Bệnh tim bẩm sinh:Những tiến bộ trong điều trị tim bẩm sinh

Bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng đều mong muốn sinh ra một em bé khỏe mạnh. Vì vậy, sẽ thật không may mắn khi phát hiện ra con của mình bị mắc dị tật tim bẩm sinh. Nhưng bố mẹ cũng đừng nên lo lắng quá, bởi điều quan trọng nhất lúc này là phải giữ sức khỏe và tinh thần thật tốt để chăm sóc cho con. Bên cạnh đó, hiện nay cùng với sự phát triển của y học, hầu hết các dị tật tim bẩm sinh nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, thì bé có thể sống khỏe mạnh và phát triển bình thường.

Nếu bé bị dị tật tim bẩm sinh nhẹ, hầu như không xuất hiện triệu chứng gì thì không cần thiết phải điều trị đặc hiệu. Khoảng 1/3 bé có dị tật nhẹ, chỉ cần uống thuốc dưới sự theo dõi thường xuyên của bác sĩ. Với những trường hợp nặng hơn, bé có thể được điều trị bằng phương pháp thông tim can thiệp hoặc phẫu thuật mổ tim mở.

Dưới đây là một số dị tật tim bẩm sinh thường gặp và các phương pháp điều trị:

Còn ống động mạch là bệnh tim bẩm sinh thường gặp

Ống động mạch tồn tại trong thời kỳ bào thai và sẽ đóng lại trong vòng 2 tuần đến 1 tháng đầu sau khi bé ra đời. Nếu sau thời gian trên mà ống không đóng lại gọi là dị tật còn ống động mạch. Đây là bệnh tim bẩm sinh thường gặp, chiếm khoảng 10% các bệnh tim bẩm sinh Dị tật này thường hay gặp ở trẻ sinh non tháng. Nó sẽ tạo ra sự lưu thông bất thường giữa đại tuần hoàn và tiểu tuần hoàn. Vì vậy, cần điều trị càng sớm càng tốt để tránh những hậu quả nghiêm trọng về mặt huyết động sau này.

Điều trị còn ống động mạch phụ thuộc vào tuổi, kích thước lỗ thông và tình trạng bệnh của bé. Ở trẻ sinh non bác sĩ có thể sử dụng thuốc chống viêm thông dụng như ibuprofen hoặc indomethacin ngay từ sớm để làm đóng ống động mạch. Nếu thuốc không có kết quả, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp can thiệp để đóng ống động mạch hoặc phẫu thuật thắt ống động mạch khi trẻ lớn hơn.

Thông liên thất, thông liên nhĩ

Thông liên thất là dị tật tim bẩm sinh thường gặp nhất, chiếm tới khoảng 25% các bệnh tim bẩm sinh thông liên thất xảy ra khi xuất hiện một lỗ thông bất thường giữa 2 buồng tâm thất. Nếu lỗ thông nhỏ, thường có tiên lượng tốt. Tỷ lệ tự đóng lại của các trường hợp thông liên thất lỗ nhỏ ở trẻ em lên đến 75%. Nhưng nếu lỗ thông lớn, sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trẻ thường bị chậm lớn và có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được xử trí sớm.

Dị tật tim bẩm sinh thông liên nhĩ

Dị tật tim bẩm sinh thông liên nhĩ

Thông liên nhĩ chiếm khoảng từ 5% đến 10% các trường hợp tim bẩm sinh. Bình thường nhĩ trái và nhĩ phải tách biệt nhau bởi một vách được gọi là vách liên nhĩ. Nếu vách này bị khiếm khuyết hoặc không có, máu giàu oxy có thể chảy trực tiếp từ buồng nhĩ trái sang buồng nhĩ phải để trộn với máu kém oxy và ngược lại. Nếu không được điều trị triệt để, lâu dài có thể dẫn đến quá tải buồng tim phải, làm tăng áp động mạch phổi và cuối cùng dẫn đến hậu quả tất yếu là suy tim xung huyết.

Lựa chọn phương pháp điều trị cho trẻ bị thông liên thất hoặc thông liên nhĩ tuỳ thuộc vào vị trí giải phẫu và kích thước của lỗ thông. Đối với các lỗ thông kích thước nhỏ thì có thể chưa cần thiết phải điều trị, chỉ cần theo dõi định kỳ. Với các lỗ thông kích thước lớn hơn, thì cần đóng lại bằng phương pháp can thiệp bít lỗ thông hoặc phẫu thuật vá lỗ thông. Nếu lỗ thông được đóng sớm thì thường trẻ nhỏ sẽ khỏi hẳn. Sau đó, chỉ cần theo dõi và khám định kỳ trong khoảng 3 năm.

• Nếu bạn hoặc người thân không may bị bệnh tim bẩm sinh và đang gặp phải các triệu chứng như khó thở thường xuyên mệt mỏi đau ngực có thể bạn quan tâm tới giải pháp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa suy tim do bệnh tim bẩm sinh
• Đan sâm vị thuốc quý cho bệnh tim mạch

Hẹp eo động mạch chủ

Hẹp eo động mạch chủ là dị tật tim bẩm sinh mà vị trí eo động mạch chủ bị hẹp bất thường, gây cản trở tim bơm máu đi nuôi cơ thể. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thì thường có tiên lượng tốt. 
Phương pháp điều trị hẹp eo động mạch chủ là phẫu thuật cắt bỏ chỗ hẹp rồi nối lại bằng đoạn mạch nhân tạo hoặc can thiệp nong bóng hoặc đặt stent vị trí hẹp eo. Tất cả các bệnh nhân hẹp eo động mạch chủ cần được theo dõi lâu dài trên cả lâm sàng (tình trạng suy tim trái, tăng huyết áp mạch bẹn) và cận lâm sàng (siêu âm, điện tâm đồ) mỗi năm một lần.

Tứ chứng Fallot là bệnh tim bẩm sinh có tím thường gặp nhất

Tứ chứng Fallotbệnh tim bẩm sinh có tím thường gặp nhất, chiếm tới 75% các trường hợp tim bẩm sinh tím ở trẻ trên 1 tuổi. Đây là dị tật bao gồm 4 bất thường bẩm sinh trong tim (tứ chứng), đó là: thông liên thất, hẹp động mạch phổi, động mạch chủ cưỡi ngựa trên vách liên thất, dày thất phải. Các dị tật này làm giảm máu lên phổi và đưa máu thiếu oxy đi nuôi cơ thể nên trẻ có tình trạng thiếu oxy lâu ngày, dễ bị mệt và bị tím da với các mức độ khác nhau kể từ lúc sinh ra.

Trẻ mắc tứ chứng Fallot có thể được điều trị phẫu thuật sửa chữa ngay trong những tháng đầu sau sinh. Điều trị nội khoa chỉ là lựa chọn tạm thời trong lúc chờ thời điểm thích hợp để phẫu thuật.

Phương pháp phẫu thuật được áp dụng trong trường hợp này là phẫu thuật tim hở có sử dụng máy tim phổi nhân tạo, đạt kết quả tốt với tỉ lệ tử vong dưới 5%. Bằng phẫu thuật triệt để, các tật tim của tứ chứng Fallot đều được sửa chữa, trẻ hết tím, hết mệt khi gắng sức, hầu như trở lại được với cuộc sống bình thường. Phẫu thuật được thực hiện tốt nhất từ 2 – 3 tuổi. Nếu không được phẫu thuật, chỉ 10% trẻ sống đến 20 tuổi, dưới 3% trẻ sống đến 40 tuổi.

Nếu được phát hiện sớm bệnh và điều trị thích hợp, hầu hết trẻ em với tứ chứng Fallot sống cuộc sống tương đối bình thường, nhưng cần lưu ý thường xuyên theo dõi định kỳ và có thể phải hạn chế bớt các hoạt động thể lực

Hội chứng thiểu sản thất trái

Là dị tật tim bẩm sinh trong đó buồng thất trái rất nhỏ không thực hiện được các chức năng bơm máu của tim. Trẻ cần được phẫu thuật sớm, nếu không trẻ có thể tử vong trong vài tuần đầu sau sinh.

Nhìn chung, hầu hết các trường hợp dị tật tim bẩm sinh đều có thể chữa khỏi nhờ can thiệp hoặc phẫu thuật. Tuỳ từng loại dị tật tim bẩm sinh và mức độ của bệnh, mà sẽ yêu cầu những thời điểm cẩn thiết phải phẫu thuật khác nhau. Có những trường hợp yêu cầu phải phẫu thuật rất sớm ngay từ những tháng đầu sau sinh, có thể là phẫu thuật sửa toàn bộ hoặc phẫu thuật sửa tạm thời. Tốt nhất, bé bị tim bẩm sinh nên được theo dõi định kỳ bởi một bác sĩ tim mạch nhi để có những quyết định điều trị phù hợp và kịp thời, giúp bé có được một cuộc sống khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật