Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp khiến nhiều trẻ tử vong

6 em bé sốt xuất huyết qua đời tại BV Nhi đồng 1 tính từ đầu năm, phần lớn do bố mẹ chủ quan, phát hiện bệnh và đưa vào viện muộn.

Hiện mỗi ngày Khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) điều trị nội trú khoảng trên 100 bệnh nhi, trong khi những tháng đầu năm trung bình khoảng 30 ca. Có 13 trường hợp diễn tiến nặng, sốc phải điều trị hồi sức tích cực và áp dụng các biện pháp chống sốc tích cực bằng truyền dịch điện giải hoặc các dung dịch cao phân tử. Trường hợp quá nặng phải hỗ trợ truyền máu, huyết tương tiểu cầu kết tủa lạnh, thậm chí phải hỗ trợ bằng thở máy.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết từ đầu năm đến nay đã có 6 bé tử vong. Các ca tử vong rải đều ở mọi độ tuổi, mới đây có trường hợp bệnh nhi mới 1 tuổi không qua khỏi. Đây đều là những ca rất nặng, diễn tiến nhanh, phát hiện trễ dẫn đến hậu quả sốc kéo dài, suy đa cơ quan, xuất huyết tiêu hóa

'Một trong những lý do dẫn đến bệnh nặng, tử vong là sự chủ quan, lơ là trong việc theo dõi phát hiện bệnh giai đoạn sớm, dẫn đến nhập viện trễ. Với những trẻ lớn, bố mẹ cứ tưởng tự khỏi nên không đưa đi khám sớm. Nguy hiểm nữa là các biện pháp phòng ngừa diệt muỗi, lăng quăng chưa được cộng đồng thực hiện đầy đủ và hiệu quả', bác sĩ Tuấn nhận định.

Theo bác sĩ Tuấn, những triệu chứng của sốt xuất huyết ban đầu thường dễ nhầm lẫn các bệnh hô hấp khác như nhiễm siêu vi viêm họng viêm hô hấp trên, viêm phế quản tay chân miệng... Trong giai đoạn đầu của bệnh rất khó chẩn đoán, nhất là 1-3 ngày đầu. Trẻ thường sốt cao, lừ đừ mệt mỏi như cảm thông thường. Lưu ý với sốt xuất huyết uống thuốc hạ sốt thì giảm nhiệt nhưng sau đó nóng trở lại. Sốt cao từ 39 độ trở lên quá 2 ngày thì cần phải đi khám bệnh sớm và theo dõi chặt chẽ. 

'Thông thường ngay từ đầu bệnh nhân đã sốt cao, khởi phát đột ngột chứ không sốt nhẹ rồi tăng dần. Những bệnh khác trẻ không giảm sinh hoạt đáng kể còn riêng sốt xuất huyết thì bé rất đừ, hầu như không thể thực hiện các hoạt động thường ngày như xem tivi, đọc sách báo, chơi đùa...', bác sĩ Tuấn cho biết.

Cần lưu ý, trẻ bị tái phát sốt xuất huyết thường diễn tiến nặng hơn lần trước vì cơ thể đã có phản ứng miễn dịch tác dụng bất lợi. Sốc sốt xuất huyết thường rơi vào ngày thứ 4-6. Người bệnh thay vì giảm sốt, khỏe hơn thì có dấu hiệu nặng như lừ đừ, bứt rứt, vật vã đau bụng buồn nôn nôn ói. Ngoài ra dấu hiệu xuất huyết xuất hiện rõ và tiến triển nặng như chảy máu răng xuất huyết tiêu hóa chảy máu mũi ói ra máu, đi cầu phân đen...

Nhiều bệnh nhân diễn tiến nặng vì người nhà xin được truyền dịch tại nhà. Việc truyền dịch ở giai đoạn sớm rất nguy hiểm vì bệnh nhân chưa phải giai đoạn thất thoát huyết tương, cô đặc máu. Do đó dịch truyền đưa vào cơ thể đến giai đoạn sốt xuất huyết diễn tiến nặng sẽ thất thoát ra ngoài, cơ thể người bệnh phù nề dễ suy hô hấp khó thở rất nguy hiểm. Sốt xuất huyết ban đầu theo dõi chủ yếu là hạ sốt bù dịch bằng đường uống. Trong trường hợp ói mửa nhiều, không ăn uống phải điều trị tại cơ sở y tế để phát hiện sớm biến chứng chứ không được tự ý điều trị tại nhà.

Theo thống kê và đặc tính của dịch sốt xuất huyết thì năm 2015 sẽ diễn tiến phức tạp, rơi vào chu kỳ của dịch cứ 3-5 năm lại tăng cao. TP HCM hiện bước vào giữa mùa mưa sốt xuất huyết dự đoán sẽ còn tăng mạnh. Không riêng gì trẻ em các trường hợp ở người lớn cũng nhiều và phức tạp, có thể dẫn đến tử vong

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật