Lạm dụng thuốc xịt mũi, đề phòng chứng bệnh tăng huyết áp

Ngạt mũi là chứng bệnh thường gặp, do rất nhiều nguyên nhân gây viêm ngạt mũi: dị ứng với bụi nhà, nấm mốc, phấn hoa, vi khuẩn, virut, lạnh… Các tác nhân này đều gây ra hiện tượng viêm giãn mạch máu, gây cương tụ tiết nhiều dịch ở mũi, tắc mũi khó thở.

Thuốc có nhiều loại và hiệu quả cao

Các thuốc có thuộc tính chống ngạt mũi hiện nay có nhiều loại, nhưng hay được dùng hơn cả là naphazolin, oxymetazolin, ephedrin, xylomethazolin… Công dụng của các loại thuốc này đều dựa trên một nguyên lý chung là kích thích hệ vận mạch tại chỗ của mũi theo hướng hoạt hóa hệ giao cảm, tác dụng vào thụ cảm thể alpha của adrenalin (một hormon tủy thượng thận có tác dụng co mạch ngoại biên…) gây co mạch ở mũi giúp dễ thở.

 

Thuốc xịt vào mũi được bào chế đặc biệt dưới dạng phun mù (aerosol), hiện nay đang được dùng khá phổ biến rất thuận tiện khi sử dụng. Ở ống xịt có van phân liều tự động một chiều chính xác khi bấm nút mở van thuốc được đẩy ra với một liều lượng xác định, có thể đưa thuốc vào trong khoang mũi ngay cả ở tư thế ngồi hoặc đứng giúp người bệnh dễ thở. Thuốc xịt có ưu điểm hơn thuốc nhỏ mũi cùng loại, bởi các phần tử thuốc được phân chia cực kỳ nhỏ, xịt dưới dạng phun mù, thuốc rất dễ xâm nhập vào khoang mũi nên có thể phân tán đều và bám dính tốt lên niêm mạc mũi, thuốc tác dụng được nhanh và kéo dài.

Tuy nhiên không nên lạm dụng

Thuốc xịt chống ngạt mũi có tác dụng nhanh, dễ mua, cách dùng đơn giản, nên nó được nhiều người ưa dùng. Tuy nhiên, khi dùng thuốc nếu có nhiều mũi nhầy cần hỉ sạch mũi cho thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho thuốc bám dính vào niêm mạc rồi hãy xịt thuốc. Đặt lọ hướng thẳng vào mũi xịt dứt khoát, đồng thời hít nhẹ để thuốc đi sâu vào trong khoang mũi.

Tác dụng chính của thuốc là do hoạt tính kích thích thần kinh giao cảm, cho nên người bệnh cần hạn chế hoạt tính giao cảm đương nhiên là dùng không tốt. Như bệnh nhân tăng huyết áp mà dùng những thuốc co mạch này nhiều lần trong ngày rất dễ gây nên kích thích giao cảm và làm huyết áp tăng lên. Nếu huyết áp tăng cao, thuốc có thể kích thích tạo ra một cơn tăng huyết áp kịch phát, thậm chí gây đột quỵ não

Với người có nhịp tim nhanh, rối  loạn nhịp tim… nếu xịt các thuốc này càng làm cho tim hưng phấn hơn, nhịp càng nhanh, người càng hồi hộp và mệt hơn. Do vậy, người bệnh tăng huyết áp đái tháo đường bệnh tim cường giáp… nên hạn chế thuốc này.

Không dùng thuốc liên tục dài ngày vì có thể gây sung huyết ở niêm mạc mũi viêm mũi do phản ứng lại. Mặt khác, nếu lạm dụng làm cho mạch máu ở mũi co lại nhiều quá, lâu quá, còn có thể làm cho niêm mạc mũi bị teo lại, khí thở vào dễ bị khô và niêm mạc mũi mất chức năng, việc phục hồi lại sẽ rất khó khăn. Do vậy, chỉ nên xịt mũi 1 - 3 lần trong ngày và không dùng quá 5 - 6 ngày.

Hiện nay, chỉ riêng các thuốc xịt mũi cũng có nhiều loại với nhiều tên thương mại (biệt dược). Khi mua nên chú ý tên biệt dược (thường ghi chữ to và đậm) còn phải có tên thuốc gốc với hàng chữ nhỏ hơn, để chọn mua dùng cho đúng. Đặc biệt không được dùng đồng thời hai loại thuốc khác nhau.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật