Nguy cơ đột quỵ vẫn xảy ra ngay cả khi không bị xơ vữa động mạch

Trước đây, người ta cho rằng các mảng bám trên thành động mạch chính là nguyên nhân gây xơ vữa mạch máu, làm hình thành các cục máu đông gây tắc mạch, dẫn đến đột quỵ do nhồi máu cơ tim hay nhồi máu não.

Nhưng kết quả nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ đã chứng minh, ngay cả khi không có mảng xơ vữa thì người bị bệnh tim vẫn tích tụ rất nhiều rủi ro.

Các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu từ gần 41.000 cựu chiến binh Mỹ bị bệnh tim đã được chụp động mạch vành. Họ được phân loại thành 2 nhóm là không bị tắc nghẽn và bị tắc nghẽn động mạch vành. Kết quả là bệnh tim vẫn tiến triển, nguy cơ đau tim vẫn cao và vẫn có tử vong trong vòng 1 năm sau khi chụp động mạch ở cả 2 nhóm. Đặc biệt, trong nhóm người bị bệnh tim không tắc nghẽn mạch vành, có tới 28 - 44% xuất hiện các cơn đau tim hoặc tử vong

Các nhà nghiên cứu đã báo cáo phát hiện của họ tại cuộc họp của Hiệp hội tim mạch Mỹ (AHA) ở Baltimore. Họ cho rằng, có thể chính các “tiền chất của mảng bám” (non obstructive) - mặc dù không gây tắc nghẽn trong lòng động mạch vành nhưng vẫn có thể vỡ và gây ra cơn đau tim.

Tác giả nghiên cứu, TS. Thomas Maddox - một chuyên gia tim mạch tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe Đông Colorado cho biết: Khác với tắc nghẽn động mạch vành, “tiền mảng bám” không làm chặn dòng chảy của máu, không làm lưu lượng máu giảm và không xuất hiện trên các xét nghiệm chụp động mạch vành nhưng vẫn có nguy cơ dẫn đến đau tim và tử vong.

Kết quả nghiên cứu này khuyến cáo, các bác sĩ nên xem xét các liệu pháp để phòng bệnh đột quỵ cho những bệnh nhân không bị nghẽn động mạch vành.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật