Thuốc và chức năng sinh dục có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vợ chồng

Tác động của thuốc đối với chức năng sinh dục của con người tăng lên theo tuổi, điều này xuất phát từ 3 lý do sau: tuổi thọ trung bình của loài người đang được tăng lên đáng kể, từ 40 tuổi những năm 1920 lên xấp xỉ 80 tuổi hiện nay, điều này có nghĩa là hoạt động tình dục phải trải ra trên một quãng đời dài hơn;

Những người già thường phải dùng nhiều loại thuốc, mặc dù họ chỉ chiếm 12% dân số trái đất nhưng lại tiêu thụ tới 31% tổng lượng thuốc; Mọi tác dụng phụ của thuốc, trong đó có các tác dụng trên chức năng sinh dục đều tăng lên song song với số lượng thuốc được dùng.

Hoạt động sinh dục ở con người đặc biệt phức tạp và được điều khiển bởi nhiều yếu tố, bao gồm các hormon nội tiết hệ thống thần kinh trung ương, ngoại vi và hệ thống mạch máu Hệ nội tiết chịu trách nhiệm điều chỉnh ham muốn tình dục chủ yếu thông qua vai trò của testosterone.

Mặc dù testosterone ít có vai trò đối với chức năng cương, nhưng cả chức năng này và ham muốn tình dục đều có thể bị ảnh hưởng bởi chất đối kháng testosterone.  

Hệ thần kinh trung ương điều khiển chức năng sinh dục bằng cơ chế kích thích trong hệ limbic, một số loại thuốc có thể kích thích hoặc ức chế hệ limbic và có thể phụ thuộc liều hệ thần kinh ngoại vi giúp tiếp nhận và dẫn truyền các thông tin cảm giác thông qua hệ thống thần kinh tự động, các thuốc làm cản trở quá trình tiếp nhận đầu vào này đều gây ảnh hưởng đến chức năng sinh dục.   Ngoài hệ thần kinh nội tiết, hoạt động của hệ mạch máu cũng có tác động lớn đối với chức năng sinh dục, bằng chứng là việc điều trị tăng huyết áp có thể dẫn đến bất lực do giảm tưới máu đến mô cương. Cho đến nay, đã có hơn 100 loại thuốc hoặc nhóm thuốc khác nhau được ghi nhận có liên quan đến các rối loạn chức năng sinh dục.   Các thuốc chống trầm cảm:

trong các thuốc này, nhóm ức chế men monamine oxidase có liên quan rõ rệt nhất với các rối loạn chức năng sinh dục, nguyên nhân được cho là do cả tác dụng cường serotonergic và kháng cholinergic. Nhóm ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc chủ yếu gây rối loạn chức năng phóng tinh ở nam giới, tỷ lệ gặp là 20 - 75% với fluoxetine, 20 - 67% với sertraline và 20 - 30% với paroxetine. Nói chung, các thuốc này ít có tác dụng phụ trên chức năng cương. Lithium carbonate có thể gây rối loạn chức năng cương ở 5 - 50% số người sử dụng, đặc biệt khi dùng phối hợp với nhóm thuốc benzodiazepine.

Các thuốc an thần: giảm ham muốn tình dục là tác dụng phụ thường gặp nhất với nhóm thuốc này, tỷ lệ có thể lên tới 25%. Cơ chế được cho là do tác dụng tăng prolactin trong máu gây đối kháng testosterone Thioridazine và fluphenazine là những tác nhân thường gặp nhất gây giảm ham muốn tình dục Rối loạn chức năng cương và phóng tinh được ghi nhận với chlorpromazine, thioridazine, fluphenazine và trifluoperazine, với tỷ lệ gặp là 23 - 57%. Chứng cương dương vật cũng gặp với hầu hết các thuốc an thần kể cả haloperidol.

Các thuốc hạ áp và tim mạch: phần lớn các thuốc trong nhóm này đều ít nhiều có liên quan với những rối loạn chức năng sinh dục. Nhóm hủy giao cảm trung tâm gây ra loại tác dụng phụ này trong khoảng 20-30% số người sử dụng, gặp nhiều nhất là với α-methyldopa, clonidine, guanabenz và guanfacine. Nhóm các tác nhân hủy giao cảm ngoại biên như reserpine và guanethidine cũng thường xuyên có liên quan với các vấn đề về sinh dục, tuy nhiên hiện nay các thuốc này rất ít được sử dụng.

Nhóm chẹn bêta giao cảm cũng gây ra các rối loạn chức năng sinh dục do tác dụng trên hệ thần kinh giao cảm và hệ mạch máu, tuy nhiên mức độ tác động phụ thuộc vào liều dùng. Ví dụ, bất lực thường gặp với propranolol được dùng ở liều >160mg/ngày, giảm ham muốn và rối loạn phóng tinh cũng thường xảy ra ở liều >320mg/ ngày. Nói chung, ở liều thấp các thuốc trong nhóm này ít có liên quan với các rối loạn về sinh dục.

Với nhóm các thuốc chẹn α giao cảm, các rối loạn sinh dục không đặc hiệu được ghi nhận ở khoảng 9% các trường hợp. Một số ca bất lực và cương dương vật được ghi nhận với prazosin và terazosin. Digoxin có thể gây giảm nồng độ testosterone và tăng nồng độ estrogen nên có thể gây rối loạn chức năng cương và chứng vú to ở khoảng 35% số nam giới dùng thuốc cơ chế chủ yếu là do cấu trúc giống hormon của thuốc.

Một số tác nhân hạ mỡ máu thuộc cả nhóm statins và fibrate đều được ghi nhận có thể gây ra tình trạng bất lực, rối loạn chức năng cương và giảm ham muốn, đặc biệt là với các thuốc cũ. Tác dụng phụ sinh dục với các nhóm thuốc khác như lợi tiểu, ức chế men chuyển, chẹn canxi giãn mạch… ít được ghi nhận trong thực tế.

Các thuốc đường tiêu hóa: các thuốc ức chế dịch vị như cimetidine, ranitidine, famotidine và omeprazole đều có liên quan với các rối loạn chức năng sinh dục, bao gồm bất lực và đau khi xuất tinh Metoclopramide gây giảm hứng thú và giảm cương ở nam giới, cơ chế có thể do thuốc này làm tăng nồng độ prolactin trong máu.

Các thuốc chống co giật: hầu hết các thuốc chống co giật như carbamazepine, phenytoin phenobarbital và primidone đều làm tăng chuyển hóa androgen, dẫn đến các rối loạn chức năng sinh dục.

Rượu bia: làm tăng ham muốn tình dục ở nồng độ thấp nhưng giảm hứng thú ở nồng độ cao. Nghiện rượu mạn tính gây bất lực ở 8 - 54% các trường hợp.

Á phiện: gây giảm hứng thú và bất lực ở nam giới cơ chế có thể liên quan đến sự thay đổi nồng độ testosterone.

Hóa trị liệu chống ung thư: một số loại hóa trị liệu chống ung thư đặc biệt là methotrexate được ghi nhận gây ra các rối loạn chức năng sinh dục. Cơ chế được cho là do các thuốc này gây ức chế các tuyến sinh dục.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật