Cứu sống trẻ sơ sinh bệnh tim phức tạp: Kỷ lục mới của tim mạch nhi khoa, các bạn hãy tham khảo thêm nhé!

Bệnh tim nguy kịch từ lúc mới sinh

Bé trai Vũ Chính Dương (Ngô Quyền, Hải Phòng), được sinh ra đủ tháng với cân nặng 2.6 kg và phải mổ đẻ vì suy thai Bé bị suy hô hấp ngay sau sinh, và được chuyển từ BV Phụ sản Hải Phòng sang BV Nhi Hải Phòng. Các bác sĩ phát hiện bé bị bệnh tim bẩm sinh bé (phải thở ôxy liên tục do suy hô hấp).

Sau 5 ngày điều trị, tình trạng bệnh không cải thiện, nên em bé được chuyển đến Khoa sơ sinh BV Nhi Trung ương. Tại đây, bé được chẩn đoán bệnh tim kết hợp, không những bị thông sàn nhĩ thất toàn bộ (một loại tim bẩm sinh phức tạp) có tăng áp động mạch phổi nặng; mà còn bị hội chứng Wolff-Parkinson-White (đây là một hội chứng rối loạn nhịp nhanh do tồn tại đường dẫn truyền xung điện bất thường bẩm sinh trong tim) có cơn nhịp nhanh nguy kịch.

Trong thời gian nằm tại Khoa Sơ sinh, bé đã nhiều lần lên cơn nhịp nhanh (250 lần/phút) kháng các thuốc điều trị loạn nhịp thông thường, trong cơn nhịp nhanh bé suy thở và suy giảm huyết động nặng, và đã phải cấp cứu cắt cơn nhịp nhanh nhiều lần.

Ca bệnh nan giải đầy thách thức

ThS.BS. Nguyễn Thanh Hải, Trung tâm can thiệp tim mạch và Điện sinh lý BV Nhi Trung ương cho biết: Đây là một ca bệnh rất hiếm gặp và rất nguy kịch, em bé có thể tử vong do suy tim nếu cơn nhịp nhanh không được kiểm soát hoặc có thể đột tử bất cứ lúc nào nếu xuất hiện loại loạn nhịp nguy hiểm. Bản thân bệnh tim bẩm sinh thông sàn nhĩ thất toàn bộ của bé đã là rất nặng rồi và gánh nặng bệnh và nguy cơ tử vong còn cao hơn nhiều khi có rối loạn nhịp kèm theo.

Cho đến nay, điều trị rối loạn nhịp nhanh ở trẻ nhỏ dưới 15kg vẫn là phương pháp dùng các thuốc chống loạn nhịp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp trẻ không hoặc rất kém đáp ứng với các thuốc này, khi đó điều trị bằng can thiệp đốt điện là giải pháp cuối cùng.

Mặc dù can thiệp bằng đốt điện là sự lựa chọn số một đối với tim nhanh ở người lớn và trẻ lớn, tuy nhiên ở trẻ nhỏ kỹ thuật này có chỉ định hạn chế do tiềm ẩn nguy cơ tai biến cao và nguy cơ tử vong do thủ thuật gây ra.

Hơn thế nữa, em bé sơ sinh này còn kết hợp với bệnh tim bẩm sinh phức tạp, cấu trúc quả tim thay đổi dị thường, nên nguy cơ trong khi thực hiện thủ thuật càng cao. Trên thế giới có rất ít trung tâm có thể thực hiện kỹ thuật này ở trẻ nhỏ. Nhưng trước tình trạng bệnh nặng và nguy kịch của em bé lúc này, các bác sĩ không còn lựa chọn nào tốt hơn phương pháp đốt điện bằng năng lượng sóng cao tần điều trị cắt cơn nhịp tim nhanh.

90 phút nghẹt thở chạy đua thời gian cứu sống trái tim bé bỏng

Ngày 23/9/15, tại Trung tâm can thiệp Tim mạch và Điện sinh lý, ê kíp can thiệp do BS. Nguyễn Thanh Hải phụ trách đã tiến hành thủ thuật can thiệp điều trị cho bé. Mọi phương án xử lý tai biến có thể xảy ra trong và sau can thiệp đều được bàn luận và được lập kế hoạch chi tiết.

Bé Dương được gây mê toàn thân, các chức năng sống nhất là huyết áp động mạch xâm nhập được giám sát trong từng giây phút với sự hỗ trợ của các thuốc vận mạch. Ba catheter điện cực chẩn đoán được đưa vào cơ thể: một qua đường miệng vào thực quản đặt sát tim, hai qua đường tĩnh mạch cảnh trong và tĩnh mạch đùi trái vào trong tim. Các bác sĩ nhanh chóng xác định căn nguyên gây tim nhanh là một đường dẫn truyền xung điện bất thường đi xuyên qua vòng van ba lá nối giữa nhĩ và thất.

Sau đó một catheter đốt được thay vào trong tim qua đường tĩnh mạch. Sau khi lập bản đồ hoạt động điện học nội mạc buồng tim, vị trí đường dẫn truyền bất thường được xác định, một dòng điện cao tần được phát ra qua đầu catheter đốt nơi tiếp xúc với mô bệnh với nhiệt độ làm nóng đến khoảng 600C, đưa nhịp tim và hệ thống dẫn truyền trở về bình thường. Trong quá trình làm, các bác sĩ đã phải cấp cứu cắt cơn tim nhanh nhiều lần.

Mỗi lần cơn nhịp nhanh xuất hiện, bệnh nhân lại tím tái huyết áp tối đa tụt thấp chỉ khoảng 30mmHg. Ca can thiệp diễn ra hết sức khẩn trương trong vòng 90 phút vì thời gian can thiệp càng lâu, nguy cơ tổn thương cho em bé càng lớn. Từng động tác trong thủ thuật được các bác sĩ thực hiện hết sức chính xác, nhẹ nhàng và nhanh nhất có thể.

Thành quả của sự phát triển lĩnh vực mũi nhọn

Vẫn tràn đầy cảm xúc sau ca can thiệp, BS. Nguyễn Thanh Hải chia sẻ: Trường hợp của bé Dương không những là trường hợp bệnh nhi nhỏ nhất bị loạn nhịp tim nhanh nguy hiểm được cứu sống bằng công nghệ cao ở Việt Nam, mà còn là một trong rất hiếm trường hợp trên thế giới được báo cáo.

Em bé sơ sinh còn quá nhỏ, các mạch máu mong manh, non nớt trái tim yếu ớt cộng với cấu trúc dị thường... Do vậy từng động tác dịch chuyển catheter trong tim phải hết sức nhẹ nhàng và chính xác, nếu không có thể gây thủng tim, tổn thương mạch máu, hoặc tổn thương hệ thống dẫn truyền trong tim.

Nói về thành công này, PGS. TS. Lê Thanh Hải, Giám đốc BV cho biết: Đây là thành công của một tập thể đoàn kết. Tại BV Nhi Trung ương, lĩnh vực tim mạch nhi khoa luôn được coi là lĩnh vực mũi nhọn của bệnh viện

Bệnh viện luôn chú trọng đầu tư, đào tạo và phát triển một hệ thống tim mạch nhi khoa hoàn thiện với tất cả các phân ngành như: phẫu thuật tim, can thiệp tim mạch, can thiệp rối loạn nhịp, tim mạch sơ sinh, tim mạch bào thai... Sự phát triển của phân ngành này luôn kéo theo sự đồng phát triển của các phân ngành khác. Trong những ngày tới, cháu bé sẽ tiếp tục được theo dõi ngoại trú và điều trị nội khoa tình trạng tăng áp động mạch phổi do bệnh thông sàn nhĩ thất cho đến khi có đủ điều kiện phẫu thuật sửa chữa bệnh tim bẩm sinh của cháu.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật