Kiêng ăn sau sinh: Hại cả mẹ lẫn con, mẹ bầu nên chú ý

Không chỉ khiến chị em suy nhược cơ thể, kiêng ăn sau sinh còn dẫn đến nguy cơ thiếu sữa cho bé bú.

3 tuần sau khi sinh em bé, chị Đinh Thị Huệ, nhà ở quận 11 đã phải đến gặp bác sĩ vì tình trạng thường xuyên mệt mỏi choáng ngất. Kết quả thăm khám xác định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sản phụ ăn kiêng dẫn đến suy dinh dưỡng

Thừa nhận với các bác sĩ, chị Huệ cho biết, nghe theo lời người lớn, từ sau khi sinh món ăn mà chị thường xuyên được mẹ nấu mang đến tận giường là cơm trắng ăn với thịt kho tiêu. 'Ngán lắm, nuốt không vô, nhưng mẹ tôi bảo ngày xưa mẹ cũng ăn như thế để không bị bệnh nên tôi phải nghe', người mẹ trẻ nói với bác sĩ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Cùng ăn kiêng theo lời khuyên của dân gian, sản phụ Nguyễn Thị Xuân (31 tuổi) nhà ở Hóc Môn phải nhập viện cấp cứu vì ngất. Tại bệnh viện chị được các bác sĩ xác định cơ thể suy dinh dưỡng và nguyên nhân ngất là do hạ đường huyết 'Sau khi sinh, bệnh nhân chỉ ăn ngày 3 buổi, mỗi buổi một chén cơm với thịt kho tiêu mà không ăn kèm rau Chính đế độ ăn này đã khiến tuyến sữa hầu như cạn kiệt và cơ thể không còn đủ sức chịu đựng', bác sĩ nói. 

Hai trường hợp nêu trên không phải là cá biệt bởi ghi nhận tại các bệnh viện sản ở TP HCM cho thấy các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận 'nạn nhân' của tình trạng kiêng khem ăn uống sau khi sinh và nhiều người trong số họ được chẩn đoán suy dinh dưỡng nghiêm trọng. 'Không chỉ kiêng theo quan niệm dân gian, một số bà mẹ trẻ còn cố tình nhịn ăn đến suy kiệt vì muốn nhanh chóng lấy lại vóc dáng. Đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm bởi 'phục hồi sức khỏe sau sinh mới là điều quan trọng hơn cả'', một bác sĩ Trung tâm dinh dưỡng TP HCM nói.

Theo Tiến sĩ - bác sĩ Trần Sơn Thạch, nguyên giám đốc bệnh viện phụ sản Hùng Vương (TP HCM), sau mỗi lần sinh, đa số sản phụ cảm thấy 'kiệt sức'. Tình trạng này thậm chí trầm trọng hơn nhiều trong trường hợp các thai phụ bị mất máu nhiều khi sinh như bị băng huyết sau sinh hay phải sinh mổ 'Chính vì thế quan niệm kiêng khem trong thời gian hậu sản có thể làm cho cơ thể của người phụ nữ sau sinh ngày càng suy kiệt hơn và thậm chí có thể mang lại nhiều nguy cơ trong một số tình huống bệnh lý. Cụ thể chế độ ăn quá mặn có thể khiến sản phụ bị bệnh lý cao huyết áp hay bệnh lý thận', ông Thạch nói. Cũng theo bác sĩ Thạch, năng lượng cho các thai phụ sau sinh phải được cung cấp thêm ít nhất 25% so với chế độ dinh dưỡng hàng ngày, trong đó nhu cầu về chất đạm phải đạt được ít nhất là 65 gram mỗi ngày. Bên cạnh đó thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá hay đậu hũ cũng cần được bổ sung trong chế độ ăn hàng ngày.

Phụ nữ sau sinh cũng cần phải được cung cấp đủ chất béo vì đây là nguồn năng lượng quan trọng và là nguồn cung cấp các a-xít béo cần thiết. Các bà mẹ cũng phải đảm bảo cung cấp ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày vì việc làm này giúp người mẹ có đủ sữa cho bé.

Rau xanh và trái cây là thứ không thể thiếu trong chế độ ăn hàng ngày vì đây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất rất quan trọng cho cả người mẹ và bé sơ sinh Tuy vậy cần chú ý trong quá trình chuẩn bị và chế biến do thức ăn cho những sản phụ sau sinh cần phải sạch và đảm bảo tính 'an toàn'.

Các gia vị như tỏi tiêu hay ớt không nên sử dụng nhiều khi chế biến thức ăn vì có thể làm thay đổi mùi của sữa mẹ đôi khi làm bé 'chê' không bú sữa mẹ. Các mẹ cũng nên uống sữa và ăn sữa chua bởi đây là nguồn cung cấp khoáng chất có lợi cho cả mẹ và bé. Các loại thuốc bổ vitamin có thể không cần sử dụng nếu có được chế độ ăn phù hợp.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật