Chúng ta cần cảnh giác với các bệnh ngoài da mùa mưa lũ

Sau những trận mưa lũ, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh, người dân vùng lũ thường xuyên phải ngâm mình, nhất là chân, tay trong nước bẩn, đất, bùn chứa vi khuẩn gây bệnh, điều kiện vệ sinh không đảm bảo nên thường mắc các bệnh ngoài da như: viêm da, nấm, ghẻ, nhiễm ký sinh trùng,…

Một số bệnh thường gặp

Nước ăn chân:

Tác nhân gây bệnh là các vi nấm sợi tơ như trichophyton, epidermophyton, microsporum nấm men candida albicans do chân, tay ngâm trong nước nhiều tế bào sừng bị chết và môi trường ẩm ướt làm cho nấm xâm nhập và phát triển.

Bệnh có biểu hiện: ở các kẽ ngón, thường là ở các kẽ hẹp như kẽ của các ngón chân giữa, ngón chân áp út, lớp da bên trên bị mủn trắng, có kẽ nứt, bên dưới là môt nền da đỏ ướt. Ở lòng bàn chân, các cạnh ngoài của bàn chân có thể có mụn nước hoặc mảng da dày màu nâu đỏ, bề mặt như vảy nhỏ mịn, gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động. Nếu không được điều trị, vết trợt loét sâu và lan rộng, nhiễm khuẩn sưng đau đi lại khó khăn.

Viêm nang lông:

Do thiếu nước sạch để tắm gội vi khuẩn phát triển ở những nang lông như da đầu, lông nách, lông sinh dục, râu, lông mày tạo thành những mụn mủ nhỏ ở nang lông rất ngứa, gãi nhiều chảy nước, dịch, ướt tóc gọi là viêm nang lông chàm hóa rất khó chữa.

Chốc lở:

Do điều kiện vệ sinh kém ăn uống thiếu chất, lao động dọn dẹp vệ sinh sau lũ dễ bị tổn thương da, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công. Thương tổn là những mụn nước, mụn mủ trên da, tập trung ở vùng hở, tay chân. Khi dập vỡ tạo vết chợt loét nông, trên có vảy màu vàng hoặc màu nâu bẩn, xung quanh có viền vảy hoặc quầng đỏ.

Viêm kẽ do vi khuẩn:

Vi khuẩn có tên gọi Corynebacterium là nguyên nhân gây bệnh. Biểu hiện là những thương tổn ở da, màu đỏ, bờ rõ, có vảy mỏng, hầu như không ngứa, trừ phi bị ở bẹn có cảm giác châm chích khó chịu. Vị trí thường gặp là ở hai bẹn, nách, cổ,…

Ghẻ:

Trong điều kiện vệ sinh kém, ghẻ cũng sinh sôi nảy nở và lây truyền rất nhanh do tiếp xúc trực tiếp giữa người bị ghẻ với người lành. Tác nhân gây bệnh do ký sinh trùng có tên gọi Sarcoptes Scabies xâm nhập vào da. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng cá nhân.

Bệnh ghẻ xảy ra quanh năm nhưng phổ biến hơn vào mùa lũ. Thương tổn là những mụn nước rãnh ghẻ. Vị trí hay gặp là các kẽ các ngón tay, nếp lằn chỉ cổ tay, cạp quần, vùng bụng, đùi non, mông bẹn, sinh dục, nếp lằn vú, nách,… Ở trẻ em thường thấy các sẩn cục hoặc sẩn kèm mụn nước ở nách và bìu Bệnh rất ngứa, đặc biệt là về đêm, nhiều người trong cùng gia đình có thể cùng bị ngứa và biểu hiện tương tự. Nếu không được điều trị đúng cách, người bệnh gãi nhiều làm da bị xây xước nhiễm khuẩn gây biến chứng thành những mụn mủ eczema rất khó chữa trị.

Cách xử trí

Khi bị các bệnh ngoài da cần ngừng ngay việc tiếp xúc trực tiếp với nước bẩn, vệ sinh thân thể bằng nguồn nước sạch đã được khử khuẩn. Vệ sinh vùng da bị bệnh bằng nước muối sinh lý dung dịch sát khuẩn betadin, bôi thuốc sát khuẩn xanh methylen castellani. Khi vết thương đã khô chuyển sang bôi thuốc mỡ kháng sinh như tetraxyclin, foban, bocidate fucidinuống thuốc kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ để bệnh nhanh khỏi và phòng ngừa biến chứng.

Đối với các bệnh gây ngứa như viêm da mẩn ngứa ghẻ,… người bệnh cần hết sức tránh gãi, hạn chế làm tổn thương da làm tăng nguy cơ bội nhiễm. Nếu bị nước ăn chân, người dân cần hạn chế lội nước, lau chân khô trước khi đi giày dép, phải dùng thuốc chống nấm theo đúng chỉ định của thầy thuốc kết hợp rửa chân tay bằng xà phòng diệt nấm để tránh tái phát.

Phòng bệnh ngoài da sau mưa lũ

Vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân là biện pháp quan trọng để phòng các bệnh ngoài da trong mùa mưa lũ. Vì vậy ngoài những kiến thức cơ bản về phòng bệnh mà bà con vùng lũ cần tự trang bị để phòng tránh cho bản thân và tránh lây lan cho cộng đồng, ngay sau khi lũ rút, người dân và các lực lượng chức năng cần phải bắt tay ngay dọn dẹp vệ sinh môi trường và làm sạch nguồn nước để kịp thời sử dụng. Các gia đình phải dự trữ đủ nước sạch. Nếu không có điều kiện dự trữ nước sạch thì cần chuẩn bị trước một số phèn chua để làm trong nước và thuốc sát khuẩn nước như viên Cloramin B, Aquatabs.

- Không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Không mặc áo quần ẩm ướt.

- Không bơi lội, tắm gội, bắt cá hoặc vớt củi trong vùng nước ngập vì nước bẩn chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh, không chỉ gây bệnh ngoài da mà còn gây các bệnh đường tiêu hoá đau mắt đỏ,…

- Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn tù đọng. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì nên mang ủng (nếu nước ngập thấp), ngay sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân, rắc bột talc vào kẽ chân. Nên di chuyển bằng thuyền bè để tránh phải dầm nước (nếu nước dâng cao). Sau khi đi mưa hoặc tiếp xúc nước bẩn phải rửa chân sạch, lau khô.

- Khi có biểu hiện mắc bệnh ngoài da cần giữ vệ sinh da sạch sẽ và đến cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị đúng cách.  

Một số cách đơn giản chữa nước ăn chân

Sau khi tiếp xúc với nước bẩn, nếu thấy các kẽ ngón chân chớm bong da, ngứa đỏ, cần rửa chân kỹ bằng nước sạch, rồi lau khô bằng khăn sạch, đặc biệt chú ý các kẽ ngón chân, sau đó dùng một số cây thuốc, vị thuốc đơn giản, dễ kiếm để sát khuẩn, chống ngứa và ngăn chặn bệnh phát triển như sau:

- Lấy lá trầu không rửa sạch, vò nát, xát vào các kẽ ngón chân, hoặc lấy nước vắt ở lá trầu bôi vào các kẽ ngón chân, các nốt loét ngứa sẽ khỏi nhanh.

- Lá kim ngân 1 nắm, sắc đặc với nước rồi ngâm rửa chân. Mỗi ngày làm 2-3 lần.

- Lá chè xanh và lá phèn đen, mỗi thứ 30g, nấu nước đặc, ngâm rửa chân trong 5-10 phút. Mỗi ngày làm 2-3 lần.

Trong trường hợp bội nhiễm với biểu hiện kẽ chân lở loét, sưng đau nóng, đỏ,… người bệnh nên đến cơ sở y tế để được điều trị hiệu quả.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật