Không làm chủ được việc đi tiểu: Người bệnh cần phải nói ra

Tiểu tiện không tự chủ (TTKTC) là tình trạng mất kiểm soát tiểu tiện, nước tiểu thoát ra ngoài không tự chủ, gây phiền hà, khó chịu cho người bệnh về vệ sinh cá nhân, chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng bất lợi trong hoạt động sống.

TTKTC không chỉ gặp ở người cao tuổi mà có thể gặp trong nhiều bệnh lý nhưng cũng có thể là một tình huống thay đổi sinh lý như phụ nữ sinh đẻ nhiều, sau phẫu thuật vùng đái chậu, hội âm, niệu quản cắm lạc chỗ... 

Bàng quang - một cấu trúc đặc biệt

Đường tiết niệu dưới gồm bàng quang và niệu đạo. Bàng quang là một khối cơ rỗng gồm chóp bàng quang và đáy bàng quang. Chóp bàng quang là cơ mu bàng quang, phần mềm mại, di động và giãn nở được. Đáy bàng quang là phần đặc và cố định.

Giữa là cổ bàng quang và chứa hai lỗ niệu quản. Phần giới hạn bởi cổ bàng quang và hai lỗ niệu quản là tam giác bàng quang. Cơ bàng quang là những sợi cơ trơn có tận cùng ở cổ bàng quang và niệu đạo sau.

Các sợi cơ trơn ở cổ bàng quang là cơ thắt trong giữ vai trò đóng mở thụ động cổ bàng quang trong động tác đi tiểu. Thêm đó, cấu trúc ở mỏm tuyến tiền liệt gồm các sợi cơ vân tạo nên cơ thắt ngoài có thể đóng mở theo sự điều khiển của trung tâm cầu não trong thân não, trung tâm thiêng trong đoạn tủy sống S2 - S4 và trung tâm giao cảm ở đoạn tủy lưng - thắt lưng (D10 - L2).

Bàng quang hoạt động gồm 2 giai đoạn: đổ đầy và đi tiểu. Để đảm bảo tự chủ, áp lực trong niệu đạo phải lớn hơn áp lực trong bàng quang và chi phối bởi hệ thần kinh trung ương, tủy sống và giao cảm. TTKTC xuất hiện khi tương quan áp lực thay đổi: áp lực trong bàng quang lớn hơn áp lực trong niệu đạo.

Có mấy loại tiểu tiện không tự chủ?

Các nhà tiết niệu học phân loại TTKTC như sau:

TTKTC ngoài niệu đạo: Đây là loại TTKTC liên tục thường xuyên. Người bệnh không còn cảm giác buồn đi tiểu và không cần một sự cố gắng thể lực vật lý nào để đi tiểu. Loại này gặp trong: rò bàng quang - niệu đạo, rò bàng quang - âm đạo, sau phẫu thuật vùng đái chậu, hội âm, niệu quản cắm lạc chỗ.

TTKTC qua niệu đạo: Loại này rất thường gặp. Bao gồm: TTKTC khi gắng sức, xảy ra khi người bệnh ho ợ hơi thay đổi tư thế. Khi cố gắng thể lực sẽ tăng áp lực trong bụng và tăng áp lực trong bàng quang.

Khi đó áp lực trong bàng quang sẽ lớn hơn áp lực trong niệu đạo. TTKTC này gặp khi yếu hệ thống nâng đỡ. Yếu các cấu trúc cơ, cân cơ và dây chằng có nhiệm vụ nâng đỡ đáy bàng quang và niệu đạo.

Ví dụ cơ nâng hậu môn, cân cơ đái chậu. Khi hệ thống cân cơ này yếu sẽ tạo một vùng thoát vị lỏng lẻo gây sa bàng quang - niệu đạo. Trong thời gian gắng sức thành sau bàng quang di chuyển nhiều hơn thành trước làm cho niệu đạo mở ra có dạng hình phễu và gây nên TTKTC.

Tổn thương thần kinh cũng ảnh hưởng vì gây yếu sàn chậu, khiếm khuyết cơ thắt niệu đạo Phụ nữ sinh đẻ nhiều, sinh đẻ qua đường âm đạo, can thiệp bằng forceps, thời gian chuyển dạ giai đoạn 2 kéo dài, rách tầng sinh môn đẻ con to cũng dễ bị TTKTC.

TTKTC khi gắng sức còn gặp khi khiếm khuyết nội tại cơ thắt. Cơ thắt niệu đạo trở thành ống xơ, cứng, giảm trương lực sau khi bị phẫu thuật vùng chậu, hội âm (tử cung trực tràng tuyến tiền liệt).

TTKTC do bàng quang tăng hoạt, bàng quang co bóp nhiều thoát khỏi sự kiểm soát tự chủ làm tăng áp lực trong lòng bàng quang, khi đó áp lực trong lòng bàng quang lớn hơn áp lực trong niệu đạo. Có 2 loại bàng quang tăng hoạt: bàng quang không ổn định, không có bệnh lý thần kinh kèm theo; bàng quang tăng phản xạ do hậu quả của một số bệnh lý thần kinh.

TTKTC thể hỗn hợp thường gặp nhất.

TTKTC do bàng quang quá đầy: Bàng quang sẽ giãn do ứ đọng nước tiểu tồn dư, về lâu dài sẽ gây thoái hóa các tế bào cơ trơn bàng quang. Hậu quả là các cơ chóp bàng quang sẽ giảm co bóp hoặc trơ ỳ không co bóp được nữa gây nước tiểu tồn dư lớn.

Như vậy trong trường hợp này, bàng quang có dung tích lớn, thành mỏng và tăng tính giãn nở. Ngược lại, với trường hợp bế tắc dưới bàng quang mạn tính, điều trị tia xạ vùng tiểu khung, lao bàng quang có thể làm bàng quang nhỏ, xơ hóa và không co bóp được.

Trong trường hợp này bàng quang có dung tích rất nhỏ, thành dày, xơ hóa và tính giãn nở bị giảm nhiều.

Đừng chần chừ đi khám, khi...

Trong chẩn đoán TTKTC, sự tự nhận biết của người bệnh rất quan trọng. Thường người bệnh giấu, chỉ khi bệnh nặng và biến chứng mới đi khám bệnh.

Khai thác các triệu chứng như són tiểu khi ho; phải thay băng, đồ lót nhiều lần trong ngày; vùng hội âm luôn luôn ẩm ướt ảnh hưởng xấu đến vệ sinh cá nhân. Khám lâm sàng có thể phát hiện: sa sinh dục rò tiết niệu.

Siêu âm tiết niệu để biết dung tích bàng quang và nước tiểu tồn dư. Niệu động học. Cùng một thời điểm đo áp lực trong bàng quang, áp lực trong niệu đạo và lưu lượng nước tiểu. Đây là xét nghiệm khách quan để biết giai đoạn đổ đầy và giai đoạn tống nước tiểu. Làm Q tip test -  kỹ thuật chẩn đoán sâu.

Các phương pháp điều trị TTKTC

Tùy theo giai đoạn và nguyên nhân, điều trị TTKTC bao gồm:

Điều trị bảo tồn: Bằng thuốc: ức chế co bóp cơ trơn bàng quang (imipramin desmopressin acetat, ditropan, genurin). Tập phục hồi chức năng tác động lên cơ đái chậu hoặc châm cứu.

Điều trị phẫu thuật: vòng đai cố định bàng quang; ghép cơ.

Việc phối hợp giữa các thầy thuốc niệu khoa, phụ khoa thận học rất quan trọng trong điều trị TTKTC.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật