Ngăn ngừa nhiễm khuẩn vết mổ khi phẫu thuật như thế nào cho hiệu quả?

Theo các nhà khoa học, nhiễm khuẩn vết mổ là loại nhiễm khuẩn thường gặp với số lượng lớn được ghi nhận trong các loại nhiễm trùng bệnh viện.

Tại nước ta, tình trạng nhiễm khuẩn vết mổ xảy ra chiếm tỉ lệ từ 5 - 10% trong khoảng 2 triệu người bệnh ngoại khoa được phẫu thuật hàng năm.

Bệnh nhân được xác định nhiễm khuẩn vết mổ khi có hiện tượng nhiễm khuẩn tại vị trí phẫu thuật trong thời gian từ khi mổ cho đến 30 ngày sau mổ đối với loại phẫu thuật không có cấy ghép và cho tới 1 năm sau mổ đối với phẫu thuật có cấy ghép bộ phận giả như phẫu thuật implant làm răng giả cố định trong nha khoa... Nhiễm khuẩn vết mổ có 3 loại: nhiễm khuẩn vết mổ nông gồm các nhiễm khuẩn ở lớp da hoặc tổ chức dưới da tại vị trí rạch da; nhiễm khuẩn vết mổ sâu cũng có thể bắt nguồn từ nhiễm khuẩn vết mổ nông để đi sâu vào bên trong lớp cân cơ và nhiễm khuẩn ở các cơ quan hoặc khoang của cơ thể.

Theo thống kê, ở Mỹ là nước có nền y học tiên tiến nhưng nhiễm khuẩn vết mổ đứng hàng thứ hai sau nhiễm khuẩn đường tiết niệu tại bệnh viện; người bệnh bị nhiễm khuẩn vết mổ chiếm tỉ lệ khoảng 2 - 15% tùy theo loại phẫu thuật và hàng năm có khoảng 2 triệu bệnh nhân bị nhiễm khuẩn vết mổ. Tại các bệnh viện thuộc khu vực châu Á như: Ấn Độ, Thái Lan và các nước châu Phi thì bệnh nhân bị nhiễm khuẩn vết mổ chiếm tỉ lệ từ 8,8 - 24% sau phẫu thuật. Một vài nghiên cứu tại nước ta ghi nhận, người bệnh nhiễm khuẩn vết mổ thường tăng gấp 2 lần thời gian nằm viện và chi phí điều trị trực tiếp.

Tác nhân gây nhiễm khuẩn vết mổ

Vi khuẩn thường là tác nhân chính gây nhiễm khuẩn vết mổ, tiếp theo đó là nấm; trên thực tế rất ít có bằng chứng cho thấy virút và ký sinh trùng là tác nhân gây nhiễm. Các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn vết mổ có nhiều loại khác nhau, thay đổi tùy theo từng cơ sở khám chữa bệnh và vị trí phẫu thuật. Hiện nay, các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn vết mổ ngày càng có xu hướng kháng lại với các kháng sinh đang sử dụng nên gây khó khăn cho việc điều trị; đặc biệt là những chủng vi khuẩn đa kháng thuốc

Nguồn gây nhiễm khuẩn vết mổ xuất phát từ các loại vi sinh vật ở trên người gọi là tác nhân nội sinh và các loại vi sinh vật ở ngoài môi trường gọi là tác nhân ngoại sinh. Vi sinh vật ở trên người là nguồn tác nhân chính gây nhiễm khuẩn vết mổ gồm các loại vi sinh vật thường trú có ngay trên cơ thể người bệnh. Chúng cư trú ở tế bào biểu bì da niêm mạc hoặc trong các khoang hay tạng rỗng của cơ thể như: khoang miệng ống tiêu hóa đường tiết niệu và sinh dục... Một số trường hợp vi sinh vật gây nhiễm bắt nguồn từ các ổ nhiễm khuẩn ở xa vết mổ theo đường máu hoặc mạch bạch huyết xâm nhập vào vết mổ để gây nhiễm khuẩn.

Tác nhân gây bệnh nội sinh nhiều khi còn có nguồn gốc từ môi trường bệnh viện với đặc điểm vi khuẩn có tính kháng kháng sinh với mức độ cao. Vi sinh vật ở ngoài môi trường là các vi sinh vật bên ngoài cơ thể người bệnh có khả năng xâm nhập vào vết mổ trong thời gian phẫu thuật hoặc khi chăm sóc vết mổ.

Tác nhân gây nhiễm ngoại sinh thường bắt nguồn từ môi trường phẫu thuật như: bề mặt phương tiện, thiết bị, không khí phòng phẫu thuật, nước và phương tiện vệ sinh tay ngoại khoa...; các dụng cụ, phương tiện cầm máu đồ vải phẫu thuật bị ô nhiễm; đồng thời có thể từ bàn tay mặt da đường hô hấp của bác sĩ và nhân viên của nhóm phẫu thuật. Vi sinh vật cũng có khả năng xâm nhập vào vết mổ khi không tuân thủ đúng nguyên tắc vô khuẩn trong chăm sóc vết mổ, tuy vậy vi sinh vật xâm nhập vào vết mổ theo đường nhiễm này thường gây nhiễm khuẩn vết mổ ở mức độ nông, ít gây hậu quả nghiêm trọng.

Yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn vết mổ và cách phòng ngừa

Nguy cơ gây nhiễm khuẩn vết mổ có 4 nhóm khác nhau gồm: yếu tố người bệnh, yếu tố môi trường, yếu tố phẫu thuật và yếu tố vi sinh vật gây nhiễm. Mỗi loại yếu tố có những tác động ảnh hưởng đến việc hình thành tình trạng nhiễm khuẩn vết mổ cần được quan tâm để có biện pháp khắc phục nhằm hạn chế.

Theo đó, cách phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ ở các cơ sở khám chữa bệnh nhà nước hay tư nhân khi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân ngoại khoa phải bảo đảm những nguyên tắc chung như: tất cả nhân viên y tế, người bệnh và người nhà bệnh nhân phải tuân thủ quy định, quy trình phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ trước, trong và sau khi phẫu thuật. Phải sử dụng thuốc kháng sinh dự phòng phù hợp với tác nhân gây bệnh, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đường dùng thuốc Cần thường xuyên và định kỳ giám sát phát hiện nhiễm khuẩn vết mổ ở người bệnh phẫu thuật, giám sát tuân thủ thực hành phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ ở nhân viên y tế và thông tin kịp thời các kết quả giám sát cho những đối tượng có liên quan. Luôn có sẵn các điều kiện, phương tiện, thiết bị, vật tư tiêu hao và hóa chất thiết yếu cho thực hành vô khuẩn trong chăm sóc và điều trị người bệnh ngoại khoa.

Muốn đạt được việc phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ có hiệu quả, các cơ sở y tế phải thực hiện đồng bộ các biện pháp bao gồm: chuẩn bị người bệnh thật kỹ trước khi phẫu thuật bất kỳ đó là loại phẫu thuật gì. Sử dụng thuốc kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật một cách phù hợp. Chú ý những biện pháp phòng ngừa tối ưu trong quá trình phẫu thuật. Cần chăm sóc vết mổ cẩn thận sau phẫu thuật đúng quy định. Thường xuyên giám sát phát hiện nhiễm khuẩn vết mổ để xử trí kịp thời. Phải kiểm tra giám sát việc tuân thủ quy trình vô khuẩn ở các nhân viên y tế. Bảo đảm các điều kiện, thiết bị, phương tiện và hóa chất thiết yếu cho việc phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ. Ngoài ra còn nên thực hiện một số biện pháp khác để phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ từ môi trường, dụng cụ của phòng mổ và khu vực phẫu thuật.

Nhiễm khuẩn vết mổ là một trong những hình thái thường gặp trong các loại nhiễm trùng bệnh viện được ghi nhận khi bệnh nhân ngoại khoa vào cơ sở y tế để điều trị. Chúng có thể để lại những hậu quả nặng nề cho người bệnh do phải kéo dài thời gian nằm điều trị tại bệnh viện đồng thời có khả năng làm tăng tỉ lệ tử vong và tăng chi phí chữa trị cho bệnh nhân. Vì vậy, tất cả những cơ sở khám chữa bệnh, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà bệnh nhân cần quan tâm thực hiện các biện pháp ngăn ngừa đã nêu trên nhằm giảm thiểu hậu quả xấu có thể xảy ra.

Nhiễm khuẩn vết mổ để lại những hậu quả nặng nề cho người bệnh do phải kéo dài thời gian nằm tại bệnh viện.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật