Đột quỵ, suy tim và những bệnh thường gặp do sóng nhiệt

Sóng nhiệt là khoảng thời gian kéo dài của hiện tượng thời tiết nóng bất thường, thường kéo dài từ vài ngày đến hơn một tuần. Sóng nhiệt hình thành khi không khí tĩnh (ít di chuyển) tại một địa phương hay một vùng. Sóng nhiệt có thể gây ra các bệnh như chuột rút, suy kiệt, đột quỵ do nhiệt..., thậm chí tử vong.

Chuột rút (vọp bẻ) do nhiệt: là một rối loạn nhẹ, do mất nhiều mồ hôi khi vận động thể lực ở ngoài trời nắng nóng. Những người dễ mắc bệnh là: công nhân xây dựng, nông dân, bộ đội, công an, dân quân, sinh viên, học sinh luyện tập quân sự ngoài nắng. Triệu chứng: chuột rút xảy ra đột ngột cơ bắp chân, bàn chân, ở bàn tay... Các cơ bị co thắt, căng cứng gây đau đớn.

Suy kiệt do nắng nóng là rối loạn trầm trọng, với các triệu chứng: nhức đầu chóng mặt mệt mỏi đổ mồ hôi ra như tắm; da lạnh tái xanh; lú lẫn; do mất nước nhiều qua mồ hôi có thể gây tụt huyết áp dẫn đến ngất.

Sơ cấp cứu 2 trường hợp chuột rút và suy kiệt do nắng nóng: phải nhanh chóng đưa bệnh nhân vào nơi thoáng mát có bóng râm; đặt nạn nhân nằm đầu thấp, cho uống nước đường muối, hoặc dung dịch oresol (ORS); làm mát da bằng khăn lạnh, quạt mát.

Đột quỵ do nắng nóng là tình trạng cấp tính đe dọa tính mạng bệnh nhân. Triệu chứng của đột quỵ là: thân nhiệt tăng nhanh trên 40oC, da đỏ nóng, nhịp tim nhanh 160-180 lần/phút (so với bình thường: 60-100 lần/phút). Người bệnh bị lú lẫn hôn mê co giật do sốt cao, mất phương hướng; thở dốc, hơi thở yếu; choáng, ngất. Biến chứng nguy hiểm nhất là tổn thương não dẫn đến tử vong

Sơ cấp cứu: đột quỵ do nắng nóng là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, nếu không được điều trị kịp thời người bệnh có thể bị hôn mê chỉ trong vòng vài phút, thậm chí tử vong do suy tim suy thận và tổn thương não. Đưa nạn nhân vào chỗ mát, cởi bớt quần áo; chườm lạnh bằng nước đá khắp người. Nếu bệnh nhân bị ngừng tim (bắt mạch quay không thấy) phải làm hô hấp nhân tạo hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực.

Cách hà hơi thổi ngạt: khai thông đường hô hấp đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ nghiêng sang một bên, dùng gạc hay khăn vải móc sạch đờm dãi; đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân. Cách ép tim ngoài lồng ngực: dùng 2 bàn tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 100 lần/1 phút. Nếu một người cấp cứu thì thổi ngạt 2-3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10-15 nhịp. Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại. Chuyển bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật