Có thể bạn chưa biết: Xách nặng cũng là nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ

Són tiểu khi gắng sức có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào trong cuộc đời người phụ nữ, thường gặp nhất ở lứa tuổi trung niên sau sinh đẻ hoặc tuổi mãn kinh.

Bệnh tuy không đe dọa tính mạng nhưng ảnh hưởng xấu đến chất lượng sống của người bệnh do nước tiểu thường bị són ra ngoài, không kìm chế được sau ho, hắt hơi hoặc một cử động gắng sức đột ngột.

Xách nặng cũng… són tiểu

Chị Trần Thị L, 52 tuổi, một tiểu thương ở Thanh Hoá chia sẻ với chúng tôi trong tâm trạng hoàn toàn thoải mái: Chỉ mới hôm trước thôi, chị vẫn còn đang rất khó chịu với chứng són tiểu có thể xảy ra bất cứ lúc nào: ho hắt hơi cả lúc lên xuống cầu thang, khi xách nặng, thậm chí chạy… cũng ra nước tiểu.

Chị chịu đựng tình trạng này đã hơn 3 năm rồi, cũng cắt thuốc namuống thuốc điều trị nhiều nơi nhưng không kết quả.

Đọc được thông tin có phương pháp chữa được dứt điểm căn bệnh này, chị liên hệ đến Khoa Phụ sản Bệnh viện (BV) Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 và trở thành bệnh nhân đầu tiên ở đây được áp dụng phương pháp TOT (Trans Obturator Tape) - phương pháp mổ nâng niệu đạo bằng lưới prolene điều trị chứng són tiểu gắng sức ở phụ nữ Sau phẫu thuật, chị hết luôn tình trạng són tiểu và làm thủ tục ra viện ngay hôm sau.

Tại sao lại xảy ra tình trạng són tiểu khi hoạt động gắng sức?

Theo các bác sĩ sản khoa, són tiểu không tự chủ qua đường niệu đạo là hậu quả của sự mất cân bằng giữa lực giữ nước tiểu của niệu đạo với lực co bóp để thải nước tiểu của bàng quang.

Són tiểu gắng sức là tình trạng rò rỉ nước tiểu ra ngoài không theo ý muốn khi hoạt động gắng sức như: ho hắt hơi cười, đi lại tập luyện thể thao, nâng vật nặng, thay đổi tư thế từ ngồi hoặc nằm sang đứng…

Són tiểu không tự chủ có thể xảy ra cả ở phụ nữ trẻ tuổi và lớn tuổi, tỷ lệ người mắc tăng dần theo độ tuổi với tỷ lệ ước tính 22%.

Có hai lý do chính làm cho cổ bàng quang, niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài) không đóng kín khi hoạt động gắng sức: thông thường nhất là do sự nâng đỡ kém của niệu đạo (cơ và tổ chức liên kết xung quanh bị nhão, yếu); hiếm hơn là cơ vòng của niệu đạo bị tổn thương.

Sự suy yếu của sàn chậu, tổ chức liên kết và cơ có thể do: mang thai và sinh nhiều lần, thời gian nghỉ hậu sản ít, bệnh nhân lớn tuổi, mãn kinh hoặc thiếu estrogen béo phì làm việc căng thẳng chơi thể thao quá độ, khiêng vác nặng hoặc bị các bệnh làm bệnh nhân phải rặn lâu ngày (như táo bón).

Giải thoát nỗi ám ảnh, lo âu của chị em phụ nữ

TS.BS. Đặng Vĩnh Dũng - Khoa Phụ sản BV TWQĐ 108, người đã thực hiện kỹ thuật TOT cho BN L. cho biết: Trước đây, phẫu thuật điều trị bệnh són tiểu gắng sức chủ yếu bằng phương pháp BURCH.

Phương pháp này bắt buộc phải mở bụng để tạo hình sàn chậu nên kỹ thuật phức tạp, nhiều tai biến, biến chứng và để lại sẹo lớn trên thành bụng. Khắc phục tình trạng này, phẫu thuật TVT ra đời, bản chất kỹ thuật này là treo niệu đạo lên trên xương mu.

Kỹ thuật này cũng có thể gây ra tai biến thủng bàng quang chảy máu và kỹ thuật cũng phức tạp. Năm 2001, phương pháp TOT được ra đời tại Pháp và trở thành phương pháp an toàn, dễ thực hiện và thành công đạt trên 90%.

Bằng biện pháp gây tê tại chỗ, qua một vết chích nhỏ ở thành trước âm đạo, một dải băng tổng hợp (Bandelette prolène) được đưa vào bọc quanh phần sau niệu đạo nhằm tạo ra một vùng đệm tựa chắc chắn, hỗ trợ cho vòng cơ đã rão yếu.

Khi gắng sức, áp lực ổ bụng tăng lên sẽ ép niệu đạo lên vùng này làm bịt tắc lòng niệu đạo tránh được són tiểu gắng sức. Dải băng này được cấu tạo từ những sợi mô-nô-phi-la-măng tổng hợp và sợi polypropylen, là loại vật liệu được dùng rất phổ biến trong phẫu thuật, nó rất bền theo thời gian và được dung nạp rất tốt trong cơ thể. Giá của vật liệu này là 8,4 triệu đồng/1 dải băng.

Cũng theo TS.BS. Đặng Vĩnh Dũng, đây là một phẫu thuật nhẹ nhàng, không cắt cơ vùng bụng và tầng sinh môn không nhìn thấy sẹo, ít gây sang chấn và ít đau Thời gian mổ không quá 45 phút, rất ít tai biến nhưng hiệu quả ngay sau khi kết thúc phẫu thuật: bệnh nhân hắt hơi, ho sẽ không bị ra nước tiểu như trước mổ.

Thời gian nằm viện ngắn - 1 ngày. Sau khi ra viện, bệnh nhân có thể sinh hoạt và làm việc bình thường, tuy nhiên, phải tránh những hoạt động thể lực quá nặng như gánh vác, chơi thể thao trong 2 tuần và kiêng sinh hoạt tình dục trong vòng 1 tháng...

Hiện tại, ở miền Bắc có 3 BV đang áp dụng kỹ thuật TOT là: BV Việt Pháp, BV 108 và BV Việt Đức.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật