Một số biện pháp phòng ngừa bệnh mề đay khi vào mùa lạnh

Theo thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn - Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, mề đay là bệnh ngoài da phổ biến vào mùa đông. Bệnh xảy ra do các nguyên nhân như dị ứng thuốc, hóa chất, thức ăn, yếu tố vật lý như lạnh, nóng, ánh nắng hoặc do mắc các bệnh thể địa. Bệnh thường biểu hiện bằng các thể lâm sàng như cơn mề đay cấp, phù Quinck, da vẽ nổi, mề đay mạn tính.

Mề đay cấp tính xảy ra đột ngột và biến mất nhanh sau vài giờ hoặc vài ngày, hay gặp ở người trẻ. Trường hợp nặng, người nổi mề đay cấp tính có thể bị choáng váng ngất xỉu do áp huyết xuống thấp. Còn triệu chứng mạn tính là bệnh lý khá phức tạp với rất nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau.

Thống kê cho thấy, cứ 100 người thì có từ 15 đến 20 người bị nổi mề đay và khả năng tái phát bệnh này nhiều lần trong đời. Phụ nữ dễ mắc bệnh này hơn nam giới và ở độ tuổi từ 20 đến 40.

Khi mắc căn bệnh này chúng ta có thể trị liệu bằng tây y hoặc đông y Trong đông y, ngoài các biện pháp dùng thuốc châm cứu bấm huyệt người bệnh còn được hướng dẫn sử dụng các món ăn - bài thuốc có công dụng phòng chống mày đay.

Theo bác sĩ Toàn, để trị mày đay, người bệnh có thể dùng các công thức sau:

Công thức 1:  Phòng phong 10 g, mạch nha 15 g, hai vị tán nhỏ hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Dùng tốt cho trường hợp mày đay do gió lạnh.

Công thức 2:  Bạch tiên bì 15 g, thổ phục linh 15 g, hai thứ đem sắc lấy nước uống thay trà. Dùng tốt cho trường hợp mày đay mẩn cục kéo dài.

Công thức 3:  Khoai môn lượng vừa đủ, cạo bỏ vỏ lông, thái miếng rồi đem hầm nhừ, cho thêm muối hoặc đường, chia ăn nhiều lần. Dùng cho trẻ em bị mày đay do dị ứng thức ăn.

Công thức 4: Xác ve sầu 10 con, sắc trong 10 phút, bỏ bã lấy nước ninh với đậu xanh 30g và gạo tẻ 50g thành cháo loãng rồi cho thêm đường, chia ăn vài lần trong ngày.

Công thức 5:  Đậu xanh 30 g, bách hợp 30 g thảo quyết minh 10. Đem thảo quyết minh sắc kỹ lấy nước bỏ bã rồi cho đậu xanh và bách hợp vào ninh nhừ thành cháo, chế thêm đường, chia ăn vài lần trong ngày.

Công thức 6:  Ô tiêu xà (rắn sọc đen) 1 con nặng chừng 250 g thiên ma 9 g. Làm thịt rắn, lột da, bỏ đầu và nội tạng rửa sạch, chặt khúc, tẩm ướp hành gừng và một chút rượu rồi đem hầm chín; thiên ma ngâm nước ấm trong 30 phút, thái chỉ rồi cho vào ninh cùng ô tiêu xà, khi chín chế thêm gia vị, chia ăn vài lần.

Công thức 7: Tỳ bà diệp 250 g rửa sạch, thái vụn, giã nát vắt lấy nước, đem hấp cách thủy cùng một lượng đường phèn vừa đủ trong 20 phút, chia uống vài lần trong ngày. Dùng cho những trường hợp mày đay nổi cục đỏ ngứa.

Công thức 8:  Sơn tra 10 g, trúc diệp 10 g, mạch nha 15 g cam thảo 5 g. Tất cả đem sắc kỹ lấy nước bỏ bã rồi ninh cùng 50 g gạo tẻ thành cháo, chế thêm đường  trắng, chia ăn vài lần trong ngày.

Công thức 9:  Xương sườn lợn 100 g, rửa sạch, chặt nhỏ, đổ nước vừa đủ, đun sôi, vớt sạch bọt nổi rồi cho thêm 50 g hải đới và 30 g thổ phục linh ninh thật nhừ, chế thêm gia vị, dùng làm thức ăn hàng ngày, 10 ngày là 1 liệu trình. Dùng cho những trường hợp mày đay mạn tính.

Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn cho biết thêm, các món dược thiện nêu trên thường được dùng để dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh mày đay cấp và mạn tính. Khi dùng, cần chú ý kiêng các thức ăn cay nóng như ớt hành, hẹ tỏi quế, hồi, thịt dê, thịt chó… Nên tăng cường những đồ ăn thức uống giàu vitamin như rau xanh, hoa quả tươi.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật