Phải thật cảnh giác với những biến chứng thủy đậu, chớ xem nhẹ

Nhận biết bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu (bệnh phỏng rạ) thường xuất hiện vào mùa đông - xuân, là bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan thành dịch bệnh thủy đậu do virut Varicella - Zoster gây ra. Virut gây bệnh thủy đậu rất có ái tính với da niêm mạc và hệ thống thần kinh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả người lớn tuổi nếu cơ thể chưa có miễn dịch chống lại chúng. Bệnh thủy đậu thường có 2 thể chính: thể thông thường, điển hình và thể thủy đậu bất thường, biến chứng. Thể thông thường, khi bệnh khởi phát có sốt nhẹ (có khi sốt cao 39 - 40oC) và viêm long đường hô hấp trên (chảy nước mũi), trẻ hay quấy khóc, ăn kém.

Thời kỳ toàn phát, ban xuất hiện khá nhanh, mới đầu là các nốt sẩn đỏ giống với ban sởi xuất hiện ở vùng da đầu, gáy, bụng, lưng, ngực sau vài giờ các ban phát triển thành nốt phỏng rải rác khắp thân mình và tứ chi. Nốt phỏng thủy đậu là nước trong, rất nông, tròn hay bầu dục, có vòng đỏ bao quanh, một số nốt thủy đậu hơi lõm ở trung tâm. Chúng mọc không theo tuần tự và hết đợt này đến đợt khác cách nhau khoảng từ 2 - 3 ngày (tính chất này để phân biệt với ban của bệnh sởi). Một số vùng niêm mạc như trong vòm miệng niêm mạc âm đạo (nữ giới) cũng có thể có các nốt phỏng thủy đậu xuất hiện. Ngứa thường xuất hiện, gãi làm vỡ các nốt làm lây lan ra các vùng da khác và làm cho nốt thủy đậu nhiễm khuẩn. Một số hạch ngoại biên có thể xuất hiện (hạch nách, hạch bẹn, cổ) và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn rồi xẹp dần. Thời kỳ lui bệnh chỉ sau khoảng 24 - 48 giờ, các nốt phỏng sẽ ngả sang màu vàng và vỡ ra, sau khi khỏi thì không để lại sẹo (trừ trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn). Thông thường mỗi một nốt thủy đậu kéo dài khoảng 5 - 6 ngày rồi khô lại, đóng vảy.

Biến chứng do thủy đậu

Bản chất của bệnh thủy đậu là một bệnh lành tính nhưng cũng có thể có loại thủy đậu bất thường, đặc biệt là biến chứng nguy hiểm. Biến chứng viêm da do bội nhiễm vi khuẩn thì nốt thủy đậu có mưng mủ, khi khỏi thường để lại sẹo, đôi khi là sẹo rất sâu, khó hồi phục, dễ nhầm với nốt đậu mùa. Ở những bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nặng, nốt thủy đậu có thể có hoại tử Biến chứng của bệnh thủy đậu là có thể gây viêm tai (tai ngoài, tai giữa), viêm thanh quản viêm phổi Một số trường hợp nặng có thể gây viêm thận cấp (tiểu ra máu). Biến chứng nặng nhất là gây nên viêm não - màng não hết sức nguy hiểm, có thể tử vong nếu để muộn và cấp cứu không kịp thời. Đặc biệt lưu ý là những người mẹ đang mang thai nếu chưa có miễn dịch chống bệnh thủy đậu mà mắc bệnh thì nguy hiểm cho thai nhi nhất là người mẹ mắc bệnh ở 3 tháng đầu của thai kỳ và tháng sắp sinh.

Điều trị và phòng bệnh bệnh thế nào?

Bệnh thủy đậu là bệnh do virut gây ra cho nên hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thể dùng một số loại nhằm ức chế sự phát triển của virut (loại kem bôi vào nốt thủy đậu ở ngoài da và loại uống). Để tránh nốt thủy đậu bị bội nhiễm có thể dùng một số thuốc sát khuẩn da thông thường (betadin). Nếu trẻ chỉ có vài ba nốt thủy đậu bị vỡ thì có thể dùng dung dịch xanhmetylen hoặc milian hoặc dung dịch betadin để rửa rồi dùng bông vô khuẩn thấm khô (bông này sau khi dùng xong cho vào túi ni lông buộc kín rồi cho vào nước đun sôi để diệt mầm bệnh tránh lây lan). Để chống ngứa có thể dùng một số thuốc kháng histamin Tuy vậy, dùng loại thuốc gì, dùng như thế nào, dùng trong bao lâu là quyết định của bác sĩ khám bệnh, người nhà không được tự mua thuốc để điều trị, ngay cả thuốc bôi ngoài da và đặc biệt là thuốc chống ngứa. Khi có nhiều nốt phỏng vỡ hoặc có dấu hiệu bất thường, cần cho trẻ đi bệnh viện càng nhanh càng tốt để được điều trị, đề phòng sốc do mất nước nhiễm khuẩn, nhiễm độc và biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Phòng bệnh thủy đậu, tốt nhất là tiêm vaccin cho trẻ và cả người lớn chưa có miễn dịch với bệnh thủy đậu. Bởi vì, người trưởng thành vẫn có thể mắc bệnh thủy đậu, thậm chí bệnh rất nặng, biến chứng nguy hiểm hơn. Có thể tiêm vaccin phòng bệnh thủy đậu tại các trung tâm y tế dự phòng của quận, huyện.

Bệnh thủy đậu lây lan chủ yếu theo đường hô hấp và dụng cụ, đồ dùng trong sinh hoạt, đồ chơi của trẻ mắc bệnh. Vì vậy, khi trong gia đình hay một tập thể (nhà trẻ, lớp mẫu giáo) có trẻ mắc bệnh nghi do thủy đậu cần được cách ly trẻ bệnh với trẻ lành (cho trẻ ở nhà với gia đình, không nên đến lớp học) và báo ngay cho trạm y tế (phường, xã) để có biện pháp ngăn ngừa không cho mầm bệnh lây lan.

Những người lớn chưa bao giờ bị bệnh thủy đậu cũng cần tránh tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu. Để tránh bệnh thủy đậu lây lan ra nhiều vùng da trên một cơ thể và lây lan cho người khác thì khi bị mắc bệnh, cần giữ vệ sinh da sạch sẽ, không để nhiễm khuẩn và lây lan ra các dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi làm lây nhiễm cho trẻ khác. Sau mỗi lần tắm rửa cho trẻ, cần dùng vải thô sạch thấm khô da của trẻ rồi mặc quần, áo rộng, thoáng. Vải hay khăn lau khô cho trẻ bệnh cần luộc kỹ bằng nước đun sôi Cần vệ sinh giường, chiếu, đồ dùng sinh hoạt, đồ chơi của trẻ bệnh bằng cách lau bằng chất sát khuẩn như xà phòng, cloramin B. Nên cho trẻ nằm trong phòng kín gió nhưng không được ẩm, ướt. Đảm bảo tốt chế độ dinh dưỡng cho trẻ là điều hết sức quan trọng để tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật