Cảnh báo về dấu hiệu của căn bệnh sốt xuất huyết ở người lớn

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới, cho biết thời gian gần đây sốt xuất huyết (SXH) người lớn tăng khá nhiều, chiếm 30%-40%.

Đáng lưu ý là SXH ở người lớn không được quan tâm đặc biệt vì người lớn chủ quan, khi bị sốt thường không theo dõi và xử trí phù hợp dẫn đến biến chứng nặng của bệnh. Bệnh nhân thường suy đa tạng, rơi vào sốc, đặc biệt với biến chứng viêm cơ tim sốc tim thì tử vong nhanh chóng. Không những thế, khi người lớn bị SXH thường đi khám ở những nơi gần nhà hoặc tự ý truyền dịch dẫn đến các biến chứng kèm theo như tràn dịch màng phổi màng bụng, màng bao gan

 

Tại khoa Nhiễm D, chúng tôi gặp trường hợp bà NTT (45 tuổi, ngụ Sóc Trăng). Bà T. cho biết mình vốn là người khỏe mạnh. Trước đó một tuần, bà bị SXH dạng bệnh không điển hình vì không thấy ban xuất huyết ngoài da. Do nghĩ bệnh nhẹ nên bà không vào bệnh viện điều trị mà tự mua dịch về nhà và nhờ người truyền. Khi truyền chai thứ nhất không thấy vấn đề gì, truyền sang chai thứ hai bà T. bị choáng, đầu đau như búa bổ. “Vào bệnh viện BS mới nói là vừa may, nếu trễ thêm chút nữa tôi đã hôn mê thậm chí chết rồi” - bà T. kể lại.

Qua đây, BS Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo: “Thường với SXH Dengue người bệnh cần đặc biệt quan tâm là từ ngày thứ tư đến ngày thứ bảy của bệnh. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu nôn ói nhiều đau bụng chảy máu cam chảy máu chân răng ói ra máu hay đi cầu phân đen… thì phải theo dõi, xử lý kịp thời. Điều khác với nhiễm siêu vi là da bệnh nhân ửng đỏ lên, nếu sốt mà kèm theo triệu chứng điển hình như vậy thì nên nghĩ SXH” - BS Phong nói.

Các BS lưu ý SXH dễ bị biến chứng khi chúng ta lao động hay vận động quá nặng trong thời gian bị bệnh, truyền dịch với tốc độ quá nhanh và số lượng quá nhiều trong lúc bệnh. Người bệnh cũng dễ bị biến chứng nặng khi tiếp xúc với gió mạnh, gió lạnh. Nếu như bị đồng nhiễm với các virus vi khuẩn khác thì tình trạng sẽ trầm trọng thêm.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật