Làm sao để nấu cháo dinh dưỡng đúng cách? Các mẹ hãy tham khảo những cách này nhé!

Gần đây, thông tin về một số loại cháo dinh dưỡng trôi nổi ngoài thị trường khiến nhiều bà mẹ hoang mang. Thực ra, tự tay chuẩn bị cho các bé một tô cháo đầy đủ dinh dưỡng không quá phức tạp và tốn nhiều thời gian.

Cháo như thế nào là tốt cho sức khỏe?  

Bất kỳ tô cháo nào cũng hội tụ đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng gồm: chất bột đường chất đạm chất béo chất xơ Cụ thể là: bột gạo hoặc gạo xay vỡ, thịt hoặc trứng dầu ăn hoặc mỡ động vật, rau củ quả là đã có một tô cháo đủ về lượng và chất.

BS CKII Nguyễn Thị Hoa - trưởng khoa dinh dưỡng bệnh viện Nhi Đồng I TP.HCM cho biết: để bảo tồn nguồn dinh dưỡng tốt nhất, khi chuẩn bị một tô cháo, nên lựa chọn những nguồn nguyên liệu tươi ngon bởi vì thực phẩm càng tươi thì càng ít bị hao hụt về mặt dinh dưỡng.

Trong tự nhiên, mỗi loại rau củ thực phẩm đều có những dưỡng chất ưu việt riêng. Vì vậy, để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể nên thay đổi thực đơn hàng ngày theo cách rất đơn giản như thay đổi màu sắc hay hình dạng thực phẩm dựa trên nguyên tắc là vẫn bảo đảm đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng nêu trên. Đây cũng là mẹo nhỏ giúp tô cháo có sự thay đổi mới lạ về màu sắc, trông thật hấp dẫn và ngon miệng.

Nên cho các bé ăn cháo ngay sau khi nấu xong để các chất dinh dưỡng còn nguyên vẹn, nấu bữa nào ăn bữa đó. Nhiều gia đình thường nấu một nồi cháo và cho con ăn cả ngày, như vậy nguồn dinh dưỡng đã bị hư hao đáng kể trong quá trình bảo quản.

Ở nhiệt độ thường, cháo chỉ để trong vòng 2 tiếng là đã bắt đầu có dấu hiệu ôi thiu. Nếu để ở ngăn mát, thịt bảo quản được 3 tiếng nhưng đây cũng chỉ là cách hạn chế sự phát triển của vi sinh vật gây ôi thiu, lúc này chúng tồn tại ở dạng bào tử chờ cơ hội phát triển lại.

Cháo bảo quản lạnh cần được đun sôi lại trước khi ăn để tiêu diệt hết những bào tử đó - bác sĩ Hoa nói thêm. Để tiết kiệm thời gian, nên chuẩn bị trước một nồi nước xương hầm hay nấu cháo gạo sẵn, mỗi khi bé ăn, đun sôi lại lượng cháo đủ dùng và thêm các thực phẩm khác vào để đủ dinh dưỡng.

"Khôn ăn cái, dại ăn nước"

Câu nói dân gian truyền lại từ bao đời nay chẳng sai khi áp dụng theo khoa học hiện đại. Nhiều người có thói quen nấu cháo cho trẻ nhỏ bằng nước xương hầm và cho rằng trong nước xương đó có thể cung cấp đủ đạm.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa khẳng định: đây là một quan niệm hết sức sai lầm bởi vì chất đạm không hòa tan trong nước, trẻ nhỏ phải được ăn cả cái các loại thịt hoặc tôm cá, hải sản mới đảm bảo cung cấp đủ chất đạm. Nước dùng chỉ có tác dụng mang lại vị béo ngọt tự nhiên, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Với các loại vitamin có nhóm tan trong nước và tan trong dầu. Nếu trẻ chỉ ăn nước rau củ mà không ăn xác bã thì những vitamin tan trong dầu rất dễ bị thiếu hụt. Đây là lý do tại sao có những trẻ ăn đủ bữa mà không tăng cân hay trẻ béo phì mà cơ thể lại thiếu vitamin hay thậm chí là còi xương suy dinh dưỡng

Vì vậy, nếu sau một thời gian mà các bé không tăng cân thì nên xem lại cách chế biến, cách cho các bé ăn cháo xem đã đúng phương pháp hay chưa. Cháo dinh dưỡng bán ngoài thị trường thực tế không phải tất cả đều xấu.

Tuy nhiên, người bình thường khó lòng thẩm định chất lượng Nếu trẻ ăn cháo dinh dưỡng một thời gian mà không tăng cân hay có dấu hiệu tiêu chảy rối loạn tiêu hóa thì nên dừng lại. Đây là cách thức thẩm định cháo duy nhất mà các bà mẹ có thể áp dụng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật