Thận trọng khi sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc trên cơ thể

Tương tác thuốc làm thay đổi tác dụng của thuốc trên cơ thể, có thể làm giảm hay tăng hiệu lực của thuốc và gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

Tương tác thuốc

Thuốc có thành phần chính là các chất hóa học. Vì vậy, khi sử dụng hai hay nhiều loại thuốc cùng lúc với nhau, dễ xảy ra nguy cơ phản ứng qua lại giữa các thuốc với nhau được gọi là tương tác thuốc.

Ngoài ra, tương tác thuốc còn xảy ra giữa thuốc với thực phẩm hoặc giữa thuốc với tình trạng bệnh lý của người uống thuốc

Tương tác thuốc làm thay đổi tác dụng của thuốc trên cơ thể, có thể làm giảm hay tăng hiệu lực của thuốc và gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

Tương tác thuốc có thể xảy ra với hầu hết các loại thuốc: thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, cũng như với thảo dượcthực phẩm chức năng

Tương tác thuốc được chia làm 3 nhóm chính sau đây:

Tương tác giữa thuốc với thuốc: tương tác giữa hai loại thuốc với nhau.

Tương tác giữa thuốc với thực phẩm: tương tác giữa thuốc với loại thức ăn đồ uống mà người bệnh sử dụng.

Tương tác giữa thuốc với tình trạng bệnh lý: một số loại thuốc tương tác với tình trạng bệnh lý hiện có của người bệnh.

Thận trọng với tương tác thuốc

Thận trọng với tương tác giữa thuốc với thuốc:

- Tránh kết hợp các thuốc cùng một nhóm thuốc hay những thuốc có tác dụng phụ giống nhau, vì sẽ làm gia tăng tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn.

- Tránh kết hợp thuốc aspirin với thuốc kháng viêm NSAID hay giữa hai thuốc kháng viêm NSAID với nhau, vì sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất huyết đường tiêu hóa

- Tránh kết hợp thuốc an thần với thuốc kháng histamin thế hệ cũ (chlorpheniramin, dexchlopheniramin…), vì làm gia tăng tác dụng phụ buồn ngủ rất nguy hiểm cho người lái xe, vận hành máy móc…

- Tránh kết hợp thuốc aspirin với thuốc chống kết tập tiểu cầu clopidogrel, sẽ gia tăng nguy cơ xuất huyết.

Thận trọng với tương tác giữa thuốc với thực phẩm:

Khi sử dụng thuốc đồng thời với một số loại thực phẩm (thức ăn, đồ uống) sẽ xảy ra các tương tác không mong muốn:

- Tránh uống sữa hay dùng các thực phẩm giàu canxi khi uống thuốc kháng sinh tetracyclin, vì ngăn cản sự hấp thu tetracyclin vào cơ thể.

- Các loại rau xanh chứa nhiều vitamin K (bông cải, rau diếp…) cần tránh sử dụng đồng thời với các thuốc chống đông máu như: dicoumarol, warfarin… do gây ra tương tác làm mất đi hoạt tính của thuốc.

- Nước ép bưởi khi dùng chung với nhóm thuốc statin (simvastatin, atorvastatin…) sẽ ức chế các enzym chuyển hóa thuốc ở gan làm tăng thời gian lưu trú thuốc trong máu, gây độc tính cho cơ thể.

- Tránh uống các thuốc an thần, chống trầm cảm… với rượu bia do gây ra những tác hại ở não.

Thận trọng với tương tác giữa thuốc với tình trạng bệnh lý:

Một số loại thuốc khi sử dụng cho những người có bệnh lý như: cao huyết áp phì đại tiền liệt tuyến hen phế quản… sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng:

- Tránh sử dụng các thuốc chống sung huyết trị nghẹt mũi (pseudoephedrin, phenylephrin…) cho người cao huyết áp vì các thuốc này gây co mạch làm gia tăng huyết áp

- Tránh sử dụng thuốc aspirin thuốc kháng viêm NSAID cho người hen phế quản vì các thuốc này làm bộc phát cơn hen rất nguy hiểm.

- Tránh sử dụng thuốc kháng histamin cho người phì đại tiền liệt tuyến, vì các thuốc này gây ra nguy cơ bí tiểu

Để tránh các tác hại mà tương tác thuốc có thể gây ra như: làm tăng hay giảm hiệu lực của thuốc, gia tăng các tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn…, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết tình trạng bệnh lý hiện có, các thuốc đã sử dụng trước đây, và khi mua thuốc tại các nhà thuốc nên được sự tư vấn của dược sĩ trước khi sử dụng.

 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật