Vàng mắt, vàng da - Bệnh “lạ” hay “quen” cũng hết sức thận trọng

Từ cuối năm 2011 đến nay, 2 làng Hiệp Tiến và Hiệp Hưng của xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, Bình Định đã có một số người dân có triệu chứng vàng mắt, vàng da. Các trường hợp nói trên đều có chung các dấu hiệu như: sốt, nước tiểu sẫm màu, vàng mắt, vàng da, đau bụng, bụng ậm ạch khó chịu; một số trường hợp có gan to.

Môi trường sống ô nhiễm

Trước tình hình trên, Trung tâm y tế (TTYT) dự phòng tỉnh Bình Định đã cử cán bộ về huyện Vân Canh khảo sát tình hình dịch tễ, vệ sinh môi trường, nguồn nước. Tại buổi làm việc với lãnh đạo xã Canh Hiệp, ThS. Bùi Ngọc Lân, TTYT dự phòng Bình Định cho biết: Qua điều tra dịch tễ ban đầu xác định 28 người dân trong làng Hiệp Tiến, xã Canh Hiệp mắc bệnh.  

Điều đáng ngại là một số ca bệnh tương tự cũng đã xuất hiện ở làng Hiệp Hưng có nguy cơ lây lan ra các làng lân cận. Kiểm tra tại làng Hiệp Tiến cho thấy, vệ sinh môi trường và nguồn nước phục vụ ăn uống của người dân còn nhiều hạn chế. Làng có 132 hộ dân, với 468 nhân khẩu đều là đồng bào dân tộc Chăm. Ngoài 6 giếng nước, nguồn nước tự chảy cung cấp cho ăn uống và sinh hoạt trong làng Hiệp Tiến được dẫn từ nguồn nước Suối Khúc chưa qua xử lý.  

Làng có 31 hộ dân được hỗ trợ xây dựng hố xí hai ngăn, nhưng trên thực tế nhiều hố xí biến thành… kho chứa đồ.

Người dân làng Hiệp Tiến có thói quen uống nước lã; xử lý phân không đúng cách, đi đại tiện ra vườn hoặc trên rẫy; không có thói quen rửa tay trước khi ăn, trước khi chế biến thực phẩm và sau khi đi vệ sinh; môi trường chung trong làng không đảm bảo vệ sinh, có nhiều ruồi nhặng. Đây là các yếu tố thuận lợi cho việc lan truyền các bệnh truyền nhiễm đường tiêu hóa

TTYT huyện Vân Canh đã phối hợp với Trạm y tế xã Canh Hiệp tiến hành tổ chức điều tra xác minh ca bệnh, điều tra yếu tố dịch tễ, môi trường tại cộng đồng, khoanh vùng, khám phân loại bệnh nhân. Bước đầu xác định, bệnh viêm gan A lây truyền qua đường tiêu hóa và có thể là nguyên nhân gây nên các vụ dịch nếu không được xử lý triệt để.

Chị Nguyễn Thị Nhẫn, 26 tuổi, ở làng Hiệp Tiến, mắc bệnh viêm gan A từ hơn tháng trước, cho biết: ban đầu dân trong làng lo sợ khi lần lượt hết người này đến người khác mắc bệnh vàng mắt vàng da Đến khi bệnh được chữa khỏi và được tuyên truyền bà con mới yên tâm. Khi được hỏi về vệ sinh ăn uống và môi trường, chị Nhẫn chia sẻ rằng, cả nhà dùng nước giếng và nước suối sinh hoạt và ăn uống; còn nhà tiêu thì vẫn chưa có.

Không chỉ dừng ở tuyên truyền

Theo ThS. Bùi Ngọc Lân, do mật độ dân cư ở khu vực xuất hiện dịch không cao nên bệnh không diễn tiến ồ ạt, nhưng có khả năng lây lan ra các làng bên cạnh nếu không triển khai các biện pháp phòng chống dịch tích cực.

Trước tình hình này, TTYT dự phòng tỉnh Bình Định đã yêu cầu TTYT huyện Vân Canh, ngoài việc tổ chức thu nhận, cách ly và điều trị bệnh nhân nhằm cắt đứt nguồn truyền bệnh, cần phải tập trung quản lý người lành mang virut, người tiếp xúc với bệnh nhân.

Bắt đầu cuối tháng 4/2012, TTYT huyện phối hợp chính quyền địa phương tổ chức tổng vệ sinh khử trùng tẩy uế môi trường, xử lý phân, nước, rác khử trùng nước sinh hoạt bằng chloramin B.   Đồng thời, tuyên truyền giáo dục nhân dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh: rửa tay thường xuyên với xà phòng; thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống (ít nhất là trong thời điểm đang có dịch); khử trùng dụng cụ ăn uống; vệ sinh môi trường, nhà cửa; không phóng uế bừa bãi; hạn chế tiếp xúc, dùng chung dụng cụ như khăn, chén bát, ly tách… với người bệnh.

“Bệnh có thể tiếp tục lây lan sang các làng lân cận nên hoạt động phòng chống dịch cũng cần được triển khai ngay ở các làng khác, nhất là vấn đề giám sát, phát hiện và báo cáo kịp thời các ca bệnh. Về lâu dài, y tế huyện phải cùng chính quyền địa phương vận động nhân dân xây dựng, sử dụng hố xí hợp vệ sinh và tăng cường vệ sinh nhà cửa, vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong sinh hoạt”, ThS. Lân nhấn mạnh.

BS. Nguyễn Văn Ngọ, Giám đốc TTYT huyện Vân Canh, Bình Định cho biết, năm 2007, làng Hiệp Tiến cũng từng xuất hiện nhiều ca bệnh viêm gan A, bẵng đi một thời gian đến nay lại tái phát.

Bệnh lây qua đường tiêu hóa, biện pháp chống dịch quan trọng nhất là đảm bảo vệ sinh ăn uống và vệ sinh môi trường. “Trong tuần này, Đội Vệ sinh phòng dịch của trung tâm sẽ phối hợp chính quyền xã Canh Hiệp huy động lực lượng tổng vệ sinh môi trường và xử lý hóa chất cho khu vực có ca bệnh và tất cả các giếng nước, bể chứa nước của 2 làng Hiệp Tiến, Hiệp Hưng”, ông Ngọ cho biết.

Về phía địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Canh Hiệp - ông Lê Văn Trường cho biết, việc làm rõ nguyên nhân gây bệnh vàng mắt vàng da tại làng Hiệp Tiến và Hiệp Hưng là do virut viêm gan A đã giải tỏa được thắc mắc và hoang mang của người dân.

cam kết sẽ huy động lực lượng tuyên truyền về nguyên nhân và các biện pháp phòng bệnh để ổn định trong dân; bố trí kinh phí cùng phối hợp y tế địa phương tổ chức vệ sinh môi trường, xử lý hóa chất ở 2 làng Hiệp Hưng và Hiệp Tiến.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật