Thói quen ăn trầu của người lớn tuổi khiến bệnh răng miệng trầm trọng

Ăn trầu là một thói quen có từ rất xưa, hiện nay vẫn còn phổ biến ở những người cao tuổi. Thói quen này liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người hay không? Mặc dù cơ chế sinh bệnh còn chưa được rõ ràng nhưng nhiều nhà y học cho rằng nó có thể gây ra các tổn thương niêm mạc miệng và các tổn thương này có thể phát triển thành ung thư niêm mạc miệng. Các tổn thương này y học gọi là tổn thương tiền ung thư.

Ăn trầu có thể gây nên những tác hại gì?

Khi ăn trầu do tác dụng trực tiếp của miếng trầu hoặc do cọ xát của miếng trầu trong lúc nhai khiến niêm mạc có thể bị tổn thương. Niêm mạc miệng bị tróc vảy ở lớp thượng bì hay có những vết trợt. Niêm mạc này bị bong ra hay còn dính lại một cách lỏng lẻo trên bề mặt niêm mạc miệng, đặc biệt là ở hai bên má. Tổn thương có màu đỏ sáng, khi chùi sạch có thể thấy lộ những đốm vàng.

Ngoài ra còn có các tổn thương tiền ung thư khác như là bạch sản và xơ hóa dưới niêm mạc miệng. Cho đến nay, các nhà bệnh học miệng trên thế giới cũng chưa hiểu rõ hết cơ chế bệnh sinh của tổn thương niêm mạc miệng nói chung và tổn thương niêm mạc miệng ở người ăn trầu nói riêng.

Liên quan giữa ăn trầu và tổn thương tiền ung thư

Ở Việt Nam, theo nghiên cứu thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ tổn thương sừng hoá niêm mạc miệng ở người ăn trầu là 47,4% và tổn thương sừng hoá niêm mạc ở người không ăn trầu là 2,4%.

Tỷ lệ có tổn thương tiền ung thư ở những người ăn trầu là 1,71%, tỷ lệ này tăng dần theo tuổi (theo thời gian ăn trầu). Tuổi ăn trầu nhiều nhất đó là 55 - 64 tuổi và 65 - 75 tuổi. Người ăn trầu có nguy cơ bạch sản cao gấp 13 lần, nguy cơ lichen phẳng cao gấp 15 lần, xơ hoá dưới niêm mạc cao gấp 124 lần so với người không có thói quen ăn trầu, người ăn trầu cùng với thuốc có nguy cơ tổn thương tiền ung thư và ung thư cao gấp 3 lần so với người không có thuốc. Người ăn cau khô có nguy cơ tổn thương tiền ung thư và ung thư cao hơn người ăn cau tươi 5 lần.

Nhiều công trình nghiên cứu ở Đông Nam Á và Nam Á đã chứng minh một cách rõ rệt mối liên hệ giữa ăn trầu và ung thư niêm mạc miệng Nổi bật nhất là công trình nghiên cứu trên mẫu dân số Ấn Độ. Trong nghiên cứu này, các tác giả đã ghi nhận tất cả các ung thư miệng đều xảy ra ở người có thói quen ăn trầu có kèm theo dùng thuốc lá Chỉ trong thời gian gần đây mới có một số công trình nghiên cứu ở Đài Loan chứng minh ung thư miệng có mật độ xuất hiện cao và phổ biến ở những người ăn trầu mà không dùng thuốc lá. Năm 1993, Van Wyk và cộng sự đã trình bày một nghiên cứu làm nhiều người ngạc nhiên với vai trò sinh ung thư của cau ở những người chỉ nhai cau mà không nhai trầu. Kết quả này đã được khẳng định qua nghiên cứu trong phòng thí nghiệm (in vitro) của Ashby và cộng sự: Chất arecoline và arecaodine có thể gây ra những biến đổi trên DNA. Thêm vào đó, cau làm tăng tần số trao đổi giữa các sister chromatid cùng cặp và gây lệch lạc nhiễm sắc thể trong tế bào lympho của máu ngoại biên cũng như các tế bào có nhân nhỏ trong số các tế bào sừng bong ra khỏi niêm mạc miệng. Các chất nghiền ra từ trái cau kích thích sự tổng hợp collagen và đây chính là điều có thể giải thích cho tổn thương xơ hoá dưới niêm mạc của những người ăn trầu lâu năm.

Ngoài các yếu tố nguy cơ như hút thuốc uống rượu ăn trầu, nhiều công trình nghiên cứu còn đề cập đến một số yếu tố khác có liên quan đến tổn thương tiền ung thưung thư miệng: chế độ ăn uống nhiễm nấm nhiễm virut, tình trạng vệ sinh răng miệng.

Môi và má là hai vị trí thường thấy nhất và cũng là vị trí thoái hoá của ung thư sau này ở người phụ nữ Việt Nam ăn trầu. Đây là một đặc điểm khác với phương Tây, do môi và má là hai nơi thường xuyên tiếp xúc với miếng trầu ăn trong miệng. Phần lớn, các bà cao tuổi ăn trầu lâu năm đều có hiện tượng lưỡi teo nhỏ, khó cử động, há miệng bị hạn chế do miệng bị túm nhỏ lại, sờ nắn có cảm giác niêm mạc bị xơ chai có thể do xơ hoá dưới niêm mạc hay do quá trình lão hoá của niêm mạc.

Có nên ăn trầu hay không?

Ăn trầu là một thói quen văn hóa, tập tục của từng dân tộc. Thói quen này có nên duy trì hay không điều này còn tùy thuộc vào từng dân tộc, địa phương. Tuy nhiên đứng về phương diện y học, dựa trên các nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới, khuyến cáo chúng ta không nên  duy trì thói quen này.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật