Điều trị bệnh thương hàn bằng các bài thuốc đông y hiệu quả

Bệnh thương hàn (gồm thương hàn và phó thương hàn) là một bệnh truyền nhiễm, lây lan, tán phát hay gây thành dịch; do trực khuẩn thương hàn Salmonella typhi và trực khuẩn phó thương hàn Salmonella paratyphi A, B, C gây nên. Trực khuẩn thương hàn lây từ người này qua người khác, do tay bị bẩn, nước hồ, ao, sông có phân của người bệnh; quần áo, chăn, giường nhiễm khuẩn; ăn sò huyết chưa chín. Trực khuẩn khi vào cơ thể theo đường tiêu hóa vào hạch bạch huyết từ đó xâm nhập vào máu đi toàn thân. Bệnh thường xuất hiện vào mùa thu, đông. Đặc biệt vùng lụt lội là yếu tố thuận lợi để bệnh bùng phát.

Thời kỳ ủ bệnh: Từ khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể đến khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng đầu tiên (từ 10-15 ngày) là thời kỳ ủ bệnh.

Thời kỳ khởi phát: Độ 7 ngày. Sốt tăng dần, mạch chậm so với nhiệt độ nên mạch và nhiệt độ phân ly, mạch thường chậm hơn. Người mệt nhọc nhức đầu mất ngủ có khi đổ máu cam Bệnh nhân không muốn ăn, đi ngoài táo, lưỡi khô trắng, mặt lưỡi rạn nứt. Bệnh đang ở biểu.

Phép điều trị: Giải biểu, tiêu thực.

Bài thuốc: Kinh giới 8g, lá tre 8g, lá bạc hà 8g, củ sắn dây 12g, củ sả 8g quế chi 6g hạt cau khô 8g. Nước 600ml, sắc còn 200ml. Uống lúc đói, ngày 1 thang.

Thời kỳ toàn phát: Khoảng 2 tuần. Bệnh nhân mệt lả và mê sảng hai tay sờ soạng như bắt chuồn chuồn, đại tiện không tự chủ. Bụng trướng, tháo dạ đau ở hố chậu phải, sờ bụng vùng hố chậu và ấn vào có tiếng ọc ạch, lách sưng tim đập mờ và yếu. Phát ban vài nốt ở vùng ngang bụng. Lưỡi khô và đỏ như da lợn quay, môi khô nứt nẻ. Trường hợp bệnh nặng: lưỡi, môi, lợi và răng đều đau Thời kỳ này là bệnh ở kinh dương minh chuyển vào 3 kinh âm.

Phép trị: Thanh nhiệt, giải độc, khai khiếu, tư âm.

Bài thuốc: Cỏ seo gà 8g câu đằng 12g thạch cao 20g, nghệ 8, lá đại thanh (bọ may) 12g, rễ lau 12g, sinh địa 16g rau má 16g, mạch môn 16g, mộc thông 12g. Nước 600ml, sắc còn 200ml. Uống 1 lần, ngày 1 thang.

Thời kỳ lui bệnh: Sốt bớt dần hoặc dao động rồi trở về nhiệt độ bình thường. Các triệu chứng lui dần, bệnh nhân tỉnh táo hơn, đi tiêu nhiều, lưỡi sạch.

Phép trị: Bổ tỳ, tư âm.

Bài thuốc: Bố chính sâm 20g, rễ vú bò 12g hà thủ ô 16g, thạch hộc 8g, sinh địa 16g, biển đậu 8g hoài sơn 12g, mạch môn 12g ý dĩ 12g, trần bì 6g đậu đỏ 12g. Nước 600ml, sắc còn 200ml, uống 1 lần, ngày 1 thang.

Biến chứng: Các biến chứng của bệnh thương hàn có thể xảy ra ở tất cả các mô cơ thể và tất cả các triệu chứng bình thường có thể tiến triển nặng lên, ngang hàng như biến chứng. Thường gặp các biến chứng sau:

Chảy máu ruột: Biến chứng này phần nhiều phát sinh vào tuần thứ 3 sau thời kỳ phát bệnh. Khi bị chảy máu ruột có các triệu chứng thiếu máu cấp tính, phân màu đen. Có thể dùng bài thuốc cầm máu sau:

Lá trắc bá (đốt than) 12g, quả dành dành (đốt than) 12g hoa hòe (đốt than) 12g kim ngân hoa (đốt than) 12g, rễ cỏ tranh 16g a giao 8g ngó sen vắt lấy nước. 5 vị đầu, cho vào ấm, đổ 400ml nước, sắc còn 200ml, bỏ bã, cho a giao vào, quấy và đun cho tan mới đổ nước ngó sen vào hòa đều, để nguội, chia 3 lần uống trong ngày. Nếu máu chảy không cầm được nên kết hợp Tây y để điều trị.

Thủng ruột: thường phát sinh vào tuần thứ 3, thứ 4. Biến chứng này rất nguy hiểm, dễ tử vong do viêm phúc mạc cần phải được phẫu thuật sớm.

Trụy tim mạch: Thường phát sinh vào tuần thứ 3, thứ 4, do nội độc tố của vi khuẩn tiết ra nhiều. Triệu chứng xuất hiện đột ngột. Huyết áp không đo được, nhiệt độ hạ xuống 36o hay thấp hơn nữa. Mạch không bắt được tim đập nhanh tới 140-150 lần trong 1 phút. Bệnh nhân da tím, vã mồ hôi lả đi. Các chi lạnh và mặt hóp lại. Đông y gọi là chứng vong dương.

Tình trạng rất nguy kịch và tử vong sau vài giờ. Người bệnh cần được cấp cứu bằng thuốc Tây y hoặc thuốc Đông y như bài Phụ tử lý trung thang hoặc Tứ nghịch thang, hoặc Bạch thông thang.

Phụ tử lý trung thang: phụ tử chế 8g, gừng khô 6g, cao ly sâm 12g cam thảo 4g bạch truật 8g. Nước 400ml, sắc còn 200ml. Chia 2 lần uống trong ngày; mỗi ngày 1 thang.

Tứ nghịch thang: Phụ tử chế 12g, cam thảo 6g, gừng khô 8g. Nước 300ml, sắc còn 150ml, chia 2 lần uống ấm trong ngày.

Bạch thông thang: Củ hành tươi 8g, gừng khô 8g, phụ tử chế 12g, sắc uống như bài 2 ở trên.

Các biện pháp vệ sinh và phòng bệnh: Trong ăn uống cần cung cấp cho người bệnh đầy đủ calo nước; tránh các thức ăn bột, gây ứ đọng và lên men ở đại tràng Khi đang sốt: ăn lỏng (sữa, nước súp, nước quả); khi hết sốt: ăn nửa lỏng, nửa đặc (cháo thịt, mì, cơm nát) trong 7 ngày. Sau đó ăn chế độ bình thường.

Cách ly người bệnh. Đồ dùng, bát đĩa riêng, bô riêng. Khử khuẩn nơi người bệnh nằm, đặc biệt chú ý các chất thải của bệnh nhân như phân nước tiểu

Phòng bệnh: Gồm tiêm chủng phối hợp với các biện pháp vệ sinh cá nhân và phòng bệnh chung như kiểm tra vệ sinh thực phẩm nước, rác, diệt muỗi. Giáo dục và đẩy mạnh tập quán vệ sinh thường xuyên, nhất là vệ sinh ăn uống.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật