Trầm cảm - Nguyên nhân và việc dùng thuốc đạt hiệu quả cao

Theo WHO, tỷ lệ trầm cảm (TC) trong dân số nếu tính ở thời điểm nghiên cứu là 5% (nữ 5-9%, nam 2-3%), nếu tính suốt cuộc đời là 10% (nữ 10-25%, nam 5-12%). Riêng ở nước ta 3-5% (2007). Nguyên nhân đến nay vẫn chưa lý giải thật đầy đủ nhưng thường cho là do thiếu hụt chất dẫn truyền, do rối loạn một số hormone. Thuốc TC khó dùng, dùng chưa đúng làm cho hiệu quả điều trị không cao, thậm chí gây tác dụng đảo ngược, tai biến.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh TC

Do thiếu hụt chất dẫn truyền

 

Các tế bào thần kinh muốn “hợp tác” cùng làm một việc nào đó thì phải liên lạc với nhau bằng cách dẫn truyền thông tin từ tế bào này sang tế bào khác. Muốn thế, phải có các chất dẫn truyền như: noradreanlin, dopamin, serotonin. Ở giữa đuôi của tế bào này và đầu của tế bào kia có một khoảng trống gọi là synap (khớp thần kinh). Tế bào muốn liên lạc với tế bào kế tiếp thì phải tiết các chất dẫn truyền vào synap, cứ như thế hàng chuỗi tế bào sẽ tiết ra chất dẫn truyền, tạo thành một đường dẫn truyền thần kinh thông suốt. Ở người TC có sự thiếu hụt các chất dẫn truyền.

Do rối loạn một số hormone

Corticosteroid tiết ra nhiều buổi sáng, giảm dần trong ngày ở người bình thường nhưng tăng cao cả ngày ở người TC. Progesteron tăng 10 ngày trước khi có kinh estrogen progesterone giảm đáng kể sau sinh estrogen giảm đột ngột thời kỳ đầu mãn kinh; trong những giai đoạn ấy, thường rơi vào trạng thái TC.

Chưa rõ quan hệ nhân quả. Do thiếu hụt chất dẫn truyền, rối loạn hormone sinh ra TC hay ngược lại. Điều chắc chắn, các chất này có ảnh hưởng lớn đến TC. Tuy nhiên, làm giảm sự thiếu hụt chất dẫn truyền sẽ làm giảm trạng thái TC nhưng dùng liệu pháp hormone lại không đạt được kết quả này. Đa số cho TC là do thiếu hụt chất dẫn truyền.

Sai sót thường gặp trong dùng thuốc

TC có các triệu chứng về tinh thần thể chất. Người bệnh không thấy, không hiểu các triệu chứng tinh thần, dễ thấy những triệu chứng thể chất: ăn không ngon, nhạt nhẽo chán ăn bỏ ăn, sụt cân; mệt mỏi trì trệ; có cảm giác đau ngực đau đầu đau nhức (nhưng không thấy tổn thương thực thể) khó ngủ (khó vào giấc, thức nhiều lần, không ngủ lại được); suy giảm tình dục hay có các triệu chứng thể lý đảo ngược (ăn nhiều, ngủ nhiều tăng cân kích động). Họ cho là mình bị suy nhược, qui các triệu chứng tinh thần do suy nhược tạo nên, rồi tự ý dùng thuốc bổ dưỡng, kích thích thần kinh (vitamin + aminoacid, pyracetam, caffein).

Người bệnh ngại khám ở chuyên khoa tâm thần. Thầy thuốc không chuyên khoa, không khám kỹ, có thể chẩn đoán nhầm là suy nhược thần kinh cho dùng thuốc ngủ an thần.

TC có nhiều mức (nhẹ, vừa, nặng), nhiều dạng (TC, hưng TC, rối loạn ưu tư lan rộng, rối loạn ám ảnh bức bách, hoang tưởng...), có thể thay đổi mức, dạng theo thời gian. Mỗi trường hợp dùng một loại thuốc thích hợp (xem phần dưới). Do không khám định kỳ nên có thể dùng thuốc không đúng, dẫn đến kết quả đảo ngược hay làm bệnh nặng thêm.

Có nhiều yếu tố làm xuất hiện TC (tang tóc thất bại, thất tình…) nhưng không phải trước các yếu tố ấy, ai cũng bị TC! Khi nhẹ, dùng liệu pháp tâm lý có thể qua được. Song khi thực sự bị bệnh phải dùng thuốc. Có người quá coi nặng. Đến tâm lý liệu pháp, không dùng thuốc, bệnh không khỏi lại càng nặng lên.

Thuốc chỉ hiệu quả khi dùng đủ liều, đúng thời gian, kéo dài, có củng cố. Có người thiếu kiên trì, sợ độc, chưa khỏi hẳn đã bỏ thuốc đột ngột làm bệnh trở lại nặng hơn, không dùng duy trì dẫn đến bệnh dễ tái phát.

Thuốc và cách dùng

Nhóm tricyclic

Gọi là TC 3 vòng (tri=3, cyclo=vòng). Chia thành 3 phân nhóm:

Phân nhóm tricyclic có tính an thần: amitriphtylin, clomipramin, trimipramin, dothiepin doxepin Dùng cho người bồn chồn lo lắng, có kích động.

Phân nhóm tricyclic không có tính an thần: amoxapin, desipramin, imipramin, lofepramin, nortriphytlin.

Dùng cho người bồn chồn lo lắng nhưng không có kích động.

Phân nhóm tricyclic có tính kích thích: protriptylin. Dùng cho người bồn chồn lo lắng có mệt mỏi, trì trệ.

Tricyclic ngăn không cho các chất dẫn truyền bị thu hồi về các tế bào đã tiết ra chúng, làm tăng lượng các chất này trong synap, tăng tính dẫn truyền. Dùng cho các trạng thái TC vừa và nặng mà triệu chứng chính là khó ngủ, ăn không ngon.

Nhóm ức chế thu hồi chọn lọc serotonin

Thuốc ức chế thu hồi chọn lọc serotonin (SSRI = selective serotonin reuptake inhibitor) ngăn cản chọn lọc sự thu hồi serotonin về tế bào đã tiết ra nó, làm tăng lượng serotonin trong synap, tăng tính dẫn truyền. SSRI gồm: fluoxetin (prozac) paroxetin (seroxat) fluvoxamin (faverin), setralin (lustral).

Khi mới ra đời, SSRI được coi là thuốc có công hiệu cao, ít độc hơn tricyclic. Riêng fluoxetin được quảng cáo là thuốc vui vẻ, rất ăn khách. Hiện nay thấy công hiệu không hơn nhiều, có một só tác dụng phụ như tricyclic: buồn nôn nôn nhức đầu đau dạ dày tiêu chảy thao thức, bồn chồn, lo lắng, áy náy không yên. Tuy nhiên, SSRI không gây nguy hiểm khi dùng quá liều như tricyclic. Riêng fluoxetin thực ra chỉ giúp cho người TC nhẹ, với họ đôi khi chỉ thay đổi lối sống cũng đạt được hiệu quả.

Nhóm IMAO

Gồm: phenezin, isocarboxazid, tranylcypromin, moclobemid, RIMA.

Các chất dẫn truyền (noradrenalin, dopamin, serotonin) bị phân hủy bởi enzym monoaminoxydase (MAO) nên chất ức chế nó (IMAO = monoaminoxydase inhibitor) làm cho các chất dẫn truyền không bị phân hủy, tích lũy lại trong synap, tăng tính dẫn truyền.

Thầy thuốc thường dùng IMAO khi tricyclic, SSRI không đáp ứng nhưng có khi dùng IMAO ngay từ đầu cho người có triệu chứng thể lý hoàn toàn đảo ngược hay các trạng thái riêng (ví dụ fluoxetin dùng trong trạng thái rối loạn ám ảnh bức bách).

RIMA (reversible inhibitor of monoamin oxydase subtype A) là loại mới, ít gây độc khi dùng với thức ăn chứa tyramin, không kiêng nghiêm ngặt như khi dùng các IMAO khác.

Các thuốc khác

Lithi carbonat: dùng dự phòng cả 2 pha hưng cảm và TC trong bệnh hưng - trầm đơn cực hay lưỡng cực và dùng điều trị hưng cảm.

L - tryptophan: có trong thức ăn, vào cơ thể sẽ chuyển thành chất dẫn truyền serotonin, làm tăng tính dẫn truyền. Dùng cho người TC nhẹ.

Tác dụng phụ, tương tác chung cần lưu ý

Gây hạ ngưỡng động kinh, làm cho người bị bệnh động kinh dễ lên cơn (nhất là tricyclic), nếu thấy co giật thì ngừng dùng. Gây đối kháng với thuốc động kinh, không được dùng chung.

Các thuốc cường giao cảm, các thuốc làm dịu (benzodiazepam), thuốc làm trầm suy hệ thần kinh trung ương, gây tăng hiệu năng thuốc TC. Không dùng chung trừ trường hợp đặc biệt (ví dụ dùng với thuốc làm dịu khi người bệnh TC bị căng thẳng mất ngủ).

Các thuốc TC làm tăng hiệu lực của nhau, gây độc. Muốn thay đổi thuốc phải có thời gian chuyển đổi. Ví dụ: sau khi ngừng dùng IMAO đủ 14 ngày mới được chuyển sang dùng thuốc khác, riêng với fluoxetin chỉ được dùng sau khi đã ngừng dùng IMAO đủ 35 ngày.

Tác dụng phụ tăng theo liều, quá liều sẽ gây độc nguy hiểm (như tricyclic, lithi). Cần thăm dò, theo dõi liều.

Hấp thu vào thai, tiết vào sữa gây hại trẻ. Không dùng khi có thai, cho con bú.

 

TC là bệnh tâm thần Không tự ý dùng thuốc hay khám chữa ở nơi không chuyên khoa mà khám chữa ở chuyên khoa tâm thần. Ở địa phương có chuyên khoa này, ở bệnh viện tỉnh và ở Trung tâm phòng chống bệnh xã hội. Khi điều trị tại bệnh viện hay tại nhà phải tránh mọi sai sót chung, tránh các tác dụng phụ, tương tác (như nói trên).

Người TC có thể không biết mình bị bệnh hoặc biết bị bệnh sinh ra mặc cảm, có các trạng thái gây khó chịu cho người khác. Người nhà, xã hội cần có sự giúp đỡ cần thiết (khám bệnh, dùng thuốc), không đánh giá sai về họ (ví dụ: không coi người hoang tưởng là ba hoa, không coi người trì trệ là lười nhác, đó chỉ là một trạng thái bệnh), từ đó không xa lánh, tìm cách gắn kết họ với cộng đồng. Điều này cũng quan trọng như dùng thuốc

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật