyền từ người sang người.

Các chủng cúm của người thường được nhắc đến là chủng cúm A/H1N1, A/H3N2, B... Đây là những chủng cúm đã gây ra các đại dịch (A/H1N1) và gây ra dịch cúm hàng năm với tên gọi quen thuộc là cúm mùa.

Để phòng chống cúm, bên cạnh các biện pháp về vệ sinh cá nhân và môi trường, cách ly nguồn nhiễm, khống chế dịch cúm trong các đàn gia cầm... thì biện pháp có hiệu quả cao và kinh tế nhất là sử dụng vắc -xin.

Vắc-xin phòng cúm gia cầm và cúm đại dịch A/H1N1

Vắc-xin phòng cúm A/H7N9 đang được Trung Quốc đưa vào thử nghiệm. Vắc-xin phòng cúm A/H5N1 và A/H1N1 đã được Việt Nam sản xuất thành công và đang trong giai đoạn đánh giá để cấp phép. Tuy nhiên, do đặc điểm dịch tễ của cúm gia cầm cũng như cúm đại dịch nên việc tiêm vắc-xin cho đối tượng nào, khi nào và ở địa phương nào phải do ngành y tế khuyến cáo cụ thể vào những thời điểm phù hợp.

Vắc-xin cúm mùa

Các vắc-xin cúm mùa hiện nay đều gồm 3 chủng A/H1N1, A/H3N2, B đang được lưu hành, sử dụng rộng rãi ở các nước và ở Viêt Nam. Vắc-xin rất an toàn và có hiệu quả bảo vệ cao, trên 90% số người tiêm có đáp ứng miễn dịch Ngoài các phản ứng nhẹ và tại chỗ, các phản ứng nặng và toàn thân rất hiếm gặp. Các đối tượng cần tiêm bao gồm trẻ em và những đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh mạn tính như tim mạch tiểu đường hen xuyễn... Trẻ em 6 tháng đến 3 tuổi tiêm liều 0,25ml. Trên 3 tuổi tiêm liều 0,5ml, tiêm bắp hoặc dưới da. Do các chủng cúm thường biến đổi và hiệu lực của vắc-xin ngắn nên vắc-xin phòng cúm mùa phải được tiêm hàng năm.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật