Đau và viêm quanh khớp vai - Bệnh không thể coi thường

Khớp vai là khớp có tầm vận động rộng nhất trong các khớp của cơ thể. Bệnh rất thường gặp ở cộng đồng, nam nhiều hơn nữ.

Mặc dù đây là bệnh lý không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại có thể gây giảm hoạt động, lao động và ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh.

Viêm quanh khớp vai rất thường gặp ở những người 40-60 tuổi, chiếm tỉ lệ khoảng 3-5% số người ở độ tuổi này. Hai thể viêm quanh khớp vai thông thường và viêm quanh khớp vai thể đông cứng, tỉ lệ nam gặp nhiều hơn nữ. Riêng hội chứng loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ (hội chứng vai - tay), nữ chiếm 70%, nam chỉ chiếm 30%. Viêm quanh khớp vai chỉ thấy ở một bên, không thấy cả hai bên cùng bị. Viêm quanh khớp vai tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong đó, hội chứng vai - tay nếu không được điều trị có thể dẫn đến mất chức năng tay và tay bị bệnh trở thành tàn phế.

Các thể viêm quanh khớp vai

Viêm quanh khớp vai là thuật ngữ dùng để chỉ các bệnh viêm đau khớp vai do tổn thương phần mềm (gân cơ, dây chằng, bao hoạt dịch, bao khớp) mà không có tổn thương sụn và xương  khớp vai, không do chấn thương mới và không do nhiễm khuẩn Viêm quanh khớp vai được chia làm 3 thể:

Viêm quanh khớp vai thể thông thường: Đây là thể hay gặp nhất của hội chứng viêm quanh khớp vai, chiếm khoảng 90% số bệnh nhân bị viêm quanh khớp vai với biểu hiện đau khớp vai, không kèm theo hạn chế vận động khớp vai hoặc chỉ hạn chế vận động do đau.

Bệnh nhân không sốt, toàn thân bình thường nhưng triệu chứng nổi bật là đau khớp vai. Khởi phát đau thường từ từ và tăng dần nhiều ngày hoặc hàng tháng, đau cả khi nghỉ, thường đau tăng về đêm do ban đêm khớp vai không hoạt động, lượng máu cung cấp cho gân chóp xoay và các tổ chức khác của khớp vai tăng, làm tăng phù nề tổ chức viêm đồng thời trương lực cơ khi ngủ giảm và khi nằm ngửa khớp vai thường cao hơn mặt giường, trọng lượng của cánh tay kéo chỏm lồi cầu ra xa ổ chảo làm các cấu trúc viêm như gân chóp xoay, các bao hoạt dịch bị kéo căng và kích thích gây đau tăng. Ngoài ra, đau cũng tăng khi vận động cánh tay, nhất là tới gần cuối tầm vận động khiến người bệnh không dám vận động cánh tay hết tầm chứ không phải do hạn chế vận động của khớp vai.

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng: Là bệnh có đặc trưng đau và hạn chế vận động khớp vai. Nguyên nhân do viêm dính bao khớp ổ chảo - cánh tay, không có tổn thương sụn và xương khớp vai, không do chấn thương mới khớp vai, không do vi khuẩn Viêm quanh khớp vai thể đông cứng cũng là thể bệnh hay gặp, chiếm dưới 10% các trường hợp viêm quanh khớp vai, đứng hàng thứ hai sau viêm quanh khớp vai thông thường.

Bệnh thường diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn đau khớp vai, giai đoạn khớp vai đông cứng và giai đoạn tan đông. Ở giai đoạn đau khớp vai, người bệnh đau cả khi nghỉ ngơi, đau nhiều về đêm có khi làm bệnh nhân tỉnh giấc. Đau tăng với bất kỳ vận động nào của cánh tay kèm theo hạn chế vận động khớp vai. Bệnh nhân phàn nàn khớp vai cứng, không thể chải đầu hoặc gãi lưng được, đưa tay ra trước ra sau đều bị hạn chế. Giai đoạn khớp vai đông cứng khiến tầm hạn chế vận động khớp vai tăng dần đến mức khớp vai như bị đông cứng lại. Bệnh nhân không thể cử động được vai, không với được tay lên để chải tóc không gãi được sau lưng, không thể với tay để lấy đồ vật được. Giai đoạn này thường kéo dài từ hai tới sáu tháng, khớp vai bị mất chức năng hoàn toàn, không vận động được. Cuối cùng là giai đoạn tan đông với tầm vận động của khớp vai tăng dần nhưng chậm chạp trong nhiều tháng, có khi hàng năm. Ngược lại với sự tiến bộ của tầm vận động khớp thì đau khớp vai trở lại mỗi khi vận động khớp vai, tuy nhiên mức độ đau thấp hơn so với giai đoạn đầu. Giai đoạn này có một số bệnh nhân đòi hỏi phải dùng thuốc giảm đau

Hội chứng vai tay: Còn gọi là hội chứng Sudex hay hội chứng loạn dưỡng phản xạ thần kinh giao cảm, biểu hiện đặc trưng bởi đau kiểu bỏng buốt, nề đỏ bàn ngón tay kèm theo viêm quanh khớp vai thể đông cứng cứng cùng bên. Hội chứng vai - tay là hội chứng ít gặp, chỉ dưới 1% các bệnh nhân viêm quanh khớp vai, nhưng lại là hội chứng nặng nề, khó điều trị nhất, có thể dẫn đến một bên tay bị tàn phế; thường có biểu hiện diễn biến qua ba giai đoạn.

Giai đoạn cấp tính thường kéo dài 3-6 tháng với các triệu chứng rối loạn vận mạchdinh dưỡng bàn tay như đau kiểu bỏng buốt thường xuyên, tăng dần, dai dẳng ở vùng bàn ngón tay, nhất là khi hạ bàn tay xuống thấp, khiến bệnh nhân luôn phải dùng tay lành đỡ tay bệnh và nâng tay bệnh lên cao. Giai đoạn loạn dưỡng thường kéo dài 3-6 tháng gồm các triệu chứng rối loạn vận mạch và dinh dưỡng bàn tay cùng với đông cứng khớp vai tồn tại dai dẳng nhiều tháng, khiến bệnh nhân đau đớn và lo lắng. Bàn và ngón tay bệnh nhân luôn nề, các ngón tay ở tư thế gấp, da mu tay đỏ tím, có chỗ tái... Giai đoạn teo thường tồn tại kéo dài. Tình trạng đông cứng khớp vai chuyển sang giai đoạn tan đông, tầm vận động khớp vai phục hồi dần, cơ vùng vai và cánh tay bị teo, triệu chứng rối loạn dinh dưỡng vận mạch bàn ngón tay giảm dần, đau buốt và phù nề giảm dần làm lộ diện tình trạng teo các cơ vùng bàn tay và ngón tay.

Yếu tố nguy cơ nào gây bệnh?

Tuổi, giới tính: Bệnh hay gặp ở người 40-60 tuổi, gặp ở nam nhiều hơn nữ.

Nghề nghiệp: Người lao động chân tay mà động tác lao động thường phải giơ tay cao hơn 90 độ, như thợ trát trần nhà, thợ quét sơn, công nhân sửa máy khi máy ở vị trí cao hơn vai. Người lao động hoặc học tập có thói quen chống tỳ khủy tay lên bàn thường bị viêm khớp vai bên đó. Các nghề nghiệp gây rung xóc khớp vai kéo dài như lái xe đường dài, lái máy xúc, máy ủi, công nhân xây dựng phải sử dụng máy đầm nhiều. Các công việc gây ra các vi chấn thương cho khớp vai. Các động tác gây căng dãn gân cơ khớp vai lặp đi lặp lại kéo dài như chơi tennis, chơi gôn, ném lao, xách các vật nặng...

Tiền sử có chấn thương vùng khớp vai: Ngã chống thẳng bàn tay hoặc khuỷu tay xuống nền gây lực dồn lên khớp vai, các chấn thương phần mềm vùng khớp vai gãy xương cánh tay, xương đòn, xương bả vai...

Đã phẫu thuật: Những người đã từng phẫu thuật vùng khớp vai, phẫu thuật hoặc nắn gãy xương các xương liên quan đến khớp vai như xương cánh tay, xương đòn, xương bả vai, những người phải bất động khớp vai một thời gian dài như sau đột quỵ giai đoạn phục hồi sau các bệnh nặng, bất động do gãy xương cánh tay... có nguy cơ cao bị viêm quanh khớp vai.

Mắc bệnh mạn tính: Người bị mắc một số bệnh mạn tính như viêm khớp dạng thấp đái tháo đường bệnh ở phổi và lồng ngực đột quỵ não cơn đau thắt ngực cũng là những trường hợp có yếu tố nguy cơ mắc bệnh cao.

Sau đột quỵ não: Bệnh nhân đột quỵ não có tỉ lệ bị đông cứng khớp vai bên liệt cao hơn 3-4 lần người bình thường. Với người bệnh mắc hội chứng vai - tay thường xuất hiện từ 1-6 tháng sau đột quỵ não.

Sử dụng một số thuốc: Những người dùng thuốc kháng lao thuốc nhóm barbiturat có nguy cơ cao bị hội chứng vai- tay.

Và điều trị...

Điều trị nội khoa

Điều trị bằng thuốc: Có thể sử dụng các thuốc chống viêm giảm đau non-steroid hoặc steroid đường uống hoặc tiêm bắp. Tiêm corticoid tại chỗ: thuốc thường sử dụng là depomedrol hoặc diprospan

Các phương pháp điều trị không dùng thuốc: Vật lý trị liệu trong đó có thể sử dụng nhiệt trị liệu, điện trị liệu, sóng ngắn trị liệu, vận động trị liệu và y học cổ truyền như châm cứu thủy châm thuốc.

Điều trị can thiệp áp dụng với viêm quanh khớp vai thể đông cứng để trả lại tầm vận động khớp vai

Kéo bóc tách viêm dính bao khớp vai dưới gây mê: Cần đưa bệnh nhân xuống buồng mổ, gây mê và bác sĩ chấn thương chỉnh hình kéo bóc tách viêm dính. Sau đó bệnh nhân được điều trị chống viêm và tập vận động để chống dính lại.

Bơm tạo áp lực vào khớp ổ chảo - cánh tay: Để bóc tách dính bao khớp vai dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc X-quang tăng sáng cần có trang thiết bị hiện đại, nhưng tỉ lệ thành công thấp.

Kéo bóc tách dính khớp vai dưới gây tê thần kinh trên vai: Đây là sáng kiến của Bệnh viện 103 đã được công nhận cho kết quả phục hồi tầm vận động khớp vai rất tốt. Thời gian điều trị ngắn, bệnh nhân không cần nội trú, có thể về ngay trong ngày.

Điều trị phẫu thuật

Các biện pháp phẫu thuật thường được thực hiện để điều trị viêm quanh khớp vai bao gồm phẫu thuật nội soi khâu nối gân cơ trên gai bị đứt hoàn toàn hoặc đứt bán phần; phẫu thuật nội soi bóc dính bao khớp ổ chảo - cánh tay trong viêm quanh khớp vai thể đông cứng; phong bế hạch giao cảm cổ hoặc phẫu thuật cắt hạch giao cảm cổ trong hội chứng loạn dưỡng phản xạ thần kinh giao cảm.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật