Cách chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ cần chú ý những điều gì?

Sau khi bị đột quỵ có thể gặp một số di chứng, tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe và mức độ bệnh của từng cá nhân.

Vai trò của người chăm sóc rất quan trọng. Hiểu biết về đột quỵ cũng như cách chăm sóc sau khi bị đột quỵ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân.

Đột quỵ xảy ra do cục máu đông làm nghẽn lòng động mạch làm thiếu máu não hoặc gây chảy máu trong não. Việc điều trị ban đầu đối với đột quỵ bao gồm dùng thuốc để phá vỡ cục máu đông ngăn chặn thiệt hại thêm cho não và phục hồi các chức năng não.

Điều gì xảy ra sau đột quỵ?

Các chức năng cơ thể bị ảnh hưởng: Cơ yếu đi và có thể liệt nửa người. Điều này gây trở ngại cho sự thăng bằng, gây mệt mỏi và giảm vận động; khó khăn trong việc nuốt; tầm nhìn bị thay đổi; khó khăn trong việc kiểm soát bàng quang và ruột làm rối loạn tiểu tiện và đại tiện.

Rối loạn giao tiếp: Một trong những rối loạn giao tiếp phổ biến nhất là chứng mất ngôn ngữ khó khăn trong nói, viết, đọc hoặc thậm chí hiểu được những gì người khác đang nói khi giao tiếp.

Suy giảm trí nhớ và tư duy: Đột quỵ thường ảnh hưởng đến trí nhớ Nếu ảnh hưởng đến vùng não phải, bệnh nhân có thể bị các rối loạn về không gian - nhận thức, làm suy yếu khả năng đánh giá kích thước, khoảng cách, tốc độ, vị trí hoặc cấu trúc. Biểu hiện không thể viết các chữ cái và con số, không nhận biết được phía bên trong hoặc bên ngoài, mặt trái hoặc mặt phải của quần áo. Thậm chí một số bệnh nhân không thể xác định được họ đang đứng hoặc đang ngồi.

Thay đổi cảm xúc: Một trong những thay đổi sau đột quỵ là những thay đổi về cảm xúc. Thay đổi cảm xúc có thể bao gồm lo âu trầm cảm dễ cáu kỉnh và thiếu kiểm soát cảm xúc. Khi đột quỵ ảnh hưởng não vùng trán hoặc vùng thân não có thể dẫn đến mất kiểm soát cảm xúc. Biểu hiện có thể cười và sau đó khóc òa đột ngột, thường xảy ra vào ban đêm, nhưng có thể xảy ra ban ngày, đặc biệt là khi bệnh nhân nằm lâu trên giường.

Thay đổi hành vi: Khi đột quỵ̣ ảnh hưởng bên não trái có thể làm cho bệnh nhân chậm chạp, vô tổ chức hay quá thận trọng, đặc biệt trong các hoạt động mới. Thái độ hay do dự và lo lắng, không giống như cách người bệnh ứng xử trước khi bị đột quỵ. Ngược lại, khi đột quỵ ảnh hưởng ở não phải có khả năng làm bệnh nhân có hành động nhanh chóng và bốc đồng hơn. Họ có thể bỏ qua những thách thức và cố gắng để thực hiện các hoạt động vượt quá khả năng của họ.

Cách chăm sóc

Giảm nguy cơ đột quỵ tái phát: Một bệnh nhân đã bị đột quỵ có nguy cơ bị đột quỵ tái phát, nếu không được điều trị thích hợp và thiếu kiểm soát. Để giảm nguy cơ này cần đảm bảo bệnh nhân dùng thuốc đúng cách, thực hiện đúng các bài tập phục hồi và tham khảo ý kiến bác sĩ thường xuyên.

Nắm các thông tin liên quan bệnh và thuốc men: Khi chăm sóc người thân bị đột quỵ, tốt nhất cần trao đổi với bác sĩ để tìm hiểu những gì xảy ra sau một cơn đột quỵ. Tìm hiểu các loại thuốc đã kê toa và tác động của từng loại thuốc, những điều chỉnh cần thiết tại nhà để thích ứng và giúp bệnh nhân hồi phục.

Tìm hiểu các yếu tố liên quan để giúp bệnh nhân phục hồi: Mỗi bệnh nhân bị đột quỵ có các đặc điểm khác nhau, nhưng một số yếu tố chung quyết định sự phục hồi. Bao gồm các yếu tố sau: vị trí của đột quỵ ở não; mức độ tổn thương não; tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước khi đột quỵ; khả năng di chuyển của bệnh nhân; hỗ trợ của người chăm sóc.

Tùy thuộc vào các yếu tố nêu trên, phục hồi có thể mất một thời gian ngắn hoặc dài hơn. Nhiều bệnh nhân đạt được sự phục hồi đáng kể trong vòng 3-4 tháng sau khi đột quỵ. Nhưng ở người khác, phục hồi có thể kéo dài đến 2 năm sau đột quỵ.

Áp dụng vật lý trị liệu là bắt buộc đối với đa số trường hợp sau đột quỵ: Khi bệnh nhân đột quỵ có những biểu hiện: khó khăn trong việc di chuyển; thiếu thăng bằng dẫn đến té ngã; không có khả năng tham gia các hoạt động xã hội; không có khả năng đi bộ hơn 6 phút mà không nghỉ, người chăm sóc cần tham vấn bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc chuyên gia phục hồi chức năng để quyết định áp dụng điều trị cho người bệnh.

Điều trị ngay khi phát hiện trầm cảm: Khoảng 30-50% bệnh nhân sẽ bị trầm cảm tại một số thời điểm trong quá trình phục hồi. Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của bệnh nhân. Khi người bệnh có những dấu hiệu trầm cảm như cảm thấy tuyệt vọng, mất hứng thú trong các sở thích trước đây, những thay đổi trong sự thèm ăn và rối loạn giấc ngủ cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để điều trị ngay.

Tóm lại, chăm sóc bệnh nhân sau khi bị đột quỵ là một quá trình kéo dài, kiên trì và phải có kiến thức cơ bản. Chăm sóc hiệu quả và khống chế tốt các yếu tố nguy cơ trên bệnh nhân đột quỵ vẫn là chiến lược tối ưu hiện nay, nhằm tránh đột quỵ tái phát và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân đột quỵ.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật