Cảnh báo những nguy cơ dịch bệnh nội công, ngoại kích

Đây là những thông tin được lãnh đạo Bộ Y tế đưa ra tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh diễn ra chiều ngày 6/8 tại Bộ Y tế.

Đánh giá chung về tình hình dịch bệnh hiện nay, GS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, số ca tử vong do dịch bệnh giảm hẳn so với năm ngoái nhưng tình hình dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn diễn biến rất phức tạp. Nếu không phòng chống tốt rất dễ bùng phát các ổ dịch. Tại cuộc họp, Bộ trưởng nhấn mạnh, các cấp, các ngành cần quan tâm nhiều hơn nữa đến phòng chống các bệnh Ebola tiêu chảy cấp viêm não Nhật Bản B do mức độ tử vong của bệnh rất cao.

Riêng với bệnh tiêu chảy cấp Bộ trưởng yêu cầu, việc phòng chống tiêu chảy phải gắn chặt với đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch và ATTP. Không ngoại trừ vi khuẩn tả kháng thuốc Do đó, Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý môi trường y tế phải nhanh chóng thành lập 5 đoàn thanh, kiểm tra về nguồn nước sinh hoạt, nước uống đóng chai và công khai rộng rãi các sản phẩm nước không đạt chất lượng để người tiêu dùng biết thông tin.

Môi trường, nguồn nước không đảm bảo: Nguyên nhân bùng phát dịch bệnh

Liên quan đến các dịch bệnh nói chung, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngành y tế luôn chú trọng giám sát 56 bệnh truyền nhiễm, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh hiện nay, ngành y tế tập trung giám sát một số dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và lây lan như Ebola tiêu chảy cấp sốt xuất huyết tay-chân-miệng, viêm não Nhật Bản, dịch Mers-Cov...

Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước phát hiện 565 trường hợp viêm não do virut, tại 30 tỉnh, thành phố; trong đó có 22 trường hợp tử vong. Tỉnh Sơn La có số ca tử vong cao nhất cả nước với 13 trường hợp. Nguyên nhân khiến dịch bệnh tại đây bùng phát mạnh là do người dân có thói quen nuôi trâu, bò... gần nơi sinh hoạt của gia đình điều kiện vệ sinh môi trường không bảo đảm.

Về dịch tiêu chảy cấp, từ đầu năm 2014 đến nay, toàn quốc ghi nhận 301.570 trường hợp, trong đó có 3 trường hợp tử vong tại tỉnh Thanh Hóa và TP. Hồ Chí Minh, giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Các trường hợp tử vong này xảy ra tại những địa phương có điều kiện vệ sinh kém, nước ao hồ tù đọng, cầu tiêu đặt trên ao cá, rác thải không được thu gom và thiếu nước sạch. Qua kiểm tra, phát hiện các nguồn nước sạch ở đây có rất ít chất clo dư và còn chứa một lượng đáng báo động vi khuẩn rất đáng ngại. Bộ Y tế cũng cho biết, qua giám sát chủ động tại chợ Cầu Xáng, huyện Bình Chánh, phát hiện một mẫu ốc bươu có nhiễm phẩy khuẩn tả týp tương tự týp gây dịch tả năm 2007. Hiện TP. Hồ Chí Minh đang tìm xuất xứ lô ốc để xác định mức độ nhiễm tả trong nguồn nước và tiến hành xử lý.

Từ ngày 15/8, tất cả các cửa khẩu phải áp dụng tờ khai y tế phòng dịch Ebola

Về tình hình dịch bệnh Ebola, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế Trần Đắc Phu cho biết, hiện nay dịch đã xảy ra trên 11 quốc gia, vùng trên thế giới với mức độ lây lan rất nhanh. Mức độ nguy hiểm và sự lây lan nhanh chóng từng ngày của bệnh Ebola khiến thế giới lo ngại vì tỷ lệ tử vong lên tới 90%. Thế giới đã ghi nhận hơn 1.600 trường hợp mắc Ebola, trong đó có 887 trường hợp tử vong tại 4 nước Tây Phi. Đặc biệt, có đến 100 cán bộ y tế lây nhiễm virut Ebola.

Thông tin thêm về dịch bệnh này, tại cuộc họp, TS. Nguyễn Thị Phúc - đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, WHO nhận định đây là vụ dịch lớn trong lịch sử gần 4 thập kỷ qua của căn bệnh này, dịch bệnh diễn ra tại khu vực có dân di biến động qua biên giới, có khả năng lây truyền qua đường hàng không, nguy cơ dịch bệnh lan truyền sang các nước là rất lớn, trong đó có Việt Nam, mặc dù đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào.

Liên quan đến dịch bệnh này, trong chiều tối ngày 6/8, Bộ Y tế đã có công văn gửi đến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao và sở y tế các tỉnh để thông báo về nguy cơ lan truyền dịch Ebola, phối hợp giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu. Theo đó, để chủ động phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh nguy hiểm ngay từ cửa khẩu, Bộ Y tế đề nghị các bộ trên phối hợp và chỉ đạo thực hiện khai báo y tế tại các cửa khẩu cho các đối tượng hành khách từ vùng dịch (hiện nay là 4 nước Tây Phi: Guinea, Liberia, Sierra Leone, Nigeria) trong vòng 21 ngày. Khi làm thủ tục nhập cảnh nếu phát hiện hành khách tới từ các quốc gia vùng dịch (chưa qua 21 ngày), cán bộ làm thủ tục xuất nhập cảnh chỉ dẫn hành khách tới bộ phận thực hiện kiểm dịch để khai tờ khai y tế. Việc thực hiện áp dụng tờ khai y tế từ 00 giờ ngày 15/8 tại tất cả các cửa khẩu quốc tế.

13 trường hợp tử vong ở Sơn La không phải do viêm não Nhật Bản

Liên quan đến 13 trường hợp tử vong tại Sơn La, trao đổi với phóng viên báo chí bên lề cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, các trường hợp tử vong này do hội chứng não cấp hoặc viêm não virut chứ không phải do viêm não Nhật Bản B.

Tại Sơn La ghi nhận, huyện Sông Mã có số mắc viêm não do virut cao nhất, tiếp đến là Mường La và Phù Yên... Tích lũy từ đầu năm đến nay, số mắc hội chứng não cấp và viêm não Nhật Bản ở Sơn La là 100 trường hợp. Trong đó, số điều trị khỏi là 71 ca, số tử vong 13 ca và hiện đang điều trị là 16 ca. Trong đó xét nghiệm 73 mẫu huyết thanh có 31 mẫu dương tính với viêm não Nhật Bản B rải rác tại tất cả các huyện.

“Chúng tôi cho rằng diễn biến tình hình viêm não Nhật Bản B, viêm não và hội chứng não, màng não của tỉnh Sơn La vẫn có những diễn biến tiếp tục phức tạp mặc dù số mắc đang có xu hướng giảm. Bộ Y tế đã đề nghị tỉnh Sơn La triển khai các biện pháp cần thiết. Về tỷ lệ tiêm chủng vaccin viêm não Nhật Bản B tại Sơn La thì tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 đạt khá cao nhưng số tiêm mũi 3 thì đạt thấp (chỉ khoảng 42%), thế nên chúng tôi đã yêu cầu Sơn La tiếp tục triển khai tiêm chủng để đạt tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 95%” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật