Biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm tai giữa, bạn đã biết chưa?

Phát hiện và điều trị viêm tai giữa kịp thời có thể tránh được những biến chứng nguy hiểm.

Bệnh viêm tai giữa (VTG) nếu chủ quan có thể gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm như viêm xương chũm viêm tai xương chũm mãn tính hồi viêm, xuất ngoại mủ (sưng đỏ hoặc rò mủ sau tai) viêm màng não và cuối cùng là áp xe não có thể nguy hại đến tính mạng. Tiến sĩ - bác sĩ (BS) Nguyễn Trọng Minh, Phụ trách Phòng khám Tai mũi họng bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM đã cảnh báo như trên.

Nguyên nhân gây viêm tai giữa

Tại Việt Nam, từ thập niên 1980 trở về trước, nhiều bệnh nhân (BN) tử vong do biến chứng nội sọ từ bệnh VTG nhưng từ những năm 1990 trở lại đây, nhờ truyền thông rộng rãi mà ý thức người dân về sức khỏe cao hơn. Họ đi khám sớm hơn, kết hợp với những phương tiện chẩn đoán và điều trị tốt hơn nên đa số bệnh VTG đã được điều trị kịp thời.

Mặc dù những trường hợp bị biến chứng nội sọ do VTG ít đi, nhưng vẫn có các ca dọa biến chứng như viêm tai xương chũm mạn tính có cholesteatoma, viêm tai gây xuất ngoại, hoặc rò mủ vùng xương sau tai.

Vậy nguyên nhân nào gây bệnh VTG?

Ở trẻ em, bệnh VTG thường do siêu vi gây bội nhiễm (từ ống tai qua màng nhĩ và vào tai giữa). Hoặc các bé bị viêm V.A. (cục sùi sau mũi, nằm ngay đầu vòi nhĩ) dẫn tới VTG.

Ở người lớn, bệnh VTG chủ yếu do hai nguyên nhân chính: viêm từ tai ngoài và một số từ vùng mũi xoang như viêm mũi và xoang, các khối u vùng mũi xoang. Đặc biệt, có những BN tới khám vì bị đau tai, chảy mủ tai, BS phát hiện nguyên nhân chính là các khối u từ vòm mũi họng, hoặc lao xương thái dương…

BS Minh cho biết: 'Bệnh VTG nếu không điều trị sẽ lan vào xương, gây viêm tai xương chũm (một phần của xương thái dương và hộp sọ), dẫn tới biến chứng nội sọ (viêm màng não, áp xe não), có thể khiến BN tử vong nếu chẩn đoán và xử trí trễ'.

Mới đây, BS Minh vừa khám cho một phụ nữ bị VTG dọa biến chứng. Rất may, thay vì ăn vào sọ, các tổn thương lại ăn ra sau tai (rò xuất ngoại vùng rãnh sau tai). Tai BN này bị chảy mủ nhiều, sốt và sưng đỏ phù nề mọng vùng sau tai, dưới vùng da này đầy mủ.

Nhận biết và điều trị

Các dấu hiệu của bệnh VTG gồm có: đau vùng tai, nhức đầu, chảy mủ tai. Trường hợp nặng hơn, bệnh dọa biến chứng thường gặp ở những người có tiền sử VTG từ lâu, có tiền sử chảy mủ tai nhiều lần dùng thuốc không đầy đủ, tái khám không thường xuyên, nay đột nhiên bị sốt lại; tai chảy mủ nhiều và rất nặng mùi (biểu hiện bệnh đã biến chứng viêm xương chũm), nghiêm trọng hơn nữa, mủ sẽ xuất ngoại sau rãnh tai, rãnh sau tai sưng nề.

Với các ca nhẹ, BS chỉ cần làm sạch, hút rửa mủ trong ống tai, hòm nhĩ, xịt hoặc nhỏ một số thuốc kháng sinh thích hợp, kết hợp uống kháng sinh toàn thân. Muốn xử lý triệt để, BN cần điều trị các bệnh liên quan như viêm V.A. (trẻ em) và viêm mũi xoang ở người lớn…

Ở các BN dọa biến chứng, trước tiên phải được xử trí cấp cứu. Người bệnh cần nhập viện, chích kháng sinh, mổ dẫn lưu mủ. Khi BN hết sốt, BS sẽ cho tiếp tục điều trị nội khoa thêm vài ngày và sẽ mổ để nạo hết phần xương bị viêm.

VTG là bệnh dễ tái phát do sau khi đi bơi không làm sạch tai, tiếp xúc thường xuyên với không khí ô nhiễm, trẻ em phát bệnh do viêm mũi xoang, viêm V.A... Chính vì vậy, những ai đã có tiền sử VTG cần cảnh giác, luôn giữ gìn vệ sinh tai sạch sẽ.

Nếu BN VTG bị biến chứng gây áp xe não (hiếm gặp) thì tình hình vô cùng nghiêm trọng, phải kết hợp với BS chuyên mổ sọ não để mở sọ và nạo xương chũm viêm để xử lý. Nếu điều trị trễ, BN có nguy cơ tử vong và nếu qua khỏi cũng phải chịu những di chứng có thể ảnh hưởng tới tinh thần, chức năng vận động.

Tỷ lệ BN tới khám bị VTG chiếm từ 20% - 30% số các BN có bệnh lý về tai tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật