Bệnh do tác động của thuốc ở người cao tuổi, bạn chớ chủ quan!

Do các biến đổi của cơ thể đã già yếu, cộng với những sai lầm trong sử dụng thuốc đã dẫn đến những phản ứng và bệnh do thuốc gây nên ở người cao tuổi. Ở người già, phản ứng thuốc gặp nhiều gấp từ 2 - 3 lần so với người trẻ.

Thuốc tác động đến sức khỏe người già thế nào?

Quá trình hấp thu thuốc thường không ảnh hưởng, nhưng sự thanh thải lại có sự giảm sút đáng kể, do giảm lưu lượng huyết tương ở thận, giảm mức lọc cầu thận cũng như giảm sự thanh thải ở gan.

Gan của người già bị giảm hoạt động các men chuyển hóa thuốc tại các tiểu thể microsom, đồng thời có giảm máu lưu thông tại gan khi tuổi đã cao. Thể tích phân bố thuốc cũng có sự thay đổi đáng kể do ở tuổi già, lượng nước toàn thân suy giảm, đồng thời lại tăng tỷ lệ lượng mỡ toàn thân, nên những thuốc hòa tan trong nước bị cô đặc hơn và thuốc hòa tan trong mỡ lại có thời gian tồn tại trong cơ thể dài hơn. Mặt khác do albumin huyết thanh có nồng độ giảm đi, nhất là ở những bệnh nhân ốm yếu lâu ngày nên có giảm mức gắn của một số thuốc vào protein như Warfarin, Phenytoin dẫn đến số thuốc tự do hoạt động lại tăng hiệu lực.

Đồng thời với sự thanh thải thuốc bị giảm sút do động lực thuốc thay đổi vì nhiều yếu tố khác nhau, sự đáp ứng với thuốc của người già cũng có nhiều thay đổi. Chẳng hạn cùng một nồng độ thuốc trong huyết thanh như nhau, sự đáp ứng với thuốc của người già thường rất khác nhau. Đa số người già dễ nhạy cảm hơn với một số thuốc này nhưng lại ít nhạy cảm với một số thuốc khác. Một thực tế là người già do mắc nhiều bệnh kinh diễn nên thường đã dùng quá nhiều loại thuốc. Thêm điểm đáng chú ý nữa là bản thân người già rất dễ lầm lẫn các loại thuốc do mắt kém, nghe không rõ trí nhớ giảm, động tác không chính xác nên việc sử dụng thuốc có nhiều sai sót. Các nguyên nhân trên làm gia tăng bệnh do thuốc gây nên ở người cao tuổi. 

Những chú ý khi dùng thuốc ở người già

Để hạn chế tối đa các tai biến do sử dụng thuốc ở người già, cần chú ý thực hiện những nội dung sau đây: khi dùng thuốc phải chắc chắn rằng triệu chứng cần điều trị không phải là triệu chứng do một thuốc khác gây nên; Chỉ dùng thuốc sau khi các biện pháp điều trị không dùng thuốc không có kết quả hoặc không thể thực hiện được, nên cân nhắc kỹ giữa lợi ích và tác hại của việc dùng thuốc; Nếu phải dùng thuốc thì nên bắt đầu bằng một liều thấp so với liều thường dùng ở người lớn, sau đó tăng dần liều có tính đến các yếu tố dược động học ở cơ thể người già. Tuy nhiên ở một số trường hợp cụ thể có thể cho liều cần thiết ngay từ đầu. Theo dõi để tăng hay giảm liều tùy theo đáp ứng của từng bệnh nhân; Đơn thuốc cần đơn giản, dễ thực hiện và không nên dùng quá nhiều thuốc cùng một lúc; Nếu phải sử dụng  nhiều thuốc trong đợt điều trị thì phải hướng dẫn rõ ràng cách dùng từng thứ thuốc, liều lượng cho bệnh nhân hoặc người nhà; Đối với các thuốc có độc tính cao hoặc có phạm vi an toàn rất hẹp nên thường xuyên định lượng nồng độ thuốc trong huyết thanh để đảm bảo việc dùng thuốc an toàn đối với bệnh nhân.

Cảnh giác phòng tránh dùng thuốc quá liều trong các trường hợp: dùng nhầm thuốc của người khác, dùng thuốc ngủ hoặc các thuốc kháng histamin quá liều đều có thể gây nên tình trạng lơ mơ lú lẫn cũng như các tác dụng phụ kèm kháng tiết cholin gây khô miệng nhìn mờ, lú lẫn, bí đái hoặc đái không tự chủ.

Thận trọng khi dùng một số thuốc cụ thể 

Các thuốc an thần: tốt nhất để chống mất ngủ nên áp dụng biện pháp không dùng thuốc Nếu dùng thuốc chỉ dùng ngắn ngày, loại thuốc tác dụng nhanh, chuyển hóa không bị biến đổi do tuổi già như oxazepam, hạn chế dùng benzodiazepin loại tác dụng nhanh hay tác dụng chậm vì có thể gây lú lẫn ở người già. Khi dùng thuốc kháng sinh cần tiến hành định lượng nồng độ của các chất có độc tính cao được đào thải qua đường thận Các thuốc tim mạch như digitalis procainamid, quinidin có thời gian bán hủy dài ở người già, có phạm vi điều trị an toàn hẹp, vì vậy dễ nhiễm độc ngay cả với liều lượng thông thường với biểu hiện chán ăn, lú lẫn trầm cảm

Thuốc điều trị viêm loét dạ dày loại chẹn thụ thể H2  như cimetidin và ranitidin giao thoa, trở ngại cho chuyển hoá thuốc tại gan làm tăng tỷ lệ ngộ độc đối với các thuốc chuyển hóa chủ yếu tại gan như propranolol lidocain, warfarin, theophylin, phenytoin. Điểm chú ý là  tất cả các thuốc ức chế thụ thể H2 đều ít nhiều có thể gây nên lú lẫn ở người già. Các thuốc chống trầm cảm và chống loạn tâm thần hay gây nên tác dụng phụ kiểu kháng tiết cholin ở người già như lú lẫn, bí đái táo bón khô miệng Có thể hạn chế tác dụng phụ đó bằng cách dùng những chất không hoặc ít có tác dụng kháng tiết cholin. Do trầm cảm và hưng phấn thường xen kẽ nhau nên chỉ sử dụng ngắt quãng các chất này. Thuốc điều trị glôcôm loại  chẹn bêta,  các chất ức chế cacbonic anhydrase có thể gây tác dụng phụ toàn thân như khó chịu chán ăn sút cân. Thuốc giảm đau  meperidin không nên dùng phối hợp với thuốc propoxyphen vì có thể gây mê sảng

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật