Bệnh khớp lúc giao mùa nghiêm trọng như thế nào? Cách phòng chống?

Thời tiết chuyển mùa là điều kiện để các bệnh xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp trở nên nghiêm trọng hơn. Thoái hóa khớp gây cản trở khả năng đi lại và làm xuất hiện những cơn đau dai dẳng tại các khớp xương, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người bệnh. Bệnh có xu hướng gia tăng và trẻ hóa trong những năm gần đây.

Các thể bệnh thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp có thể nguyên phát hoặc thứ phát.

Thoái hóa khớp nguyên phát do lão hóa của mô khớp, hoặc do sụn khớp được tưới máu và nuôi dưỡng kém… dẫn đến mất tính đàn hồi và khô cứng. Khi hoạt động, sụn chạm vào đầu xương, gây hoại tử ở nơi chịu áp lực mạnh nhất. Bệnh này chỉ gặp ở người trên 40 tuổi.

Thoái hóa khớp thứ phát thường do sự lão hóa sớm của sụn khớp, xuất hiện sau chấn thương làm tổn thương diện khớp, hoặc từ những chấn thương nhỏ nhưng tác động nhiều lần, khớp hoạt động quá tải; do di chứng của viêm khớp nhiễm khuẩn viêm đa khớp dạng thấp…

Những người béo phì cũng thường mắc chứng thoái hóa khớp do quá nặng cân, các khớp luôn trong tình trạng bị sức ép lớn. Những thể thứ phát này thường trầm trọng hơn những thể nguyên phát. Ngoài ra, những yếu tố về thời tiết, khí hậu… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh xuất hiện.

Tổn thương ở khớp bắt đầu từ những hoại tử của sụn khớp, sau đó là sự phá hủy hệ thống trượt ở những vùng tỳ đè của xương dưới dạng một dải xơ và đường viền xung quanh khớp, các gai xương ở ngoại vi khớp. Bao hoạt dịch dày lên, hình thành những đường vân, có thể sụn hóa. Sụn hóa của bao hoạt dịch rơi vào ổ khớp gây cản trở cho hoạt động của khớp. Các cơ co kéo gây nên tình trạng cứng khớp.

Triệu chứng âm thầm

Bệnh thoái hóa khớp nguyên phát hay gặp ở người 40 - 50 tuổi, và ở phụ nữ sau khi mãn kinh, nhưng hiện nay bệnh có xu hướng trẻ hóa. Nhiều người chỉ 30 - 35 tuổi đã mắc bệnh. Điều nguy hiểm là thoái hóa khớp hầu như không có triệu chứng. Các dấu hiệu chỉ xuất hiện khi xương và hệ thống bao khớp hoạt dịch bị tổn thương thực sự. Bệnh thường khởi đầu âm ỉ, tiến triển chậm với những giai đoạn được cải thiện theo cảm nhận chủ quan. Thể điển hình, người bệnh đau khớp vào buổi sáng, sau khi ngủ dậy; đau giảm sau khi khớp được hoạt động và hết đau khi nghỉ ngơi. Khớp không sưng và không có các dấu hiệu toàn thân.

Khi có dấu hiệu đau nhức xương khớp người bệnh cần sớm đến bệnh viện có chuyên khoa xương khớp để được thăm khám và điều trị phù hợp.

Chẩn đoán thoái hóa khớp dựa vào những yếu tố, như: Đau khớp tăng khi hoạt động và giảm khi nghỉ ngơi; không có triệu chứng toàn thân như sốt…; những dấu hiệu viêm tại chỗ rất ít hoặc không có; dịch ổ khớp không có biểu hiện viêm, không có mủ; chụp Xquang thấy hẹp khớp, ăn mòn diện khớp…

Cần lưu ý phân biệt thoái hóa khớp với viêm đa khớp dạng thấp: viêm khớp tại chỗ rất rõ (sưng, nóng đỏ, đau), dịch ở khớp biểu hiện viêm; tốc độ lắng máu tăng…

Điều trị thế nào?

Cho tới nay vẫn chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp. Điều trị chủ yếu nhằm mục đích giảm đau, duy trì vận động khớp và làm chậm tiến triển của bệnh. Các phương thức điều trị bao gồm nội khoa (dùng thuốc, không dùng thuốc) và ngoại khoa (phục hồi và thay khớp). Lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp cần dựa trên hoàn cảnh cụ thể của từng bệnh nhân như tuổi, cân nặng, mức độ thoái hóa cũng như các bệnh kèm theo.

Điều trị nội khoa: Ở giai đoạn đau khớp, người bệnh cần phải nghỉ ngơi, tránh tất cả những hoạt động gây đau. Dùng vật lý trị liệu để làm tăng tưới máu tại chỗ cho khớp.

Trong giai đoạn đau khớp cấp, bất động khớp, thậm chí bó bột là điều rất cần thiết (chỉ nên bất động trong thời gian ngắn để tránh cứng khớp). Ngay sau khi hết đau cấp, phải tập vận động khớp nhẹ nhàng, phù hợp.

Để dự phòng những tư thế xấu (khớp gối vẹo vào trong hoặc quay ra ngoài), hoặc để giảm đau có thể sử dụng các loại: Băng, nịt, nẹp, khung đỡ,… hay đơn giản như là một chiếc gậy, một chiếc nạng nếu bị hư khớp chi dưới. Sử dụng thuốc những thuốc cơ bản là thuốc chống viêm giảm đau như aspirinthuốc không có steroid (ibuprofen diclofenac indometacin…). Những thuốc an thần đặc biệt nhóm diazepam có thể sử dụng trong trường hợp đau do co cơ hoặc người bệnh quá lo lắng, nhưng không được dùng dài ngày vì dễ gây nghiện.

Điều trị ngoại khoa: Có ba loại phẫu thuật được áp dụng: Đó là phẫu thuật dự phòng nhằm lập lại tình trạng bình thường các khớp có nguy cơ bị thoái hóa như trật khớp háng bẩm sinh, tiêu chỏm xương, nhuyễn sụn xương bánh chè, lệch trục đầu gối...; phẫu thuật bảo tồn khi khớp chưa bị hư hỏng nặng, có thể sửa chữa đưa về điều kiện cơ học của chức năng bình thường; và phẫu thuật thay thế trong trường hợp khớp quá hư hỏng, không thể phục hồi được, có thể thay thế từng phần, thậm chí toàn bộ khớp bằng khớp nhân tạo.

Bác sĩ Phạm Thục Lan

Phòng bệnh thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là một quá trình bệnh khó tránh khỏi ở người lớn tuổi, nhưng không phải ai cũng mắc bệnh ở tuổi già. Do vậy phòng bệnh đóng vai trò rất quan trọng vì có thể ngăn ngừa và hạn chế các yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa, làm quá trình này xảy ra chậm hơn, muộn hơn và nhẹ hơn.

Phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp có thể tập trung vào việc giảm các yếu tố nguy cơ:

- Điều chỉnh cân nặng ở trọng lượng lý tưởng, tránh thừa cân béo phì

- Tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động hàng ngày như động tác gập gối, ngồi xổm, leo trèo, đứng nhiều, lắc tay, bảo đảm vệ sinh và an toàn lao động để giảm các lực tỳ đè bất hợp lý lên sụn khớp.

- Cố gắng tập thể dục hàng ngày và giữa các giờ lao động. Khi có tuổi, cần duy trì chế độ tập thể dục đều đặn, vừa sức, tốt nhất là đi xe đạp, đi bộ, bơi lội và tập dưỡng sinh

- Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột, tránh sai tư thế khi mang vác nặng.

- Phát hiện và điều trị sớm các dị tật, các di chứng của chấn thương các bệnh lý tại khớp và cột sống

- Bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối. Đặc biệt bổ sung canxi vitamin D và vitamin C vào khẩu phần ăn hàng ngày của người có tuổi.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật