Mách bạn phương pháp nhận biết và xử trí ngộ độc cà độc dược

Điều trị ngộ độc cà độc dược cần chú ý tới việc điều trị hỗ trợ, hạn chế hấp thu, tăng thải trừ như gây nôn, rửa dạ dày.

Trong y học cổ truyền, cà độc dược được coi là một trong 50 vị thuốc cơ bản với tên gọi dương kim hoa. Trong thực tế, ngộ độc cà độc dược cũng hay gặp do ăn nhầm, hoặc chế biến nhầm hoa, lá cây cà độc dược làm thức ăn. Bài viết dưới đây xin cung cấp những thông tin cơ bản về nhận biết và xử trí khi ngộ độc cà độc dược.

Triệu chứng ngộ độc

Do trong thành phần hóa học của cây cà độc dược hầu hết là alkaloid, trong đó alkaloid chính là L-scopolamin (hyoscin), ngoài ra còn có hyoscyamine, atropine, scopolamine.

Do vậy ngộ độc cà độc dược là biểu hiện tác động dược lý và hóa học của các alkaloid nói trên, với biểu hiện triệu chứng của các thuốc có tác dụng kháng cholinergic với các mức độ khác nhau.

Cơ chế tác dụng của atropine và nhóm thuốc này do tác dụng kháng thụ thể muscarinic, gây ức chế gắn acetylcholine vào các receptor cholinergic muscarinic ở các tế bào cơ trơntim tế bào tuyến, hạch tự động và thần kinh trung ương.

Độ nhạy cảm của các thụ thể muscarinic phụ thuộc vào các cơ quan khác nhau trong cơ thể. Triệu chứng ngộ độc phụ thuộc nhiều vào liều lượng thuốc liều thấp có biểu hiện nhẹ như hơi khô miệng giảm tiết mồ hôi và nhịp chậm; liều cao hơn gây nhịp nhanh giãn đồng tử da khô nóng đỏ, ảo giác mê sảnghôn mê

Ngoài ra, triệu chứng còn phụ thuộc vào loại dược chất khác nhau, scopolamine thường dễ qua hàng rào máu não sớm gây nên các triệu chứng thần kinh trung ương như trạng thái phởn phơ, mất định hướng, ảo giác, quên, mê sảng ngay cả với liều thấp.

Atropine ít gây tác động lên thần kinh trung ương hơn, ngay cả với liều điều trị. Ngược lại, với liều atropine và scopolamine rất thấp có thể gây nên nhịp chậm liên quan tới việc ức chế thụ thể cholinergic ở hậu hạch, liều cao gây nhịp nhanh xoang dai dẳng.

Thời gian khởi đầu triệu chứng sau khi bị ngộ độc cũng rất khác biệt, phụ thuộc nhiều vào tình trạng phơi nhiễm. Bệnh nhân hít hơi từ cây cà độc dược chế biến có triệu chứng ngay nhưng tác dụng ngắn.

Nếu bệnh nhân ăn nhầm hoa, lá cà độc dược có thể biểu hiện triệu chứng chậm hơn nhưng thường kéo dài cho tới khi các biện pháp hạn chế hấp thu và thải trừ độc chất có tác dụng hoàn toàn.

Ngộ độc cà độc dược dễ bị nhầm lẫn

Chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc cà độc dược có thể nhầm lẫn do bệnh nhân trong tình trạng nặng không cung cấp được các thông tin liên quan. Các triệu chứng thần kinh có thể nhầm lẫn với các tình trạng khác như ngộ độc rượu ngộ độc các thuốc kích thích giao cảm, các triệu chứng của bệnh lý thần kinh...

Ngộ độc các thuốc kích thích hệ giao cảm như amphetamine, cocaine cũng thường có biểu hiện trạng thái kích thích, đồng tử giãn, tăng thân nhiệt tuy nhiên nếu khám kỹ có thể thấy da ẩm ướt, có nhu động ruột.

Ngộ độc diethylamide hay mescaline thường có ảo giác màu sắc, lung linh, bệnh nhân thường thụ động hơn nhưng định hướng tốt hơn với không gian và thời gian.

Cũng cần chú ý phân biệt với biểu hiện kháng cholinergic ở các bệnh nhân ngộ độc các thuốc chống trầm cảm vòng, kháng histamin; bệnh nhân viêm não viêm màng não cũng có biểu hiệu sốt và các triệu chứng thần kinh, khi đó cần chọc dịch não tủy để chẩn đoán xác định.

Test physostigmine cũng được dùng làm biện pháp chẩn đoán ngộ độc cà độc dược, xác chẩn tình trạng ngộ độc gây triệu chứng kháng cholinergic, sau khi tiêm bệnh nhân đang từ trạng thái kích thích, mất định hướng nhanh chóng trở về bình thường.

Tuy vậy, test này không được dùng thường quy trên lâm sàng để đánh giá tình trạng rối loạn ý thức.

Việc chẩn đoán ngộ độc cà độc dược thường dựa rất nhiều vào hỏi bệnh và khám lâm sàng tìm các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng kháng cholinergic.

Việc phát hiện các dị vật như hạt quả cà, hoa cà từ các biện pháp hạn chế hấp thu qua đường tiêu hóa hoặc gia đình bệnh nhân mang tang vật đến có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định chẩn đoán.

Các xét nghiệm tìm độc chất là các alkaloid có trong thành phần cây cà độc dược (atropine, scopolamine...) hiện chưa làm được tại các phòng xét nghiệm thường quy. Các xét nghiệm cần chú ý làm như chức năng gan thận đường máu, điện giải đồ, men CK, điện tâm đồ, khí máu... là cần thiết để đánh giá tình trạng bệnh nhân và theo dõi trên lâm sàng.

Cách xử trí khi ngộ độc

Điều trị ngộ độc cà độc dược cần chú ý tới việc điều trị hỗ trợ (hô hấp, tuần hoàn, thần kinh...), dùng các biện pháp hạn chế hấp thu, tăng thải trừ như gây nôn, rửa dạ dày dùng than hoạt kết hợp với thuốc nhuận tràng tăng cường bài niệu.

Triệu chứng kích thích co giật do tác dụng kháng cholinergic có thể kiểm soát tốt bằng truyền hoặc tiêm tĩnh mạch benzodiazepine. Benzodiazepin được coi là an toàn hơn physostigmine khi chẩn đoán chưa rõ ràng, khi ngộ độc hoặc ngộ độc phối hợp các chất gây chậm dẫn truyền nhĩ - thất (thuốc trầm cảm vòng, hoặc điện tim thấy QRS giãn).

Tóm lại, cà độc dược là một vị thuốc Đông y tốt, chữa được nhiều tình trạng bệnh lý, tuy vậy trong quá trình sử dụng, bệnh nhân cần chú ý tuân thủ các hướng dẫn của thầy thuốc Đông y có nhiều kinh nghiệm.

Trong cuộc sống hằng ngày, cũng cần chú ý khi chế biến thức ăn, thức uống, tránh chế biến nhầm thực phẩm từ cây cà độc dược.

Người lớn cũng chú ý tránh cho con trẻ tiếp xúc dễ gây ra ăn nhầm từ cây, lá, quả cà độc dược. Khi có triệu chứng ngộ độc cần biết cách sơ cứu và đưa người bị nạn tới Khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc gần nhất hoặc Trung tâm Chống độc để được xử trí kịp thời.        

Nhận dạng cây cà độc dược

Thân thảo, cao 1-2m, sống quanh năm. Phần gốc của thân hoá gỗ. Thân và cành non màu xanh lục hay tím, có nhiều lông to. Lá đơn, mọc so le, phiến lá nguyên hình trứng nhọn, gốc phiến lá không đều nhau. Hoa mọc đơn độc ở nách lá.

Cánh hoa màu trắng hay vàng, dính liền nhau thành hình phễu, dài 16-18cm. Quả hình cầu, đường kính khoảng 3cm, mặt ngoài có nhiều gai mềm, chứa nhiều hạt màu vàng. Ở Việt Nam, cà độc dược được trồng hay mọc hoang ở khắp nơi, hay gặp ở Hải Dương, Vĩnh Phú, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận...

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật