Mách bạn một số phương pháp hỗ trợ điều trị đau khớp háng

Có nhiều nguyên nhân gây đau khớp háng và điều trị có thể là phẫu thuật hoặc không phẫu thuật. Tuy nhiên, người bệnh cần tìm hiểu lợi ích đầy đủ cũng như các biến chứng có thể để cùng bác sĩ lựa chọn hướng điều trị.

Một số nguyên nhân thường gặp gây đau khớp háng là: thoái hóa khớp; viêm đa khớp dạng thấp; thoái hóa khớp sau chấn thương; hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi (hoại tử vô mạch); bệnh lý khớp háng ở trẻ em

Các dấu hiệu của khớp háng thường xuất hiện từ từ tăng dần. Ban đầu, dấu hiệu đau khớp có thể xuất hiện thoáng qua rồi biến mất. Đau khớp có thể chỉ xuất hiện khi bạn đi bộ trên một quãng đường dài, khi gấp háng hoặc khi leo cầu thang. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, đau có thể xuất hiện cả khi ngồi, nằm hoặc thậm chí khi ngủ.

Cơn đau có thể kéo dài hơn hoặc đau dai dẳng, thường xuyên khi bệnh đã ở giai đoạn nặng.Thông thường, lúc đầu đau có thể xuất hiện ở háng hoặc vùng trên, sau mông. Đau có thể lan xuống mặt trước đùi, đến đầu gối. Cảm giác khớp háng cứng, chặt.

Người bệnh có cảm giác hơi khó khăn khi làm các động tác như cắt móng chân đi tất, đi giầy hoặc khi mặc quần áo. Khi ngồi ghế, cảm thấy khó khăn khi đứng dậy hoặc khó khăn khi bước lên hoặc xuống xe hơi, lên xuống cầu thang… Khi đi bộ, người bệnh cảm thấy khó bước trong vài bước đầu tiên, thậm chí đi tập tễnh hoặc phải dừng để nghỉ ngơi. Theo thời gian, người bệnh không thể duỗi thẳng gối, chân ngắn hơn chân lành.

Khi người bệnh có những dấu hiệu như đau, cứng khớp háng, khó khăn khi bước đi… thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để bác sĩ tìm nguyên nhân gây đau khớp háng.

Điều trị không phẫu thuật

Thay đổi thói quen sinh hoạt: Đầu tiên, người bệnh cần hạn chế hoặc thay đổi những thói quen sinh hoạt hằng ngày mà có thể làm tổn thương tăng thêm cho khớp háng như không đi bộ quãng đường dài, hạn chế leo trèo cầu thang, hạn chế hoặc dừng chơi các môn thể thao làm tăng sức nặng cho khớp như chơi tennis, cầu lông…

Giảm cân, tập luyện: Khi cân nặng của người bệnh giảm sẽ giúp giảm lực tải tác động lên khớp háng, phần nào giúp người bệnh giảm đau và giảm mức độ tiến triển của bệnh. Một chương trình tập luyện phục hồi chức năng thường xuyên sẽ giúp người bệnh giảm cân duy trì biên độ vận động của khớp, tránh cứng khớp.

Các phương tiện trợ giúp: Một phương tiện trợ giúp hữu hiệu như cây gậy nên luôn ở trong tay người bệnh.

Điều trị bằng phẫu thuật

Bằng các biện pháp điều trị bảo tồn như trên, nếu tình trạng đau không cải thiện, ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe chất lượng cuộc sống thì có chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, bán phần hoặc hàn cứng khớp là những phương pháp điều trị phẫu thuật phổ biến, được chỉ định dựa trên mức độ tổn thương, tuổi người bệnh.

Các biến chứng có thể gặp sau mổ thay khớp háng

Nhiễm khuẩn: nhiễm khuẩn có thể xuất hiện ở bề mặt da (nhiễm khuẩn nông), có thể xuất hiện ở sâu, ở xương, trong khớp (nhiễm khuẩn sâu). Nhiễm khuẩn có thể xảy ra ngay sau mổ hoặc xảy ra sau nhiều năm do vi khuẩn xâm nhập qua đường máu từ một ổ nhiễm khuẩn khác trên cơ thể. Vì vậy, người bệnh có mang khớp nhân tạo nên dùng kháng sinh trước khi làm răng khi có phẫu thuật hoặc có vết thương phần mềm trên cơ thể.Nhiều trường hợp nhiễm khuẩn có thể chỉ cần dùng kháng sinh. Có trường hợp nhiễm khuẩn sâu, cần phải tiến hành phẫu thuật để làm sạch ổ khớp, thậm chí lấy bỏ khớp nhân tạo. Tỉ lệ nhiễm khuẩn sau mổ thay khớp háng chiếm khoảng 1%, trong đó 60% là nhiễm khuẩn nông, 40% là nhiễm khuẩn sâu.

Tắc mạch do cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch): cục máu đông có thể hình thành từ tĩnh mạch sâu của chân hoặc xương chậu sau phẫu thuật. Cục máu đông dễ hình thành trong 4 tuần đầu sau mổ. Các biểu hiện khi có cục máu đông: Đau chân không giải thích được kèm theo sưng nề và đỏ ở một hoặc hai chân. Một tỉ lệ rất ít là cục máu đông di chuyển lên phổi gây suy hô hấp đột ngột.

Lỏng khớp: Một khớp háng nhân tạo được sử dụng qua hàng chục năm, các bộ phận của khớp nhân tạo dần tách ra khỏi xương gây nên tình trạng lỏng khớp. Hầu hết lỏng khớp là do nguyên nhân cơ học (sử dụng khớp hàng ngày qua thời gian), một số lỏng khớp do nguyên nhân sinh học (do tiêu xương). Khi lỏng khớp gây nên tình trạng đau khớp, một phẫu thuật thay lại khớp được tiến hành. Thời gian lỏng khớp phụ thuộc nhiều yếu tố, chủ yếu xuất hiện sau 15-20 năm. Có trường hợp xuất hiện sớm hơn.Ngày nay, cùng với những tiến bộ về đổi mới công nghệ và chất liệu trong sản xuất khớp nhân tạo tuổi thọ của khớp càng ngày càng được nâng cao hơn.

Trật khớp: Trật khớp là tình trạng chỏm khớp trật ra khỏi ổ cối. Nguyên nhân chủ yếu do sai tư thế như bắt chéo chân, ngồi xổm, với tay quá xa (đi tất, giầy)… Trật khớp có thể xảy ra trong 8 tuần đầu, giai đoạn phần mềm quanh khớp đang phục hồi. Nhìn chung, tỉ lệ trật khớp là thấp. Khi trật khớp, chỉ cần nắn lại là khớp sẽ về.

Chân ngắn chân dài: Trong một số trường hợp sau mổ thay khớp háng, người bệnh cảm thấy chân ngắn chân dài. Nếu trước mổ, khớp háng bị viêm làm cho chân ngắn lại thì sau mổ, chiều dài chân thay đổi, thường là bằng chân bên không mổ hoặc là dài hơn (nếu chân chưa mổ cũng bị thoái hóa khớp háng). Để cân bằng phần mềm hoặc làm vững khớp, bác sĩ phẫu thuật cố tình làm tăng chiều dài của chi. Nếu sau mổ thấy chân dài chân ngắn, người bệnh không nên lo lắng, chỉ cần đi một chiếc giầy độn đế là có thể thoải mái, trở lại như người  bình thường.

Thay khớp háng là một phẫu thuật rất thành công, giúp người bệnh hết đau, cải thiện khả năng vận động của khớp, nâng cao chất lượng cuộc sống Hiểu biết đầy đủ lợi ích của phẫu thuật cũng như các biến chứng có thể gặp để người bệnh cân nhắc trước khi quyết định phẫu thuật và có ý thức phòng tránh các biến chứng sau khi đã phẫu thuật.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật