Vi khuẩn Helicobacter Pylori và tác hại đối với dạ dày

Bệnh dạ dày xuất hiện từ rất lâu, nhưng trước đây nó được coi là căn bệnh khó chữa. Các bệnh thường gặp là viêm loét dạ dày và nặng hơn là bị ung thư dạ dày. Việc tìm ra vi khuẩn Helicobacter Pylori đã giúp các bác sĩ có hướng đi đúng trong việc điều trị dứt điểm các chứng bệnh khó trị này.

Một số nét về HP

Từ hơn 100 năm trước, người ta đã ghi nhận có sự sống của một loại vi khuẩndạ dày chó. Tiếp theo, nhiều nhà khoa học cũng tìm thấy một loại xoắn khuẩn hiện diện trong lớp nhầy của dạ dày nhưng lại thất bại trong việc nuôi cấy vi khuẩn đó. Mãi đến năm 1982, Marshan và Warren chính thức xác minh sự có mặt của vi khuẩn này ở niêm mạc vùng hang vị dạ dày và đặt tên là Campylobacter Pylori.

Sau này đã có rất nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học về loại vi khuẩn này và vai trò của nó đối với một số bệnh lý của dạ dày. Căn cứ vào đặc điểm của Campylobacter Pylori các nhà khoa học đã đổi tên là Helicobacter Pylori. 

Dưới kính hiển vi điện tử, người ta đã có thể tìm ra cấu trúc sinh học của HP là xoắn khuẩn gram âm, thuộc loại hiếu khí, có dạng chữ S, dấu phẩy hoặc hình cung, một đầu có túm roi, di động.

HP đòi hỏi oxy ở mức độ rất thấp, hơn nữa nó sản xuất ra nhiều men urease. Men urease sẽ chuyển ure thành amoniac làm cho môi trường sinh sống của HP trở thành kiềm, vì vậy HP thích nghi với môi trường axit của dạ dày người lành. Hoạt động này của HP không chỉ giúp cho nó có thể sống trong môi trường axit của dạ dày mà còn gây tác hại xấu đến dạ dày.

Việc tiết ra men urease để biến NH4 thành NH3 làm ngăn cản quá trình tổng hợp chất nhầy của tế bào do đó làm mất sự toàn vẹn của lớp bảo vệ dạ dày tạo điều kiện thuận lợi cho các yếu tố có hại như acid pepsin trong dạ dày khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương và gây loét.

Ngoài ra, bản thân HP còn sản xuất ra các men catalase, protease, ngoại độc tố các chất này gây bệnh cho niêm mạc dạ dày.

Qua các nghiên cứu, các nhà khoa học đã nhận thấy rằng tần suất nhiễm HP thay đổi phụ thuộc tuổi, tình trạng xã hội kinh tế và chủng tộc. Ước tính có hơn 50% dân số bị nhiễm HP, chủ yếu ở các nước đang phát triển. Tần số nhiễm rất cao ở lứa tuổi lớn hơn 20 và trẻ em bị nhiễm ở độ tuổi từ 2-8. Việt Nam cũng là nước có tỉ lệ nhiễm HP cao với khoảng hơn 70% người lớn. Đường lây nhiễm chủ yếu là đường ăn uống hoặc trực tiếp (miệng-miệng) qua nước bọt

Diệt vi khuẩn HP thế nào?

Tùy vào tình trạng bệnh nhân mà có những phương pháp điều trị khác nhau như thử nghiệm urease thông qua nội soi dạ dày test mô học hoặc các test không cần thông qua nội soi dạ dày như test huyết thanh, test urea trong hơi thở… Và cũng tùy từng tình hình nhiễm bệnh mà người ta sẽ có phác đồ điều trị khác nhau.

Hiện nay các nhà nghiên cứu đã đồng ý quan điểm rằng, việc điều trị HP phải có sự kết hợp giữa các nhóm thuốc với nhau và phải theo những nấc thang điều trị tăng dần để tránh việc kháng thuốc của HP.

Kháng sinh: hiện nay các kháng sinh hàng đầu và tỏ ra hữu hiệu nhất đó là các thuốc amoxicillin clarithromycin metronidazole

Thuốc ức chế bơm proton (PPI): là thuốc phối hợp hàng đầu trong điều trị HP, ngoài ra còn có tác dụng làm giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh nhân do vết loét gây nên, đồng thời cũng làm nhanh thời gian liền ổ loét. Các thuốc này bao gồm có như omeprazole, lansoprazol… Tùy vào tình trạng của từng người bệnh mà sẽ có sự thay đổi liều dùng khác nhau. Một đặc điểm cần lưu ý đối với nhóm thuốc này đó là uống cách xa bữa ăn.

Muối bismuth: bismuth là kim loại nặng, trước đây người ta đã dùng muối của bismuth để điều trị bệnh loét dạ dày tá tràng có hiệu quả, nhưng do tác dụng phụ không mong muốn nên đã tạm dừng. Ngày nay với tác dụng diệt HP của bismuth, người ta dùng bismuth dưới dạng các chất hữu cơ colloidal bismuth (CBS) hoặc tripotasium dicitrato bismuth (TDB) và chỉ dùng liều thấp ít gây tác dụng phụ

Dùng thuốc điều trị bệnh nhằm mục đích vừa chữa khỏi bệnh vừa phải làm sao tiêu diệt triệt để tận gốc không tái lại đối với loại vi khuẩn HP. Sử dụng các phác đồ điều trị kết hợp giữa các nhóm thuốc với nhau là một hướng đi đúng nhưng cần đòi hỏi sự hiểu biết, linh hoạt của người bác sĩ đối với từng bệnh nhân, với từng giai đoạn khác nhau để tránh việc kháng thuốc của loại vi khuẩn này.

Đối với người bệnh, việc giữ vệ sinh trong sinh hoạt ăn uống vui chơi hàng ngày cũng sẽ góp phần làm giảm tỉ lệ mắc loại vi khuẩn này. Khi đã có những vấn đề về tiêu hóa hãy đi khám ngay ở nhưng cơ sở y tế đáng tin cậy. Ngoài ra, việc điều trị tận gốc tiêu diệt HP cũng đòi hỏi sự kiên trì và thời gian, người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật