Điều trị và dự phòng tiêu chảy cấp như thế nào cho hiệu quả?

Tôi đang rất lo lắng cho sức khỏe của gia đình vì đang sống ở gần vùng dịch tiêu chảy cấp. Làm thế nào để không mắc bệnh? Và khi mắc bệnh thì cần xử trí thế nào?

Phùng Thị Bé

(Cần Thơ)

Bệnh tiêu chảy cấp là bệnh truyền nhiễm cấp tính do phẩy khuẩn tả gây ra, lây truyền nhanh bằng đường tiêu hóa cụ thể là đường ăn uống thông qua nguồn nước thực phẩm rau quả... bị nhiễm mầm bệnh do nuôi trồng, do chế biến bảo quản; qua ruồi nhặng, chuột gián... làm lây lan mầm bệnh. Đặc biệt nguồn nước bị ô nhiễm là phương tiện lây truyền bệnh hết sức nguy hiểm. Biểu hiện chính là tiêu chảy nhiều và nôn. Lúc đầu phân có thể ít và sệt, sau đó thì lỏng, toàn nước, màu trắng đục như nước vo gạo có lẫn những hạt trắng lổn nhổn, có mùi tanh, số lượng nhiều, đi nhiều lần (có thể đến 30 - 40 lần/ngày) làm cho tình trạng mất nước nhiều và nhanh. Sau khi đi lỏng vài giờ sẽ xuất hiện nôn nhiều, lúc đầu là nước và thức ăn, sau dịch giống như dịch phân. Do tiêu chảy và nôn nhiều nên nhanh chóng dẫn đến rối loạn nước và điện giải, trụy tim mạch, suy kiệt và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Điều trị tiêu chảy cấp phải khẩn cấp. Chủ yếu trong quá trình điều trị là bổ sung nhanh và kịp thời lượng nước và điện giải đã mất bằng dung dịch oresol Tích cực chống nhiễm toan và trụy mạch; bên cạnh đó việc sử dụng kháng sinh sớm hết sức quan trọng, nó có tác dụng làm giảm khối lượng và thời gian tiêu chảy rút ngắn thời gian thải phẩy khuẩn tả trong phân, chỉ dùng kháng sinh đường uống, hiện nay tốt nhất là dùng nhóm quinolon thế hệ 2. Cần chú ý, trong khu vực có dịch, tất cả các trường hợp tiêu chảy phải được xử lý như tả.

Quan trọng nhất trong phòng bệnh là đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm xử lý hợp vệ sinh rác và chất thải; cần ăn chín uống sôi, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ý thức giữ gìn và đảm bảo vệ sinh môi trường.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật