Cần hạn chế lạm dụng bột nêm có thể gây suy tim, suy thận

Bột nêm, mì chính đang được nhiều người lạm dụng để tạo cho thức ăn có vị ngọt. Tuy nhiên, chính những loại gia vị này gây suy thận, cao huyết áp…

Gây nhiều bệnh mãn tính

ThS. Đào Thanh Nga, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E cho biết, mì chính và đặc biệt là bột nêm đang được quảng cáo làm từ thịt thăn, nước hầm xương tạo cho thức ăn có vị ngọt và làm dịu bớt vị mặn của muối, mắm. Điều này rất nguy hại cho sức khoẻ bởi trong mì chính, bột nêm đều chứa glutamate Chất này khi vào cơ thể phân ly thành natri clorua (giống như trong muối ăn). Bình thường natri có trong thức ăn (thịt, cá, sữa…) đủ cho cơ thể hấp thu.

Khi chúng ta bổ sung mì chính, bột nêm vào thức ăn cho ngọt, ăn ngon miệng mà không thấy mặn nhưng thực tế là chúng ta đang tăng nhiều muối cho cơ thể. Muối được hấp thu qua ống thận vào máu. Bình thường, ở người tuổi dưới 50, khoẻ mạnh, cơ thể có thể đào thải được. Nhưng nếu ăn nhiều muối, khi đó hàm lượng natri trong máu sẽ gia tăng và thận phải làm việc ‘quá công suất’ mới lọc máu được.

Khi lượng natri trong máu cao, thận không thể phát huy tối đa khả năng làm việc (nhất là sau 50 tuổi) sẽ gia tăng áp lực thẩm thấu trong lòng mạch. Hậu quả là nước sẽ di chuyển bên trong lòng mạch theo áp lực thẩm thấu gây tăng thể tích máu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp và gánh nặng cho hoạt động tim mạch. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến suy tim suy thận

Để phòng ngừa các bệnh mạn tính nêu trên thì một người chỉ nên tiêu thụ 4 - 6g muối/ngày, với người tăng huyết áp thì chỉ nên dùng 2 - 4g/ngày. Trẻ em người già người bị suy thậnphụ nữ mang thai nên dùng ở tỷ lệ thấp hơn. Tốt nhất là nên dùng nước hầm xương, nước hầm củ quả để thay cho mì chính, bột nêm…

Gây tổn thương não

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, giám đốc Viện tim mạch Hà Nội có nhiều dạng khác nhau của muối mà người tiêu dùng không biết như natri bicarbonete (bột nở), bột nêm, mì chính… gây hại đến sức khoẻ. Khoảng 15 - 25% những người sau khi ăn thức ăn có chứa mì chính, bột ngọt có các triệu chứng khó chịu, gọi là ‘hội chứng nhà hàng Trung Hoa’ như hồi hộp, đổ mồ hôi chóng mặt đau đầu khô miệng tê lưỡi… Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng, amino axit chứa trong mì chính, bột nêm là glutamate có thể gây nguy hiểm cho não bộ khi hấp thu quá nhiều.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học & Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, các kết quả thực nghiệm cho thấy, mì chính chỉ độc khi ăn với số lượng lớn. Cụ thể, khi thí nghiệm trên chuột, nếu con nào được dùng liều mì chính gấp nhiều lần trọng lượng, vào cùng một thời điểm thì mới nguy hiểm. Nhưng thực tế, với con người, không ai tự dưng ăn sống, ăn vã mì chính với lượng gấp nhiều lần trọng lượng cơ thể mình.

Để mì chính gây ảnh hưởng đến sức khoẻ thì lượng đưa vào phải chiếm 10 - 20% trọng lượng khẩu phần ăn, liên tục trong 6 tháng, nếu dùng ít hơn sẽ không có vấn đề gì. Hiện một bộ phận nhỏ người dân có kích ứng khi sử dụng mì chính (như đau đầu chóng mặt…), vì vậy cần tránh sử dụng.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh lưu ý người sử dụng là không nên nhầm bột nêm với các chế phẩm dinh dưỡng Tức là, bột nêm không phải là sản phẩm chứa nhiều dinh dưỡng từ thịt, từ xương… Nó không thay thế được thịt mà đơn thuần chỉ là gia vị nêm nếm vào thức ăn để tạo độ ngon, ngọt, vị hơi mặn.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật