Trẻ bị nôn có nguy hiểm không? Những bệnh lý thường gặp khi trẻ bị nôn

Trước hết cần phân biệt giữa nôn và trớ. Trớ chỉ là một hiện tượng sinh lý: trong vòng 6 tháng đầu, thường ngay sau bữa ăn hoặc trong bữa ăn, chỉ một lượng thức ăn không đáng kể trào ra. Trái lại, nếu là nôn thì toàn bộ thức ăn trong dạ dày bị tống ra hết. Nôn là hiện tượng thức ăn bị đẩy ra ngoài do sự co bóp của dạ dày phối hợp với co bóp của cơ hoành và thành bụng do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Những nguyên nhân gây nôn thường gặp

Trẻ thường bị nôn trong một số bệnh nhiễm khuẩn cấp tính như viêm họng viêm phế quản Trong bệnh viêm phổi trẻ nhỏ, có khi triệu chứng bắt đầu là nôn và bỏ bú. Tuy nhiên, trong những bệnh này thường có sốt ho đôi khi ậm ạch khó thở Điều trị nhiễm khuẩn là chính, khi hết viêm trẻ sẽ hết nôn.

Ngoài ra, một số trường hợp khác có thể gây nôn là trẻ bị ngộ độc (thường là trẻ 2-3 tuổi trở lên ngộ độc thức ăn do dị ứng thức ăn, do ăn quá nhiều...), nôn do giun thường kèm đau bụng quanh rốn, có khi nôn ra giun; và nôn do phản xạ, đặc biệt là nôn trong bệnh ho gà Tuy nhiên, nôn trong trường hợp này chỉ là dấu hiệu thứ yếu và thường nhẹ.

Nôn có thể báo hiệu bệnh nguy hiểm

Nôn do trong bệnh lý ngoại khoa: nôn là dấu hiệu sớm của bệnh tắc ruột lồng ruột hẹp ruột bẩm sinh do phì đại môn vị, do viêm ruột thừa

Trong hẹp ruột bẩm sinh, nôn là dấu hiệu thường xuyên và rất quan trọng. Hầu như bữa nào trẻ cũng nôn, nôn ngay sau mỗi bữa ăn hoặc vài giờ sau ăn. Nôn xuất hiện sớm có khi trong tuần lễ đầu, song phần lớn là 1-3 tháng. Sở dĩ nôn như vậy là vì lỗ môn vị bị hẹp. Thức ăn cứ đọng lại ở dạ dày mà không xuống được ruột non Vì trẻ nôn nhiều nên lúc nào cũng cảm giác đói và đòi ngậm vú. Song bú vào lại nôn nên trẻ gầy sút, ở trong tình trạng mất nước (da môi, môi khô táo bón). Nếu phát hiện sớm bệnh sẽ được chữa khỏi bằng phẫu thuật.

Trong bệnh lồng ruột ở trẻ nhỏ (thường xuất hiện ở trẻ từ 4-8 tháng tuổi): trẻ bụ bẫm khỏe mạnh, nuôi bằng sữa mẹ tự nhiên ưỡn người khóc thét từng cơn, bỏ bú và nôn vọt. Sau đó khoảng 6-12 giờ đứa trẻ đi đại tiện ra máu, thường là máu tươi có ít nhầy. Toàn trạng giảm sút rõ rệt: da tái, môi khô, mắt trũng, tay lạnh. Nếu phát hiện lồng ruột sớm phải đưa ngay trẻ tới bệnh viện trong 6 giờ đầu, nghĩa là khi mới có cơn khóc thét, nôn và bỏ bú. Nếu đến sớm có thể tháo lồng dưới màn hùynh quang, nhưng nếu để muộn, quá 24 giờ, nhiều đoạn ruột đã bị hoại tử bắt buộc phải mổ cắt bỏ những đoạn ruột đó.

Nôn trong các bệnh não - màng não: nôn cũng là một triệu chứng khá quan trọng trong những bệnh não - màng não, đặc biệt là viêm màng não nếu ở trẻ dưới 12 tháng. Ở tuổi này bệnh viêm màng não mủ có 3 triệu chứng quan trọng nhất: co giật trong 85%, thóp phồng 60%, nôn 40%. Trường hợp này phải được điều trị tích cực theo phác đồ và theo dõi sát tại bệnh viện nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng của trẻ hoặc để lại di chứng nặng nề.

Làm gì khi trẻ nôn?

Nếu nôn chỉ là hiện tượng thoáng qua thì điều đó không có gì đáng quan tâm cả. Trường hợp nôn do sai lầm về ăn uống cần điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ. Với trẻ sơ sinh các bà mẹ cần chú ý sau khi cho bú no nên bế trẻ đứng thẳng trong 10-15 phút áp trẻ vào vai và vỗ nhẹ vào lưng trẻ để trẻ ợ hơi đã bú vào rồi mới đặt trẻ nằm, với trẻ sơ sinh không nên quấn băng rốn cho trẻ quá chặt. Đặc biệt, cần theo dõi trọng lượng của trẻ, nếu trẻ nôn nhiều không tăng hoặc bị sút cân thì phải khám tìm nguyên nhân và điều trị thích hợp.

Song nếu nôn tiếp diễn, nôn vọt hoặc kèm những triệu chứng nghi ngờ khác thì không thể xem thường mà bà mẹ cần sớm đưa con đến bác sĩ khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời nhất là các bệnh nôn liên quan tới bệnh ngoại khoa cần cấp cứu như lồng ruột hay nôn trong bệnh viêm não - màng não.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật