Chứng co giật cơ nửa mặt: Nguyên nhân và hướng xử trí

Chứng co giật cơ nửa mặt là tình trạng các cơ co giật ở một bên mặt, thường là bên trái nhiều hơn bên phải. Người bệnh không kiểm soát được những cơn co giật này và chúng diễn ra ngay cả khi ngủ.

Chứng bệnh co giật cơ nửa mặt thường không gây đau đớn và không bị coi là nguy hiểm cho sức khỏe Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các cơ mắt có thể co giật tới mức trở nên nguy hiểm khi lái xe. Hơn nữa, do không thể kiểm soát được, các cơn co giật cơ mặt này có thể làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, giao tiếp xã hội, giảm chất lượng sống, ảnh hưởng tới thẩm mỹ khuôn mặt của người bệnh.

Cả hai giới đều có thể bị những cơn co giật nửa mặt, nhưng chứng bệnh này gặp nhiều hơn ở phụ nữ nhất là phụ nữ trung niên và cao tuổi với tỷ lệ gấp đôi nam giới. Bệnh này cũng phổ biến hơn ở người châu Á.

Dấu hiệu đầu tiên của co giật cơ nửa mặt thường là co giật ở các cơ mí mắt. Những cơn co giật này có thể kéo mắt đóng lại và gây chảy nước mắt.

Nếu không được điều trị, các triệu chứng co giật cục bộ có thể trở nên trầm trọng hơn và lan đến các cơ khác trên cùng một bên khuôn mặt. Sự co giật có thể ảnh hưởng đến các cơ của miệng và kéo lệch miệng. Thậm chí, nếu thường xuyên co giật có thể khiến tất cả các cơ một bên mặt bị kéo lệch, co dúm mãi mãi. Một số người có thể bị co giật ở cả hai bên mặt nhưng rất hiếm.

Tuy ít khi gây đau đớn nhưng một trong các triệu chứng của co giật cơ nửa mặt là đau tai, thậm chí có thể nghe thấy tiếng 'cách, cách' như tiếng nhấp chuột trong tai và thính lực bị ảnh hưởng. Tình trạng điếc đôi khi cũng xảy ra. Khoảng 13% số người tham gia vào một nghiên cứu báo cáo bị mất thính giác Tuy nhiên, tình trạng mất thính giác này dường như không liên quan đến mức độ trầm trọng của các triệu chứng co giật cục bộ.

Các triệu chứng co giật cơ nửa mặt thường gặp ở người từ 40 - 60 tuổi.

Nguyên nhân và các yếu tố liên quan

Phần lớn các trường hợp co giật cơ nửa mặt là do kích thích dây thần kinh số VII. Các nguồn kích thích thường gặp nhất là mạch máu đè ép vào dây thần kinh số VII gần thân não.

Các nguyên nhân tiềm ẩn khác bao gồm: Có khối u hoặc tổn thương trên dây thần kinh; các dị dạng mạch máu ở thân não.

Các trường hợp di truyền của co giật cục bộ đã được xác định, mặc dù chúng không phổ biến. Trong một số trường hợp, co giật cục bộ là triệu chứng của bệnh đa xơ cứng (MS). Mặc dù hiếm khi xảy ra, nhưng nếu bệnh nhân là người dưới 40 tuổi, cần kiểm tra bệnh đa xơ cứng như là một nguyên nhân có thể xảy ra.

Một nghiên cứu trên 215 người có cơn co giật cơ nửa mặt cho thấy rằng: 62% gây ra bởi tĩnh mạch đè ép lên dây thần kinh số VII ngoại biên; 18% có co thắt cục bộ nửa mặt nhưng đây không thực sự là ví dụ của bệnh; 11% do  liệt dây thần kinh số VII; 6% là kết quả của các tổn thương đối với dây thần kinh số VII; 2% có liên quan đến các nguyên nhân di truyền; Ít hơn 1% trường hợp là do tổn thương trực tiếp hệ thần kinh hoặc hệ tuần hoàn của não.

Phòng ngừa được không?

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu chưa phát hiện bất kỳ cách nào để phòng ngừa các cơn co giật cơ nửa mặt. Vì vậy, cách duy nhất để ngăn cản sự khởi phát của cơ co giật khi tình trạng phát triển là thông qua điều trị.

Sự căng thẳng mệt mỏi và lo lắng đã được chứng minh là làm cho tình trạng co giật cơ trở nên trầm trọng hơn, vì vậy, để giảm thiểu các triệu chứng nên tránh những yếu tố kích thích này nếu có thể.

Các biện pháp điều trị

Điều trị chứng co giật cơ nửa mặt có thể bằng tiêm thuốc hoặc phẫu thuật.

Thuốc để tiêm là botulinum độc tố (botox), được sử dụng để làm tê liệt các cơ mặt và ngừng co giật. Phương pháp điều trị này tỉ lệ cho hiệu quả từ 85 - 95%. Các tác dụng này sẽ mất đi sau 3 - 6 tháng và người sử dụng cần được theo dõi thường xuyên bởi phương pháp này cũng có một số tác dụng phụ không mong muốn như sụp mí đau mắt liệt nhẹ cơ mặt... Nhưng các tác dụng phụ này sẽ biến mất sau một thời gian ngắn.

Mặc dù phẫu thuật có xâm lấn hơn nhưng phương pháp này đem lại kết quả điều trị ngay và vĩnh viễn. Trong một thủ thuật được gọi là giải ép vi mạch, bác sĩ phẫu thuật di chuyển động mạch đang đè ép ra khỏi dây thần kinh số VII và đặt một tấm đệm lên dây thần kinh để bảo vệ nó khỏi bị tái chèn ép trong tương lai. Phẫu thuật này rất có hiệu quả, phù hợp với người trẻ tuổi và những người ở giai đoạn đầu của tình trạng này.

Thủ thuật này cũng có một số rủi ro như nguy cơ suy giảm thính giác từ 1,5 - 8%, tổn thương tiểu não.

Uống thuốc ít có tác dụng với những trường hợp dây thần kinh số VII bị chèn ép. Một số trường hợp nhẹ có thể sử dụng thuốc an thần thuốc chống co giật thuốc giãn cơ để giảm xung động cơ. Nhưng dùng thuốc cần dò liều để phù hợp với từng người và phải dùng lâu dài.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật