Đau mắt đỏ, những điều cần biết và cách chữa trị hiệu quả

Đau mắt đỏ (viêm kết giác mạc dịch) là hình thái viêm kết mạc phổ biến nhất, do một loại virut thuộc họ adeno gây ra thành những vụ dịch nhỏ trong cộng đồng dân cư, nhất là vào mùa hè ở nước ta.

Do cấu tạo vỏ dai chắc của virus adeno đã giúp chúng đề kháng tốt với môi trường có pH cực đoan, khả năng sống sót cao ngoài môi trường trên bề mặt mà chúng bám vào. Dịch đau mắt đỏ dễ bùng nổ do lây nhiễm chéo liên tục trong các cộng đồng dân cư tập trung cao như trường học, ký túc xá, trại dưỡng lão... Mùa hè ở nước ta do thời tiết mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho adenovirus lan tràn trong cộng đồng, khiến bệnh lây lan và bùng phát thành dịch.

Cho đến hiện tại vẫn không có thuốc đặc trị, làm rút ngắn thời gian hay giảm tiến triển của bệnh này. Do vậy, chiến lược phòng bệnh vẫn là tối quan trọng để giảm lây nhiễm bệnh giảm gánh nặng cho y tế công cộng.

Cách nhận biết

Ở giai đoạn tiền triệu đau mắt đỏ biểu hiện như bị nhiễm cúm bao gồm sốt mệt mỏi đau cơ Sau đó các triệu chứng tại mắt nhanh chóng xuất hiện như: Đỏ mắt, phù mi, chảy nước mắt, cảm giác có cát trong mắt, cộm ngứa và sợ ánh sáng. Ban đầu bệnh thường xuất hiện ở một mắt nhưng có tới 70% sẽ bị cả hai mắt ngay trong tuần đầu tiên của bệnh, do lây theo con đường tay-mắt. Đau mắt đỏ thường khỏi sau 2-3 tuần, khả năng lây mạnh mẽ nhất từ ngày 10-14 

Ngay từ lần nhiễm virus đầu tiên bệnh nhân có thể bị giả mạc hay biến chứng vào giác mạc (lòng đen). Các thẩm lậu dưới biểu mô chính là tập hợp của bạch cầu và lắng đọng collagen có thể xuất hiện từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 sau khi bị bệnh, có tới 50% vẫn còn tồn tại trong những tháng sau này, thậm chí tới 1 năm. Các tổn thương dưới biểu mô là nguyên nhân gây giảm thị lực và loạn thị không đều cần được chăm sóc và điều trị tiếp. Do vậy chẩn đoán sớm, kiểm soát viêm nhiễm tốt là nhân tố tối quan trọng để hạn chế các biến chứng tiềm tàng có thể gây tổn hại cho thị lực của bệnh nhân.

Chẩn đoán có khó?

Việc chẩn đoán hiện nay chủ yếu dựa vào lâm sàng. Có tới 62-75% các viêm kết mạc nhiễm trùng là do adeno virus gây ra, cần nhanh chóng chẩn đoán và dự phòng lây nhiễm. Cũng có những test chẩn đoán nhanh viêm kết mạc do adeno virus bằng bộ công cụ Adeno Plus (Rapid Pathogen Screening), ứng dụng kỹ thuật phản ứng miễn dịch với độ nhạy là 88% và độ đặc hiệu là 91%. Tuy nhiên công cụ trên không phổ biến trên toàn cầu một phần vì chẩn đoán lâm sàng cũng đã đủ độ tin cậy cần thiết. Hơn nữa tuy không đủ tính cảnh báo cần thiết về khía cạnh kinh tế-xã hội, tác động lên y tế công cộng đau mắt đỏ vẫn có thể gây nên giảm năng suất lao động, tiềm tàng các nguy cơ mù lòa cho mắt. Không nhận biết dịch sớm, nghiên cứu không liên tục về chiến lược phòng ngừa và chẩn đoán có thể là những nguyên nhân làm bệnh lan tràn ngay trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Điều trị đúng cách

Hiệu quả của corticosteroids

Trong quá khứ, các loại thuốc tra nhỏ có chứa corticosteroids như prednisolone rất hay được kê đơn để giảm nhẹ các triệu chứng của viêm nhiễm trong đau mắt đỏ Nghiên cứu trên động vật thấy các steroids có tác dụng làm giảm viêm trong giai đoạn cấp, dường như giảm các đốm thẩm lậu dưới biểu mô. Tuy nhiên chúng lại tăng nguy cơ nhân đôi của virus, kéo dài thời gian bị bệnh trung bình của bệnh sang quá mốc 10-14 ngày.  Viêm nhiễm kéo dài sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ với cộng đồng, cơ quan, trường học. Bởi những lý do đó, điều trị phổ biến bằng corticosteroid không được khuyến cáo cho đau mắt đỏ Bác sĩ khi muốn kê thuốc này cho các hình thái đau mắt đỏ nặng cần cân nhắc rất cẩn thận nguy cơ và lợi ích.

Nhỏ mắt bằng povidone-iodine

Một chiến lược điều trị mới bằng dung dịch sát trùng nhỏ mắt povidone-iodine (betadine, alcon) đã được nhen nhóm. Trên nghiên cứu cho thấy dược thiện này làm bất hoạt virus adeno chỉ sau 1 phút tiếp xúc. Một nghiên cứu khác cho thấy dung dịch 2% của betadine làm tăng thời gian bất hoạt virus, hạn chế sinh sôi đáng kể virus adeno trên bề mặt nhãn cầu.

Nước bể bơi không đạt tiêu chuẩn về khử khuẩn là nguồn gây và lây nhiễm đau mắt đỏ.

Tác dụng phụ hay gặp nhất là cảm giác đau chói khi tra nhỏ vào mắt. Do vậy, chúng ta nên dùng một giọt thuốc tê  tra nhỏ trước khi dùng tiếp betadine trên mắt. Tiếp theo nữa là một giọt nước muối sinh lý sau khi đã nhỏ betadine nhằm làm giảm kích thích và nguy cơ nhiễm độc có thể có. Sau đây là trình tự tra nhỏ betadine:

Nhỏ thuốc gây tê 0,5% proparacaine ophthalmic solution, chờ 30 giây để thuốc có tác dụng.

Nhỏ vài giọt 5% povidone-iodine ophthalmic solution vào cùng đồ dưới.

Cho bệnh nhân nhắm mắt, chớp mắt để thuốc lan tràn vào các bình diện bệnh lý của mắt.

Chấm thuốc còn thừa, rửa nước muối sau 1-2 phút.

Phòng ngừa bệnh là rất quan trọng

Adenovirus có khả năng lây nhiễm cao, lan tràn qua tiếp xúc tay hay diện bề mặt nhiễm bệnh với mắt. Hậu quả là các nơi công cộng, dụng cụ y tế phòng khám mắt đều có thể bị phơi nhiễm virus. Rất nhiều phòng khám đã phải xây dựng chương trình phòng ngừa ban đầu bằng rửa tay, vệ sinh trang thiết bị và dụng cụ y tế bằng lau cồn dùng các dụng cụ loại một lần, cách ly bệnh nhân với người xung quanh. Một trong các chương trình như vậy được tiến hành tại Bệnh viện Johns Hopkins, Hoa Kỳ. Tại đây, họ tập trung các nhân viên y tế có đỏ mắt, qua thời gian bị bệnh có thể quyết định cách ly khỏi phòng bệnh nhân. Thêm nữa, có thể cho người chăm sóc bệnh nhân bị lây nhiễm nghỉ phép 14 ngày khi thấy họ có kết quả dương tính với phản ứng PCR dành cho adeno virus.

Vô khuẩn các bề mặt và dụng cụ: CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật quốc gia Hoa Kỳ) khuyến cáo dùng cồn 80 độ sẽ có tác dụng khử virus adeno trên các bề mặt. Với các loại nhãn áp kế, kết quả tổng kết mới đây cho thấy lau bằng gạc cồn cũng có tác dụng ngang bằng với việc ngâm dụng cụ bằng peroxide hay dùng đầu tip đo nhãn áp 1 lần để giảm khả năng lây nhiễm virus, trong khi vẫn cố gắng tiết kiệm chi phí.

Chiến lược phòng ngừa lan tràn của adenovirus

Các biện pháp sau đây cần được ứng dụng:

Xác  định bệnh nhân nhiễm virus và cách ly họ vào phòng riêng.

Dùng các công cụ chẩn đoán nhanh xác định, lượng hóa và cách ly các đối tượng nhiễm virus adeno trong cộng đồng.

Rửa tay thật sạch sau khi tiếp xúc với bệnh nhân.

Khi không thể thay thế hoàn toàn bằng các dụng cụ loại dùng một lần từ dùng gạc cồn vẫn hữu hiệu để loại trừ virus gây đau mắt đỏ.

Dùng povidone-iodine nhỏ mắt, tránh dùng corticosteroids.

Giáo dục bệnh nhân về giai đoạn cửa sổ, nguy cơ cho gia đình bạn bè nếu họ tiếp xúc.

Lưu ý đau mắt đỏ cho dù là lành tính và tự khỏi nhưng vẫn có nguy cơ tiềm tàng gây biến chứng, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Vì vậy ngăn ngừa bệnh lây lan, quản lý tốt giai đoạn cửa sổ sẽ giúp cho bệnh không thể bùng phát và giảm nhẹ biến chứng.

Ngăn  ngừa bệnh lây lan, quản lý tốt giai đoạn cửa sổ sẽ giúp cho bệnh không thể bùng phát và giảm nhẹ biến chứng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật