Tăng cường miễn dịch sởi trong cộng đồng bằng vaccin
Theo các nhà chuyên môn, đây là biện pháp mạnh để tạo ra được miễn dịch bền vững với bệnh sởi trong cộng đồng. Chúng tôi xin ghi lại những ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển - Chủ nhiệm Chương trình TCMR quốc gia, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về hoạt động này.
Sự có mặt của vaccin sởi đã góp phần làm thay đổi mô hình các bệnh truyền nhiễm
Trước khi có vaccin sởi phòng bệnh thì đây là căn bệnh mà tuổi ấu thơ hầu như ai cũng mắc phải. Bệnh lây theo đường hô hấp do virut sởi gây ra nên có khả năng lây nhiễm cao và có nguy cơ gây dịch trên quy mô lớn. Biểu hiện chính của sởi là sốt phát ban ho chảy nước mũi viêm kết mạc (mắt đỏ). Người mắc sởi có thể bị biến chứng như tiêu chảy viêm phổi mù lòa suy dinh dưỡng thậm chí có thể bị tử vong.
Trên thế giới bệnh sởi vẫn còn là một trong những nguyên nhân đe doạ đến sức khoẻ trẻ em. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, người ta ước tính nếu không có vaccin phòng bệnh thì mỗi năm khu vực này có tới 25 triệu trẻ mắc bệnh, tương đương với số trẻ được sinh ra hằng năm.
Năm 1963, Ender đã tìm ra vaccin phòng bệnh sởi và từ đó vaccin bắt đầu được sử dụng để tiêm chủng một cách rộng rãi. Qua nhiều năm triển khai tiêm vaccin sởi, số tử vong do sởi trên toàn cầu năm 2008 đã giảm 78% so với năm 2000.
Mặc dù vậy cho đến nay bệnh sởi vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ, mục tiêu khống chế và loại trừ bệnh sởi vẫn là một trong những vấn đề trọng tâm của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, sau hơn 20 năm thực hiện TCMR, bệnh sởi đã được khống chế và giảm rõ rệt. Người ta ước tính rằng nếu không được phòng bệnh bằng vaccin thì chỉ trong vòng 15 năm( 1985- 2000) có đến 15 triệu trẻ em mắc bệnh sởi và hàng nghìn trẻ tử vong vì căn bệnh này.
Với việc đưa vaccin sởi vào tiêm chủng thường xuyên và tổ chức nhiều chiến dịch lớn, năm 2008 bệnh sởi ở nước ta đã giảm 368 lần so với năm 1984. Điều này đã góp phần làm thay đổi rõ rệt mô hình các bệnh truyền nhiễm ở nước ta.
WHO đánh giá cao sự chủ động của Việt Nam loại trừ bệnh sởi
Mặc dù là nước đang phát triển song TCMR ở Việt Nam luôn được đánh giá là một điểm sáng trên thế giới. Các tổ chức như WHO, UNICEF, JICA, PATH và nhiều Chính phủ trên thế giới đều đánh giá cao những thành công của TCMR ở Việt Nam trong việc góp phần quan trọng vào giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ sơ sinh
Kết quả này là nhờ việc TCMR đã tiếp cận đến 95% trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng, qua thời gian độ miễn dịch với bệnh tật trong cộng đồng ngày một nâng lên và đẩy lùi nhanh chóng sự hiện diện của nhiều dịch bệnh
Đối với riêng bệnh sởi, bên cạnh việc đưa vaccin này vào tiêm chủng thường xuyên cho trẻ dưới 1 tuổi và 6 tuổi, TCMR đã tổ chức nhiều chiến dịch có quy mô vừa và lớn ở nhiều khu vực. Hoạt động giám sát các ca bệnh sởi được thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện dịch và có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Việt Nam cũng là quốc gia chủ động sản xuất được vaccin sởi. Mặc dù vẫn còn xảy ra những vụ dịch sởi song đến nay Việt Nam đã không còn ca tử vong nào do bệnh sởi.
Vẫn còn đó những "lỗ hổng" về miễn dịch sởi
Chống chỉ định, hoãn tiêm vaccin sởi trong những trường hợp sau:
- Không tiêm vaccin sởi cho những trẻ đang bị dị ứng hoặc có tiền sử bị dị ứng với vaccin sởi hoặc có tiền sử dị ứng với neomycin, kanamycin, erythromycine, gelatin, trứng.
- Không tiêm vaccin sởi cho những trẻ đang được điều trị bằng các globumin miễn dịch (IG) trong vòng 3 tháng trước khi tiêm.
- Không tiêm vaccin sởi cho những trẻ đang bị các bệnh thiếu hụt miễn dịch như ung thư bạch cầu, u lympho, những biểu hiện ác tính nói chung, AIDS hoặc đang được điều trị bằng corticoid, thuốc phiện, phóng xạ.
- Không tiêm vaccin sởi cho trẻ nếu thấy trẻ đang bi sốt hay bị bệnh nhiễm khuẩn đang tiến triển.
Vài năm gần đây, dịch sởi vẫn được ghi nhận tại một số địa phương ở mức độ lớn và trung bình cho thấy miễn dịch quần thể vẫn chưa đủ lớn để cắt đứt hoàn toàn đường truyền gây dịch. Riêng trong năm 2009 đã xảy ra dịch sởi quy mô lớn với trên 7.000 ca, tất cả các tỉnh/thành trên cả nước đều có ca bệnh.
Đây là vụ dịch lớn nhất kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm nhắc vaccin sởi trên toàn quốc vào năm 2002- 2003. Nhóm tuổi có tỉ lệ mắc cao nhất là trẻ từ 1 - 5 tuổi và từ 18 - 26 tuổi. Tính đến tháng 9/2010 cả nước ghi nhận trên 1.600 ca sởi, chủ yếu lại tập trung ở các tỉnh phía Nam (1.082 ca). Đối tượng và lứa tuổi mắc vẫn có hình thái như năm 2009.
Các nghiên cứu cho thấy nếu chỉ tiêm một mũi vaccin sởi vào lúc trẻ 9 tháng tuổi thì chỉ có tối đa 85% số trẻ được bảo vệ. Như vậy còn khoảng 15% số trẻ hằng năm được tiêm một mũi hoặc chưa được tiêm vaccin sởi sẽ có nguy cơ mắc sởi. Sự tích lũy của nhóm đối tượng này sau nhiều năm sẽ tạo điều kiện cho dịch sởi bùng phát.
Trước đây, tiêm vaccin sởi chỉ một mũi duy nhất từ lúc trẻ 9 tháng tuổi, cho nên những người đã tiêm cách đây 15 năm, 20 năm thì đã bị suy giảm đáng kể độ miễn dịch, góp phần đáng kể vào lỗ hổng miễn dịch với sởi trong cộng đồng. Vì thế khi mà số người thuộc lỗ hổng miễn dịch sởi tích lũy qua thời gian 4 - 5 năm sẽ dẫn đến xuất hiện dịch. Điều đó giải thích vì sao trong vụ dịch năm 2009 có nhiều người mắc ở lứa tuổi từ 18-26.
Tỉ lệ tiêm chủng ở thành thị luôn đạt kết quả cao hơn nông thôn, miền núi. Đây là những vùng có "lỗ hổng" miễn dịch với sởi cao nên những người ở các vùng này khi về thành phố sinh sống học tập gặp điều kiện có nguồn lây bệnh thì rất dễ bị lây nhiễm, nhất là sinh viên. Mặt khác, trong quá trình tiêm chủng có những đối tượng đã được tiêm vaccin sởi nhưng không gây được miễn dịch vì mức độ gây miễn dịch của tất cả mọi vaccin không bao giờ đạt được 100%.
Cần có biện pháp mạnh bằng vaccin
WHO đã đưa ra khuyến cáo về việc tiêm bổ sung vaccin sởi cho trẻ em nhằm đảm bảo trên 95% số đối tượng được tiêm có miễn dịch phòng bệnh. Dựa trên khuyến cáo của WHO, căn cứ vào đặc điểm dịch tễ bệnh sởi tại Việt Nam, Chương trình TCMR quốc gia xác định các chiến lược để đạt mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2012, trong đó có việc triển khai chiến dịch tiêm vaccin sởi bổ sung cho trẻ từ 1- 5 tuổi trên toàn quốc. Đây được xem là biện pháp mạnh nhằm tăng cường miễn dịch cho trẻ em, ngăn chặn nguồn bệnh sởi ở trẻ dưới 6 tuổi, qua đó giảm được nguy cơ lây lan cho người lớn.
Ước tính sẽ có khoảng 7,5 triệu trẻ sẽ được tiêm vaccin sởi trong chiến dịch này. Nguồn vaccin 8,1 triệu liều trị giá 3,2 triệu USD do WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc giúp đỡ. Tại những vùng sâu, vùng xa Chương trình TCMR sẽ có sự kết hợp với các đơn vị bộ đội biên phòng triển khai hoạt động này.
Vaccin được sử dụng trong chiến dịch này là của nhà sản xuất Sanofi (Pháp), đạt các tiêu chuẩn về chất lượng của WHO. Kinh nghiệm trong các chiến dịch tiêm vaccin sởi nhiều năm qua cho thấy số trẻ bị phản ứng sau tiêm vaccin sởi là rất thấp, chúng tôi không ghi nhận trường hợp tử vong nào do tiêm vaccin sởi trong chiến dịch hàng triệu mũi tiêm đã thực hiện.
- Căn bệnh khiến bé cứ ra ngoài khu vực có hoa chơi là khó thở (Thứ năm, 08:33:06 04/02/2021)
- Trẻ mở miệng khi ngủ: Cảnh báo những vấn đề sức khỏe... (Thứ năm, 13:43:05 28/01/2021)
- Bé 2 tuổi ngày nào cũng cười toe toét: Ai cũng tưởng ngoan nhưng... (Chủ nhật, 16:01:08 18/10/2020)
- 4 thói quen của cha mẹ ảnh hưởng tới sức khỏe tai mũi họng... (Thứ Hai, 08:33:02 14/09/2020)
- Những lý do cơ bản khiến trẻ chậm mọc răng bạn nên biết (Chủ nhật, 07:30:08 02/08/2020)
- Bí mật về khóc dạ đề mà có thể mẹ chưa biết đến (Thứ bảy, 09:45:02 01/08/2020)
- Để con bớt đau khi mọc răng, cha mẹ có thể làm điều này (Thứ sáu, 14:40:08 31/07/2020)
- BS Nguyễn Thị Hòa: Việc cần làm khi trẻ bị mộng du (Thứ năm, 22:00:00 30/07/2020)
- Bố 9X chết điếng nhận tin con 7 ngày tuổi mắc cùng lúc 2 bệnh... (Thứ sáu, 10:05:03 10/07/2020)
- Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý khi trẻ bị sặc bột hiệu... (Thứ năm, 14:50:02 28/02/2019)
-
Đồ Chơi Pop it bóp bóp Bấm Nút Bóp Bóng - Pop It
Thứ tư, 20:15:07 15/02/2023
-
Đồ chơi bộ hộp sét 6 món ô tô máy bay chạy cót xịn xò
Thứ Hai, 18:18:06 13/02/2023
-
Máy gắp thú bông cho bé cỡ lớn BBT GLOBAL
Chủ nhật, 15:54:02 12/02/2023