Dùng thuốc trị viêm mũi - xoang: Các phản ứng nguy hiểm cần lưu ý

Do sự phát triển vượt bậc của nền y học hiện đại và sự bùng nổ của thị trường thuốc nên các nhà sản xuất luôn cạnh tranh để tìm chỗ đứng cho riêng mình. Thuốc dùng nhỏ tại chỗ để điều trị viêm mũi - xoang không phải là ngoại lệ, rất phong phú và đa dạng. Vì vậy, khi bác sĩ kê đơn cho người dùng thuốc điều trị viêm xoang cũng cần được dặn dò tỉ mỉ.

Các tai biến, phản ứng toàn thân

Vì mũi xoang là cửa ngõ của đường thở, có hệ mạch máu và thần kinh rất phong phú nên luôn nhớ khi dùng thuốc tại chỗ cũng có thể đưa đến các tai biến, phản ứng nguy hiểm như: Khi nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh nhũ nhi thuốc co mạch thông thường như naptazolin có thể gây tử vong cho trẻ, do thuốc này lan tỏa và co mạch quá mạnh làm co thắt các mạch máu. Vì thế, Bộ Y tế đã có chỉ thị không được dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, ở nhiều nước quy định với trẻ dưới 12 tháng tuổi.

Trẻ dưới 5 tuổi cũng không nên dùng với thuốc nhỏ mũi của người lớn: naptazolin 10/00 mà chỉ dùng loại thuốc có độ loãng rửa naptazolin 0.50/00.

Với trẻ em người cao tuổi hay cả một số người lớn khi dùng các thuốc nhỏ, xịt mũi hay khí dungcorticoid (rất phổ biến) lâu dài, liên tục vài tuần cũng có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa (nhất là với người có viêm loét dạ dày - tá tràng) gây lao tiến triển (ở người có tiền sử lao), viêm thận (ở người có tuổi thận yếu ).

Gây ra các tai biến, phản ứng phụ

Thuốc có tác động đến từng người tùy theo mức độ mẫn cảm nên khi dùng phải theo dõi để phòng tránh. Như kháng histamin (rất thường dùng trong viêm xoang) có thể gây buồn ngủ với một số người nếu đang sử dụng phương tiện giao thông, nên thận trọng dùng sau khi ăn, tối trước khi đi ngủ.

Gây tổn thương chức năng mũi - xoang

Đặc biệt, một số thuốc y học dân tộc dùng (nhỏ giọt) điều trị viêm xoang làm khô, ngưng chảy mũi nên có chứa hàm lượng thủy ngân (Hg) hay arsenic (Ao) dù rất nhỏ với người mẫn cảm dễ gây mất ngửi vùng mũi - xoang gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống và rất khó điều trị.

Làm tổn thương niêm mạc

Các thuốc làm thay đổi độ kiềm toan (pH), độ nhớt... như nhỏ mật ong (dù là mật ong rừng nguyên chất) sẽ làm hại niêm mạc mũi - xoang.

Ngay các thuốc nhỏ mũi - xoang thông thường như các thuốc co mạch nếu dùng nhiều lần trong ngày, dùng liên tục kéo dài đều làm hại cho niêm mạc mũi, đưa tới bệnh viêm mũi do thuốc với ngạt tắc mũi thường xuyên mất chức năng hô hấp của mũi rất khó điều trị, phục hồi.

Thuốc gây phản ứng tại chỗ

Mũi, xoang là bộ phận rất nhạy cảm nên thuốc dùng tại chỗ phải không gây kích thích, phản ứng. Như dùng nước tỏi tươi ép nhỏ vào mũi tuy có tác dụng sát khuẩn, chống viêm nhưng gây nóng, rát, tổn thương niêm mạc mũi xoang nên lại gây hại nhiều hơn.

Như vậy, khi dùng các thuốc trong điều trị viêm mũi xoang luôn nhớ: mũi xoang là cửa ngõ của đường thở; có hệ thống mạch máu và thần kinh rất phong phú, đa dạng; gần với não nên không chỉ có phản ứng tại chỗ mà dễ gặp các phản ứng tai biến toàn thân nguy hiểm. Xoang - mũi là cơ quan cảm giác rất nhạy cảm, tinh tế nên rất thận trọng khi dùng thuốc, tuân thủ đúng quy định để tránh gây các ảnh hưởng bất lợi, có hại.

Lưu ý: Với bất kể thuốc nhỏ mũi nào (dù đắt hay rẻ tiền của ngoại hay nội) nếu nhỏ ngày quá 3 lần đều không được dùng liên tục quá 3 tuần.

Với trẻ nhỏ, khi viêm chảy mũi thường nhỏ mũi bằng thuốc có acgyron có tác dụng tốt. Lưu ý đây là loại muối bạc khi ra ánh sáng làm cháy, hỏng niêm mạc nên không được nhỏ liên tục quá 1 tuần, thuốc cần che tránh ánh sáng và quá 15 ngày không nên dùng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật