Không hoang mang khi nhiễm virut viêm gan B, vì những lý do sau

Hiện nay, Việt Nam được xếp vào một trong 9 quốc gia khu vực Tây Thái Bình Dương đang phải đối mặt với đại dịch viêm gan virut vì tỉ lệ nhiễm virut cao, trong đó tỉ lệ nhiễm virut viêm gan B là 10 - 20% dân số.

Gặp những người chung sống với bệnh viêm gan B

Bà Phạm Thị C., 57 tuổi, ở Cầu Bươu Hà Nội từng là công nhân Nhà máy đồ hộp xuất khẩu Hà Nội, cách đây 7 - 8 năm trong một lần đi khám sức khỏe tình cờ lúc siêu âm các bác sĩ phát hiện bà bị lách to sau đó một thời gian tự nhiên bà thấy trong người mệt mỏi khó chịu, ăn không muốn ăn, bà đi khám xét nghiệm máu được biết bị viêm gan B mạn tính.

Hiện bệnh của bà đã chuyển sang giai đoạn xơ gan da và mắt của bà bị vàng, có lúc bà rơi vào tình trạng hôn mê gan Khi hỏi về hoàn cảnh gia đình bà ứa nước mắt tủi thân. Nhiều năm nay bà phải thường xuyên ra vào viện, nằm viện một mình không có người chăm sóc, chồng bà đã mất 10 năm nay, hai con của bà đều phải đi làm.

Bà chia sẻ: “Đợt khỏe thì cứ 3 tháng tôi lại vào viện nằm 20 ngày, đợt yếu thì cứ chục ngày, cũng may tôi có bảo hiểm y tế nên được thanh toán các khoản thuốc men, giường bệnh..., tôi chỉ phải bỏ tiền ra mua một số loại thuốc không có trong bảo hiểm”. Mong ước lớn nhất của bà lúc này là được khỏe, lương hưu của bà chỉ 2 triệu đồng/tháng, ấy vậy mà riêng tiền thuốc để chữa bệnh đã mất đến 3 triệu/tháng, chưa kể những lần nằm viện chi phí lại đội lên.

Còn bà Chu Minh U., 70 tuổi ở Láng Hạ, Hà Nội là một giáo viên nghỉ hưu, gặp bà trong bệnh viện khi bà chuẩn bị ra viện. Bà kể về hoàn cảnh của mình với một tâm trạng hết sức thoải mái. Bà phát hiện mình bị viêm gan B từ năm 2002 trong một lần thấy người mệt mỏi nên đi khám bệnh. Mẹ của bà cũng bị viêm gan B, chị gái của bà đã chết vì căn bệnh này và đến nay đã hơn 11 năm chung sống với căn bệnh, bà giữ được như ngày nay là nhờ có thuốc tốt và tuân thủ nghiêm các phác đồ điều trị.

Bà U. chia sẻ thêm, bà không chỉ bị viêm gan b mà còn có u gan, nhưng rất may là qua 2 lần sinh thiết các bác sĩ đều kết luận bà chỉ bị u máu cũng từ bấy đến nay bà chung sống hòa bình với khối u 2cm trong gan. Có lần bà bị bệnh đường ruột, bà uống thuốc Đông y của một ông lang, uống đến tháng thứ ba thì bà bị run chân tay men gan mỡ máu đường huyết đều vượt ngưỡng cho phép rất nhiều, lần ấy bà phải đi cấp cứu bệnh viện Từ đấy bà rất sợ uống thuốc, mỗi khi uống bất cứ loại thuốc gì bà đều hỏi ý kiến bác sĩ.

Phòng bệnh vẫn là cách tốt nhất

ThS. BS. Nguyễn Ngọc Đại Lâm, Phó trưởng Khoa Nội tiêu hóa - bệnh viện E Trung ương chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong việc điều trị bệnh viêm gan B hiện nay là chi phí điều trị còn quá cao so với thu nhập bình quân của người dân.

Vì vậy, phòng bệnh, phát hiện sớm và điều trị tích cực là quan trọng nhất bằng cách mọi người nên đi xét nghiệm máu phát hiện virut viêm gan B. Nếu chưa mắc thì tiêm phòng ngay, hiện giá thành cho một xét nghiệm máu xác định bệnh viêm gan B và tiêm phòng vaccin phòng bệnh không cao.

Tuy tỉ lệ nhiễm virut viêm gan B cao trong dân số nhưng không phải ai nhiễm cũng bị bệnh viêm gan B, cần phân biệt hai trường hợp người lành mang virut và người bị viêm gan B tiến triển.

Nếu là người lành mang virut cần khám theo dõi định kỳ 6 tháng một lần. Có rất nhiều trường hợp có thể chung sống lâu dài với virut nhưng nếu chủ quan nồng độ virut nhân lên rất nhanh trong cơ thể khi sức đề kháng giảm mà các triệu chứng bệnh không rõ ràng thì vô cùng nguy hiểm.

BS. Lâm cũng cho biết, không phải cứ có virut là dùng thuốc kháng virut. Chỉ dùng thuốc khi men gan, chức năng gan cao gấp hai lần bình thường trong vòng 6 tháng liền và định lượng virut viêm gan B là 105 cps/ml. Chú ý dùng thuốc kháng virut phải liên tục suốt đời.

Vì nếu dùng chập chờn, lúc dùng lúc không thì lại càng có hại hơn thuốc kháng virut chỉ có tác dụng kìm hãm virut nhân lên trong cơ thể mà không thể diệt hoàn toàn được virut, khi không dùng thuốc nữa thì virut có cơ hội bùng phát và nhân lên mạnh mẽ, thậm chí biến tính và gây kháng thuốc rất nguy hiểm.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật