Bạn có những hiểu biết gì về căn bệnh đái dưỡng chấp?

Bệnh đái dưỡng chấp tuy không phải bệnh cấp cứu nhưng nếu không phát hiện sớm, chữa trị kịp thời có thể dẫn đến suy kiệt do mất chất dinh dưỡng và để lại nhiều hậu quả xấu.

Thực chất của bệnh đái dưỡng chấp là do tổn thương giữa hệ bạch huyết và đài, bể thận gây nên hiện tượng rò rỉ, từ đó, bạch mạch chảy vào bể thận theo đường tiết niệu đi ra ngoài qua lỗ tiểu cùng với nước tiểu. Nguyên nhân gây nên hiện tượng rò rỉ lưu thông bạch mạch và bể thận là do giun chỉ (một loại ký sinh trùng) hoặc do bẩm sinh hoặc do u trung thất hoặc do chấn thương vùng thận làm tắc nghẽn đường bạch mạch gây ra. Trong các loại nguyên nhân, giun chỉ đóng vai trò chủ yếu trong bệnh đái dưỡng chấp.

 

Tại sao giun chỉ gây nên bệnh này?

Giun chỉ cái đẻ trứng nở thành ấu trùng, ấu trùng chui qua ống ngực để vào máu qua hệ thống bạch mạch. Tại đây, giun trưởng thành đẻ trứng trở thành ấu trùng và giun chết sinh ra độc tố để lại xác, tất cả các yếu tố này đều làm tổn thương ống bạch mạch và các van bạch mạch gây nên tắc nghẽn và rò, rỉ. Đồng thời, mạch bạch huyết dưới chỗ tắc sẽ giãn ra cộng thêm độc tố giun chỉ làm viêm niêm mạc bạch huyết dẫn đến áp lực bạch mạch ở đoạn dưới chỗ bít tăng lên

Quá trình diễn ra bệnh giun chỉ như sau: muỗi đốt và hút máu người có ấu trùng giun chỉ, khi đốt và hút máu người lành khác sẽ truyền giun chỉ qua vết đốt vào máu và giun chỉ tiếp tục gây bệnh (các ấu trùng sau 21 ngày ở trong muỗi sẽ phát triển và có khả năng gây bệnh). Vì vậy, muỗi là vật chủ trung gian truyền bệnh giun chỉ, loài muỗi thường gặp như: Culex, Aedes... Khi vào máu, ấu trùng sẽ đến hệ bạch mạch, sau 3 tháng sẽ phát triển thành giun chỉ trưởng thành (giun chỉ trưởng thành sống 15 năm còn ấu trùng chỉ sống khoảng 70 ngày).

Bản chất của dưỡng chấp là gì?

Dưỡng chấp là chất dịch trong hệ bạch mạch, được hấp thu từ thức ăn qua ruột. Dưỡng chấp có thành phần chính là lipid trong đó chủ yếu là triglyceride (chiếm khoảng 92%), phospholipide chiếm khoảng 7% và cholesterol tự do với tỷ lệ rất thấp (1%). Bình thường, trong nước tiểu không có dưỡng chấp, khi trong nước tiểu có dưỡng chấp được gọi là đái dưỡng chấp.

Đái dưỡng chấp có biểu hiện như thế nào?

Bệnh thường xảy ra ở những người đang trong độ tuổi lao động (khoảng từ 20-50 tuổi). Người bệnh có thể bị sốt nhẹ do nhiễm khuẩn kèm theo, số còn lại ít có biểu hiện gì đặc biệt. Bệnh diễn biến âm thầm nên nhiều người không để ý cho đến lúc thấy nước tiểu có màu trắng đục như sữa hoặc như nước vo gạo để lâu sẽ đông lại như thạch, có khi lẫn cả máu hoặc cả một cục mỡ to. Nếu có kèm theo đái ra máu, nước tiểu sẽ có màu nâu đậm (màu sôcôla). Nước tiểu đục tăng lên sau khi ăn vài giờ, nhất là các bữa ăn có nhiều mỡ, thịt, cá, trứng hoặc khi vận động nhiều, mạnh, đái dưỡng chấp có thể tăng lên, tuy vậy, một số trường hợp đái dưỡng chấp không liên quan gì đến sự vận động. Đái dưỡng chấp thường xuất hiện từng đợt, có thể tự ổn định, vì vậy, có thể làm cho người bệnh hiểu nhầm là bệnh đã khỏi.

Hậu quả của đái ra dưỡng chấp là gì?

Người đái dưỡng chấp có thể có thể trạng gầy nếu mức độ đái ra dưỡng chấp nhiều, tuy vậy, hầu hết vẫn sinh hoạt bình thường cho đến khi bệnh nặng và kéo dài, người bệnh dễ suy kiệt do mất các chất dinh dưỡng bên cạnh đó, nếu chế độ kiêng khem quá mức cần thiết có thể dẫn đến suy kiệt, xơ gan

Làm thế nào để chẩn đoán bệnh đái dưỡng chấp?

Khi nghi đái dưỡng chấp, cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Trước hết, cần dựa vào tiền sử có bị chấn thương hay bị u chèn ép hay không, quan trọng hơn cả là có sinh sống ở vùng có nguy cơ cao mắc bệnh giun chỉ hay không. Tiếp đến sẽ tiến hành xét nghiệm máu để tìm ấu trùng giun chỉ (thông thường phải xét nghiệm máu nhiều lần vào lúc 9 - 10 giờ đêm hàng ngày), xét nghiệm nước tiểu (đánh giá bản chất của dưỡng chấp); chụp bạch mạch thận xác định tình trạng hệ thống bạch mạch quanh thận. Nội soi bàng quang là kỹ thuật ngày nay thường được áp dụng nhằm xác định dòng dưỡng chấp, hoặc máu một hoặc cả hai bên thận (kết quả dương tính rất cao khoảng 97,7%).

Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh như thế nào?

 

Tùy theo nguyên nhân sẽ có phương pháp điều trị phù hợp, nếu do giun chỉ, cần điều trị nội khoa (dùng thuốc) để tiêu diệt giun chỉ và ấu trùng của chúng hoặc bơm rửa bể thận bằng dung dịch nitrat bạc 0,5%. Ngoài ra, có thể can thiệp bằng ngoại khoa để giải quyết vấn đề hiện tượng rò rỉ ống bạch mạch và đài bể thận.

Để phòng bệnh giun chỉ, cần tránh muỗi đốt bằng cách nằm màn khi đi ngủ và tiêu diệt muỗi bọ gậy (loăng quăng) bằng mọi hình thức từ dân gian đến các biện pháp dùng hóa chất phun, tẩm màn. Khơi thông cống rãnh, ao tù nước đọng, thay nước lọ hoa hàng ngày, các chum, vại, lu đựng nước cần có nắp đậy và thả cá có khả năng ăn bọ gậy.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật