Những rắc rối khi trẻ mọc răng đối với sức khỏe của trẻ

Mọc răng là giai đoạn khá đặc biệt trong quá trình phát triển của trẻ.

Giai đoạn mọc răng đánh dấu sự ‘lớn khôn’ của cơ thể trẻ để dần thích nghi với môi trường sống, nhưng việc mọc răng cũng báo trước một số rắc rối có thể xảy ra đối với sức khỏe của trẻ.

Ths BS Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh cho biết, phụ huynh cần chú ý những thay đổi về sức khỏe của trẻ trong thời kỳ trẻ mọc răng để có cách chăm sóc trẻ tốt hơn, nhất là việc ăn uống và ngủ nghỉ của trẻ nhằm đảm bảo tối ưu sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Các mốc giai đoạn trẻ mọc răng

- Trẻ từ 6 tháng tuổi đã bắt đầu mọc răng sữa Chiếc đầu tiên là răng cửa giữa, hàm dưới. Thời kỳ mọc răng sữa của bé bắt đầu trong khoảng 5-8 tháng tuổi. Không có mốc chuẩn cụ thể nào qui định cho thời gian mọc răng sữa của trẻ, một số trẻ mọc sớm lúc 3 - 4 tháng tuổi; có trẻ mọc răng lúc 6 - 7 tháng tuổi và một số trẻ có thể muộn hơn.

- Việc mọc răng nhanh hay chậm vài tháng là điều hoàn toàn bình thường. Thậm chí, có trẻ sinh ra đã có sẵn 1 hoặc 2 chiếc răng rồi gọi là ‘răng sơ sinh’. Giới hạn của tuổi mọc răng đầu tiên là từ lúc sinh tới 1 tuổi. Răng đầu tiên trung bình mọc vào 6 - 8 tháng tuổi. Hai răng cửa hàm dưới sẽ mọc đầu tiên; sau đó các răng khác sẽ tuần tự mọc.

- Hai răng hàm thứ hai của hàm trên sẽ là những răng mọc cuối cùng. Răng thường mọc theo từng cặp, cụ thể như răng nanh hàm dưới ở bên phải và bên trái sẽ mọc cùng lúc. Răng hàm dưới thường mọc sớm hơn răng tương ứng ở hàm trên.

- Bộ răng sữa của trẻ gồm có tất cả 20 răng, 10 ở hàm trên và 10 ở hàm dưới.

Chậm mọc răng không phải là một dấu hiệu bệnh lý, đó chỉ là một số trường hợp cá biệt. Nguyên nhân chậm mọc răng có thể do trẻ sinh non thể trạng yếu, do chế độ ăn của bé chưa hợp lý. Nếu chậm mọc răng mà bé vẫn phát triển tốt về thể lực lên cân đều, bò, ngồi, đứng đúng giai đoạn thì coi như bình thường. Nếu trẻ được 1 tuổi mà chưa thấy răng nào mọc thì phải coi là bất thường do thiếu dinh dưỡng còi xương cần cho trẻ ăn nhiều chất đạm uống vitamin đặc biệt là vitamin D.

Mọc răng là giai đoạn khá đặc biệt trong quá trình phát triển của trẻ

Mọc răng là giai đoạn khá đặc biệt trong quá trình phát triển của trẻ

Dấu hiệu bé mọc răng

Bé đang mọc răng thường thích cắn, gặm đồ vật, hay cáu kỉnh và thường xuyên đòi bế.

Nếu con bạn không có vẻ gì là đau ốm, song tâm trạng bé không vui, hãy kiểm tra lợi của con.

Nếu bé đang mọc răng, bạn sẽ cảm thấy một cục cứng hoặc một điểm nhọn nhô lên bề mặt lợi. Chỗ gồ lên trông có vẻ đau và sưng.

Các triệu chứng khác bao gồm:

- Má ửng hồng

- Bé đưa cả nắm đấm tay vào miệng

- Chảy dãi

- Hay cắn

- Đi tướt (do một loại enzym được phóng thích trong quá trình bé mọc răng cùng với việc bé nuốt quá nhiều nước miếng).

- Bé ngủ không ngon, hay tỉnh giữa giấc.

Cần lưu ý một điều rằng, mọc răng không làm cho bé bị ốm, song các ông bố bà mẹ có xu hướng đổ mọi nguyên nhân bé ốm cho việc mọc răng. Nôn mửa tiêu chảy hay sốt cao không có liên quan gì đến bé mọc răng cả, đó là triệu chứng của một căn bệnh nào đó và bố mẹ tốt nhất nên đưa bé đến gặp bác sĩ để tìm ra bệnh.

Chăm sóc trẻ khi mọc răng

- Cha mẹ có thể làm dịu sự khó chịu cho trẻ tạm thời bằng cách cho một vật nhẹ, mềm để trẻ cắn lên (như vòng mọc răng, ngậm núm vú giả bằng cao su). Nếu cảm thấy trẻ bị đau dữ dội gây khó khăn cho việc ăn uống và sinh hoạt của trẻ, phụ huynh nên đưa trẻ đến khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa Răng - Hàm – Mặt để được chữa trị tốt hơn.

- Nếu trong thời gian mọc răng sữa, trẻ sốt cao 38,5 độ C trở lên và đau nhiều, có thể dùng paracetamol để hạ sốtgiảm đau liều lượng 10 - 15 mg/kg cân nặng, cứ 4 - 6 giờ cho uống 1 lần. Không được để trẻ sốt quá cao. Nếu trẻ sốt nhẹ hơn thì không cần uống thuốc hạ sốt, chỉ cần lau ấm cho trẻ và cho uống thêm nước.

- Trẻ mọc răng thường chảy nước miếng nhiều, thường đưa tay vô miệng cắn hoặc dùng lưỡi liếm vùng nướu phía trước. Cần chú ý giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt. Thường xuyên lau sạch nước miếng chảy quanh miệng trẻ bằng khăn mềm sạch, làm sạch nướu sau khi cho trẻ bú hoặc ăn. Dùng một miếng gạc hoặc vải mềm nhúng nước sạch quấn quanh ngón tay lau thật nhẹ nhàng. Nên cho trẻ uống nước lọc sau khi bú hoặc sau khi cho trẻ ăn.

Lưu ý: Cho trẻ uống nhiều nước. Điều này đặc biệt quan trọng vì tiêu chảy nhiều khiến trẻ dễ mất nước Nên cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, mềm để trẻ ăn uống dễ dàng hơn, thức ăn quá nóng hay quá lạnh đều không có lợi cho sự phát triển của răng trẻ. Ngoài ra cũng cần bổ sung thêm cho trẻ hàm lượng canxi trong thành phần các bữa ăn hàng ngày.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật