Chấn thương tâm lý thường gặp sau thảm họa và hướng xử trí

Sau sự cố cháy nhà chung cư Carina Plaza, hàng nghìn cư dân sẽ không tránh khỏi những cú sốc về tâm lý do phải chứng kiến sự kiện đau thương này, nhiều người rơi vào hoảng loạn…

Để giúp bạn đọc hiểu rõ và có hướng xử trí đúng đối với loại sang chấn tâm lý rất hay gặp sau thảm họa, đó là rối loạn stress cấp, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của PGS. TS. Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103.

Rối loạn stress cấp được đặc trưng bởi sự gia tăng căng thẳng và lo lắng sau khi tiếp xúc với một sự kiện chấn thương tâm lý cực mạnh. Bệnh nhân là nạn nhân hoặc phải chứng kiến một tai nạn (tai nạn xe hơi, cháy nhà) hoặc tội ác khủng khiếp (giết người), các trận đánh, bị hành hung, bị bắt cóc, bị tra tấn, nạn nhân của một thảm họa tự nhiên (như động đất, sóng thần…), được chẩn đoán là mắc bệnh hiểm nghèo, bị lạm dụng tình dục…

Bệnh nhân phản ứng với những chấn thương tâm lý này với nỗi sợ hãi và bất lực, họ luôn hồi tưởng lại sự kiện đau buồn này và cố gắng để xa lánh nó. Sự kiện này có thể được sống lại trong những giấc mơ và suy nghĩ của bệnh nhân lúc thức (hồi tưởng).

Rối loạn stress cấp là các triệu chứng xuất hiện trong vòng một tháng sau khi có chấn thương tâm lý.

Cảnh màn trời chiếu đất của các cư dân sau vụ cháy chung cư Carina Plaza.

Cảnh màn trời chiếu đất của các cư dân sau vụ cháy chung cư Carina Plaza.

Các biểu hiện thường gặp

Đặc điểm nổi bật của rối loạn stress cấp là các triệu chứng đặc trưng kéo dài từ 3 ngày đến 1 tháng sau khi tiếp xúc với một hoặc nhiều sự kiện chấn thương.

Biểu hiện lâm sàng của rối loạn stress cấp tính có thể khác nhau tùy theo cá nhân nhưng thường liên quan đến một phản ứng lo âu bao gồm một số trải nghiệm hoặc phản ứng với sự kiện đau buồn. Một số cá nhân có cảm giác tan rã, họ có những phản ứng cảm xúc hoặc sinh lý mạnh mẽ để đáp ứng với chấn thương. Một số người khác có phản ứng giận dữ mạnh mẽ, trong đó đặc trưng là tình trạng kích động.

Những triệu chứng trên phải tồn tại ít nhất 3 ngày sau khi sự kiện chấn thương tâm lý, nhưng không kéo dài quá 1 tháng sau khi sự kiện này. Các triệu chứng xảy ra ngay lập tức sau khi sự kiện chấn thương tâm lý, nhưng hết trong vòng chưa đầy 3 ngày sẽ không được gọi là rối loạn stress cấp.

Thông thường, các cá nhân có hồi tưởng về các sự kiện khó chịu đã xảy ra. Những hồi tưởng này tái phát một cách tự phát hay được kích hoạt bởi các kích thích gợi nhớ của những kinh nghiệm đau thương. Những hồi tưởng này thường bao gồm cảm giác (ví dụ như, cảm nhận sức nóng dữ dội đã được nhìn nhận trong một vụ cháy nhà) tình cảm (ví dụ, trải qua những nỗi sợ hãi của việc tin rằng mình sắp bị đâm xe) hoặc sinh lý (ví dụ như, những cơn khó thở như gần chết đuối).

Giấc mơ đau buồn có thể chứa các nội dung liên quan đến chấn thương tâm lý. (Ví dụ, trong trường hợp của một bệnh nhân sống sót sau hỏa hoạn, nội dung những giấc mơ đau buồn thường liên quan đến hỏa hoạn). Trong khoảng thời gian từ vài phút đến vài giờ hoặc thậm chí cả ngày, khi bệnh nhân hồi tưởng về sự kiện chấn thương tâm lý, bệnh nhân cư xử như thể trải qua những sự kiện tại thời điểm đó.

Các bệnh nhân có thể mất khả năng để cảm nhận những cảm xúc tích cực (ví dụ, hạnh phúc, niềm vui, sự hài lòng hoặc những cảm xúc liên quan với sự thân mật, âu yếm, hay tình dục). Họ hầu như chỉ có những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, buồn rầu, giận dữ, tội lỗi hoặc xấu hổ. Một số bệnh nhân không có khả năng nhớ khía cạnh quan trọng của sự kiện chấn thương.

Bệnh nhân tìm cách tránh các sự kiện liên quan đến chấn thương. Họ từ chối thảo luận về kinh nghiệm đau thương mà mình đã phải trải qua. Sự lảng tránh này có thể bao gồm việc tránh xem tin tức về chấn thương, từ chối trở về nơi mà chấn thương đã xảy ra.

Rối loạn giấc ngủ là triệu chứng rất phổ biến ở bệnh nhân có rối loạn stress cấp. Họ khó vào giấc ngủ khó giữ giấc ngủ, hay có ác mộng Họ dễ nổi cáu vô cớ, quá nhạy cảm với các mối đe dọa tiềm năng. Họ khó tập trung chú ý, khó ghi nhớ các sự kiện hàng ngày (ví dụ, quên số điện thoại). Bệnh nhân rối loạn stress cấp có thể rất phản ứng với các kích thích bất ngờ, như giật mình khi có ánh sáng mạnh hoặc tiếng động đột ngột (ví dụ, họ giật mình khi có tiếng chuông điện thoại).

Nếu chấn thương dẫn đến chết người hoặc gây vết thương nghiêm trọng cho người khác, bệnh nhân luôn có cảm giác tội lỗi vì đó không giúp đỡ được người khác.

Chấn thương tâm lý có thể xảy ra ở những người trải qua thảm họa như vụ cháy chung cư Carina quận 8 (TP.HCM) mới đây.

Chấn thương tâm lý có thể xảy ra ở những người trải qua thảm họa như vụ cháy chung cư Carina quận 8 (TP.HCM) mới đây.

Phương pháp chữa trị

Điều trị bằng thuốc: thuốc bình thần benzodiazepin (diazepam, bromazepam, clonazepam) có tác dụng cắt tình trạng lo âu quá mức, hoảng hốt, sợ hãi, phân ly, kích động của bệnh nhân. Chỉ nên dùng nhóm thuốc này khi thực sự cần thiết, không nên sử dụng kéo dài. Khi điều trị, thường sử dụng thuốc đường uống. Nhưng trong một số trường hợp cần thiết, có thể dùng thuốc tiêm (seduxen).

Tâm lý liệu pháp: Tâm lý liệu pháp đóng vai trò quyết định trong điều trị phản ứng stress cấp. Trước hết phải cô lập được stress. Bệnh nhân cần được đưa ra khỏi môi trường gây chấn thương tâm lý càng sớm càng tốt. Khi thoát ra khỏi môi trường gây chấn thương tâm lý thì hầu hết bệnh nhân dần trở về trạng thái tâm lý bình thường. Tình trạng lo âu, hốt hoảng, phân ly sẽ giảm đi.

Nhân viên y tế hoặc các thành viên trong gia đình cần giữ vững tình trạng tâm lý cho bệnh nhân. Động viên an ủi bệnh nhân để bệnh nhân nhận thấy rằng nguy hiểm đó qua, giúp họ thư giãn, hướng dẫn cách tập thở chậm để giảm bớt các triệu chứng khó chịu về cơ thể.

Tránh gợi lại các khía cạnh của chấn thương tâm lý một cách bừa bãi để bệnh nhân không phải sống lại các ký ức đau buồn của chấn thương tâm lý.

Liệu pháp tâm lý cá nhân có thể áp dụng. Nhìn chung trong giai đoạn này bệnh nhân thường cần có người bên cạnh, động viên giúp đỡ họ lấy lại thăng bằng trong cuộc sống

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật