Chăm sóc và điều trị hiệu quả ở người bị bệnh vẩy cá

Có nhiều thể bệnh vẩy cá tùy theo nguyên nhân gây ra bệnh. Sau đây là một số thể hay gặp: 

Bệnh vẩy cá bẩm sinh

 Bệnh vẩy cá thông thường là thể hay gặp nhất trong các bệnh vẩy cá di truyền. Đó là bệnh  di truyền gen trội với các biểu hiện đặc trưng, rõ nhất vào mùa thu đông.

Vẩy cá bẩm sinh thường xuất hiện ngay từ khi sơ sinh với dấu hiệu: da khô bong vẩy sau khi sinh khoảng 2 tháng hoặc muộn hơn. Tính chất vẩy là vẩy da trắng xám, nhỏ mịn, như một mảnh nhỏ cuộn tròn bám nửa vào da.

Da toàn thân của trẻ bong vẩy nhưng chủ yếu ở mặt duỗi của chi, nhất là ở cẳng chân nhưng không tổn thương ở các nếp gấp. Có thể có gàu nhẹ ở da đầu. Ở mặt, thường thấy tổn thương ở trán, quanh miệng. Bàn chân bàn tay các vân tay trở nên rõ là biểu hiện của dày sừng nhẹ. Có biểu hiện dày sừng nang lông giống như trong bệnh viêm da cơ địa hay gặp ở cánh tay và đùi.    

Ở bệnh nhi chỉ bị vẩy cá đơn thuần thì không bị ngứa nhưng nếu phối hợp với viêm da cơ địa thì thường kèm theo ngứa, gãi có thể gây dày da liken hóa và các vết xước.

Về tiến triển, nhiều bệnh nhân bệnh giảm dần và đỡ hẳn khi đến tuổi dậy thì Tuy nhiên, cũng có một số bệnh nhân lại bị nặng lên.

Điều trị: nên bố trí cho bệnh nhi ở trong môi trường ấm, có độ ẩm vừa phải, sử dụng kem dịu da, mềm da bôi lên tổn thương. Nếu bệnh nặng thì cần dùng các chế phẩm có parafin bôi tổn thương hàng ngày.

Những người do điều kiện làm việc không bôi kem đều đặn được thì có thể dùng sữa tắm có kem. Chú ý khi dùng mỡ salicylic 3-5% bôi tổn thương, tuy có tác dụng làm bong vẩy nhưng dễ gây kích ứng da và có thể nhiễm độc nếu bôi diện rộng. Các loại acid trái cây như: lactat, glycolic, malic, citric, pyruvic... 5-10% chế phẩm dạng dầu hoặc kem, có tác dụng làm dịu da, mịn da. Nếu bệnh nhi bị vẩy cá và viêm da cơ địa thì phải dùng kem có corticosteroid để điều trị.

Bệnh vẩy cá di truyền qua nhiễm sắc thể X

Bệnh gặp ở con trai của bà mẹ mang gen bệnh nhưng không có triệu chứng, tức là bệnh di truyền gen lặn. Một vài thống kê cho thấy: bệnh chỉ gặp ở nam với tỷ lệ mắc là 1/2.000-6.000. Phụ nữ mang gen này thường không biểu hiện bệnh lý, bệnh sinh do thiếu hụt men steroid sulfatase.

Biểu hiện bệnh sớm sau sinh với các triệu chứng: vẩy da nhiều, màu nâu bẩn ở gáy, chi, thân mình và mông. Tính chất vẩy: là vẩy da to, dính, màu nâu sẫm bẩn, hình đa giác. Tổn thương gặp nhiều ở mặt gấp, tức là trái ngược với bệnh vẩy cá thể thông thường và các vùng sau cổ, quanh tai, vùng mặt - cằm, mặt duỗi cánh tay, nếp gấp khuỷu tay, khoeo chân.

Tổn thương có ở vùng bụng, ngực. Tổn thương cũng thấy ở da đầu, nách, mu tay, mu chân. Có thể thấy đục giác mạc ở khoảng 50% trường hợp. Một  triệu chứng đáng chú ý là tinh hoàn ẩn, gặp khoảng 20% người bệnh, tinh hoàn lạc chỗ và vô sinh… Bàn tay, bàn chân và mặt không bị tổn thương. Bệnh vẩy cá di truyền thường tiến triển nặng lên vào mùa khô hanh.

Điều trị: sử dụng thuốc như điều trị vẩy cá bẩm sinh nói trên. Có thể uống retinoid có hiệu quả với một số trường hợp, nhưng cần chú ý tác dụng phụ của thuốc.

Bệnh vẩy cá bong vẩy lá

Ở thể bệnh này, tỷ lệ nam và nữ mắc bệnh như nhau. Các triệu chứng thường xuất hiện ngay sau khi sinh với biểu hiện đứa trẻ có bọc màng (collodion baby), sau đó vài tuần, màng mất đi, xuất hiện các vẩy da lớn, thô trên da ở cả mặt gấp của chi, bàn tay, bàn chân. Màng bọc trong và bong đi trong vài tuần, trẻ bị đỏ da toàn thân, lộn  mi và lộn môi da mặt căng.  

Ở bệnh nhân là trẻ nhỏ và người lớn, vẩy da như giấy ở toàn thân tạo hình ảnh như lát đá hoa. Tính chất vẩy là vẩy da to, dày, màu nâu bao phủ gần như toàn bộ da, tổn thương ở cả mặt gấp, nặng nhất ở chi dưới. Vùng da ở quanh khớp dày sừng có khi sùi cao lên. Biểu hiện dày sừng ở bàn tay, bàn chân, lòng bàn tay, bàn chân bị nứt. Tóc có thể bị rụng do nhiễm khuẩn gây sẹo ở da đầu, thông thường có màu nâu do vẩy da. Niêm mạc không bị tổn thương, có thể bị bội nhiễm do lộn mi.

Ở thể này, bệnh tồn tại suốt đời và không giảm nhẹ khi đến tuổi dậy thì hay trưởng thành. Dày sừng làm tắc các tuyến mồ hôi làm cho bệnh nhân không tiết được mồ hôi

Điều trị: bệnh nhân cần dùng các thuốc bôi làm dịu da, mềm da, các thuốc có tác dụng bong vẩy da. Thuốc uống retinoid.

Chăm sóc bệnh nhân vẩy cá

Bệnh vẩy cá thường tồn tại lâu năm hoặc suốt đời, vì vậy, các bậc cha mẹ và người thân trong gia đình cần có sự thông cảm, động viên, giúp đỡ người bệnh về tinh thần và chăm sóc vệ sinh. Bệnh nhân cần giữ da luôn luôn sạch sẽ bằng cách tắm nước sạch và mặc quần dài, áo dài tay. Tránh tắm nước quá nóng vì sẽ gây khô da mất lớp chất nhờn trên da. Bệnh nhân cần tránh các stress tránh nơi khô nóng và tránh làm việc nặng nhọc.

Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật